Tổng quan về kiến trúc đương đại Nhật Bản

Thứ ba, 16/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc đương đại Nhật Bản là kết quả của sự sáng tạo nền kiến trúc truyền thống dân tộc một cách đúng mức cùng với sự tiếp thu kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, kiến trúc Nhật Bản cũng đã trải qua một thời gian dài để có thể tìm ra con đường riêng trong kiến trúc của mình. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nền kiến trúc Nhật Bản đã khẳng định được hướng đi đúng đắn mà họ lựa chọn bằng những thành tựu to lớn đã được thế giới công nhận.

Là một trong những kiến trúc sư thế hệ đầu tiên của kiến trúc đương đại Nhật Bản hay kiến trúc sư của những tác phẩm dẫn đường trong công cuộc tái thiết kiến trúc Nhật Bản từ đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Kenzo Tange sinh ra từ thành phố nhỏ Imabari, đảo Shikodu, Nhật Bản vào năm 1913. Xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, Kenzo Tange đã thể hiện các tác phẩm một cách tài tình bằng sự pha trộn nhuần nhuyễn các yếu tố thẩm mỹ phương Tây và yếu tố truyền thống của Nhật Bản.

Cùng với Kenzo Tange còn có các kiến trúc sư Jundo Sakakura sinh năm 1901 hay Kunio Mayekawa sinh năm 1905 và nhiều kiến trúc sư khác đã mang đến cho kiến trúc Nhật Bản một nội dung mới. Bằng sự khai thác các nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống đồng thời coi những nét truyền thống là sự bắt nguồn của cảm hứng sáng tác, các kiến trúc sư đã rất coi trọng nhu cầu của cuộc sống mới.

Kenzo Tange nói: “Sự từ chối một cách đơn giản những phương pháp học được ở truyền thống là không thực tiễn, nhưng những phương pháp mới phải được tìm tòi, kiến trúc phải được va chạm mặt đối mặt với thực tiễn hiện tại”, “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới những dạng mới”, “ Truyền thống đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình sáng tác, không hơn không kém”. Tinh thần đó của các kiến trúc sư Nhật Bản lúc bấy giờ đã dành được sự tán thưởng của mọi người sau khi kiến trúc sư Kenzo Tange và các kiến trúc sư khác cùng thời đã có những công trình kiến trúc giàu chất sáng tạo, lấy cảm hứng thiết kế từ kiến trúc gỗ dân gian truyền thống Nhật Bản, nó đã dấy lên làn sóng dư luận không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các nước phương Tây.

Việc sử dụng có cân nhắc và đúng mực các thành tựu kỹ thuật và tinh hoa kiến trúc cổ truyền dưới dạng mới, khiến cho nền kiến trúc Nhật Bản có được những công trình nổi tiếng như Bảo tàng Hoà Bình Hirosima (1949 – 1956) của Kenzo Tange sau khi ông là người đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế Bảo tàng ở Hirosima, thành phố bị phá huỷ trong cuộc tấn công nguyên tử đầu tiên của thế giới và nay bảo tàng đã trở thành biểu tượng cho ước vọng hoà bình của con người, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Tokyo của kiến trúc sư Jundo Sakakura (1951), Cung Hội nghị thành phố Tokyo (1958 – 1961) của Kunio Mayekawa hay Cung Thể thao Olympic Tokyo (1964) của Kenzo Tange.

Là học trò của kiến trúc sư bậc thầy Kenzo Tange, Kisho Kurokawa sinh năm 1943 tại thành phố công nghiệp Nagoya, kiến trúc sư lừng danh với triết lý “Kiến trúc cộng sinh”, nghĩa là hoà trộn những gì vốn tương phản với nhau giữa tính địa phương và tính toàn cầu, giữa môi trường tự nhiên và không gian hiện đại. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như Tháp Nakagin Capsule, Tokyo – Hình Tổ én năm 1972 với toàn bộ hệ thống nhà dựa trên hai nút giao thông, đồng thời là hai hệ kết cấu chịu lực, Bảo tàng Nghệ thuật Nagoya (1987) hay “Những chiếc cánh mới” của Bảo tàng Van Gogh ở Hà Lan (1990 – 1998). Cùng thời với Kisho Kurokawa còn có kiến trúc sư Arata Isozaki sinh năm 1931 tại Oita, Kyushu. Ông cũng là học trò của kiến trúc sư Kenzo Tange. Ông rất thích thú với các ý tưởng kiến trúc truyền thống trong các công trình thiết kế của mình như Isozaki muốn đưa phong thuỷ trong thiết kế không gian khi ông thiết kế toà nhà Team Disney ở Orlando, Florida. Và toà nhà này đã giành giải thưởng quốc tế của AIA năm 1992.

Thế hệ thứ 3 của kiến trúc đương đại Nhật Bản phải kể đến đó là kiến trúc sư Fuhimiko Maki, Arata Isozaki, Hiroshi Hara và Tadao Ando.

Một trong những kiến trúc sư theo chủ nghĩa kiến trúc hiện đại có nhiều kinh nghiệm là Fuhimiko Maki sinh 1928 ở Tokyo, tốt nghiệp Đại học Tokyo, sau đó học thiết kế tại Trường Harvard và làm việc một thời gian tại Mỹ trước khi thành lập xưởng thiết kế riêng như các kiến trúc s­ư Nhật Bản khác cùng thời. Ông được đánh giá như một kiến trúc s­ư theo chủ nghĩa hiện đại mới, đã gắn kết một cách sâu sắc và tinh tế kiến trúc truyền thống Nhật Bản trong tác phẩm kiến trúc. Với Maki, những chi tiết tỉ mỉ đóng vai trò quan trọng trong việc trang trí. Maki đã đưa ra những quan điểm về sức mạnh của sự khéo léo và Bảo tàng Nghệ thuật Kyoto như là một ví dụ cho những chi tiết mà ông sử dụng như panel trần hay sự sắp đặt lan can cầu thang. Maki nói: “Những chi tiết được làm tốt là những vật thay thế cho việc trang trí những gì trong quá khứ “.

Arata Isozaki sinh 1931 tại Oita, từ người đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa chuyển hoá, ông ấn tượng mạnh những yếu tố hình học. Ngôn ngữ hình học đơn giản của ông có thể thấy qua câu lạc bộ Golf ở Oita và Bảo tàng nghệ thuật ở Gunma. Chúng được thiết kế theo kiểu hậu hiện đại. Isozaki nói rằng: “Hình vuông cũng như hình tròn đều là những công cụ thực tiễn trong kiến trúc”. Những dự án của ông hiện nay của được coi là điển hình của sự thành công trong sự nghiệp ba mươi năm sáng tác.

Hiroshi Hara sinh 1936, với ông kiến trúc không chỉ là một câu hỏi về kiểu cách mà còn đề cập tới quy luật của tự nhiên. Cấu trúc tự nhiên của làng xóm trên những hòn đảo Cyclades ở Hy Lạp hay trong những khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ là những minh hoạ cho các ý tưởng của ông. Hara quan tâm tới chúng như “tiêu điểm của hành tinh”. Bên cạnh đó ông còn rất thích thú với các vật liệu công nghệ cao như nhôm và thép. Từ những ý tưởng, ông đã thổi chúng vào các tác phẩm thực tế của mình như Yamato International Building năm 1987, Umeda Skycity 1993. Hara nói: “Tôi thực sự thích những công trình thiết kế của tôi, nó xoá nhoà đường đi bao ngăn cách giữa thiên nhiên và kiến trúc”.

Tadao Ando sinh năm 1941 tại Osaka, là người chưa từng học qua trường kiến trúc, nhưng những gì ông cống hiến không chỉ cho nền kiến trúc đương đại Nhật Bản nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đã làm cho chúng ta thực sự kính phục. Hiện nay ông được biết đến như một chuyên gia của kiến trúc bê tông. Ba yếu tố nổi bật trong những công trình của Ando đó là tình yêu hình học, niềm khao khát kết hợp thiên nhiên vào trong những công trình kiến trúc và sự tiếp thu những vật liệu xác thực đặc biệt là bê tông. Những công trình thể hiện rõ ý tưởng của ông là Rokko Housing II ở Kobe, hay Đền thờ trên nước ở Hokkaido. Ando nói: “Chúng ta cần sắp xếp để đem những chân giá trị tới cuộc sống”.

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, nền kiến trúc Nhật Bản có thêm gương mặt của những kiến trúc s­ư mới, trong đó hai người được thế giới công nhận mà quan điểm và tác phẩm của họ có sự hấp dẫn mạnh đó là Toyo Ito và Shuhei Endo.

Toyo Ito sinh 1941, là một trong những kiến trúc s­ư chống lại lối áp đặt trong kiến trúc. Trong những năm 80, ông đã tìm ra hướng đi riêng cho mình - kiến trúc biểu hiện hữu cơ, mở và chuyển hoá. Với tác phẩm Sendai Mediatheque ở Sendai (2001) bằng cách phá vỡ hình thức cột truyền thống, ông đã tạo ra những bó cột trong công trình của mình, còn từ nhiều năm trước ông đã nổi tiếng với Bảo tàng Yatsushiro (1991), Tháp Gió ở Yokohama (1986), Bảo tàng Shimosuwa ở Nagano (1993) cũng như Dự án O Hall. Ito nói: “Kiến trúc của tôi là một lời phản kháng chống lại sự suy đồi trong kiến trúc hiện đại”.

Shuhei Endo sinh 1960 ở Shiga Prefecture, là một trong những kiến trúc s­ư trẻ có uy tín của Nhật Bản về khai thác giá trị của vật liệu thép. Những công trình của ông rất nhẹ và đầy sự tự do phóng khoáng, Endo sử dụng những tấm kim loại nhiều múi để tạo các hình xoắn ốc, những đường cong uyển chuyển độc đáo. Có thẻ thấy qua các hình thức mái “Great roofs” trong văn phòng như Rooftecture N (1998) hay không gian nghỉ ngơi và gặp gỡ như Rooftecture T (1997) và nhiều công trình nhà ở tư nhân khác.

Từ khủng hoảng kinh tế những năm 1960, kiến trúc Nhật Bản thể hiện hướng đi của mình một cách tinh tế và hợp lý. Các kiến trúc s­ư tiếp tục sử dụng những kinh nghiệm thu được và duy trì kiến trúc đa dạng trong khi ngân sách bị cắt giảm. Điều đó cho thấy, kiến trúc là một phần của văn hoá và không hoàn toàn bị tác động bởi nền kinh tế. Kiến trúc sư Kisho Kurukawa là một đại diện tiêu biểu.

Năm 1985, kiến trúc Nhật Bản đã khẳng định được “Sự kỳ diệu Nhật Bản ” thể hiện qua sáu không gian: “Đô thị lớn”, “Đô thị trung bình”, “Thị trấn và các làng nhỏ”, “Ngoại ô”, “Khu đất được làm mới” và “Nông thôn”. Đây không chỉ là sự phân loại mang tính địa lý mà còn mang tính xã hội. Đó là sức sống của kiến trúc Nhật Bản.

Sức sống mãnh liệt của kiến trúc Nhật Bản thể hiện rõ nhất qua các công trình xây dựng ở các thành phố lớn như Tokyo, Kansai, Osaka hay Kyoto. Một số công trình tiêu biểu như: Tháp Gió - Kiến trúc sư Toyo Ito (1986) ở Yokohama; Trung tâm Hội nghị Quốc tế Tokyo - Kiến trúc sư Rafael Vinoly (1996) ở Tokyo; Nhà Vòm Tokyo - Kiến trúc sư Nikken Sekkei (1988) ở Tokyo; Tổ hợp công trình Hành chính mới Tokyo - Kiến trúc sư Kenzo Tange (1991) ở Tokyo

Ở Nhật Bản, phần lớn các thành phố có quy mô trung bình khoảng vài trăm ngàn người. Nhiều thành phố phát triển từ các lâu đài xưa, được xây dựng trên những ngọn đồi và nay xuất hiện nhiều công trình công cộng mới, như thư viện, nhà làm việc,... Trong số đó, các công trình tiêu biểu là: Tháp Nghệ thuật Mito - Kiến trúc sư Arata Isozaki (1990) ở Mito; Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Hiroshima - Kiến trúc sư Kisho Kurokawa (1988); Bảo tàng Nhiếp ảnh thành phố Nara - Kiến trúc sư Kisho Kurokawa (1991).

Ngoài ra, còn rất nhiều thị trấn, làng mạc với dân số vài ngàn người gắn với các khu công nghiệp quy mô nhỏ, đang đứng trước nguy cơ già hoá, bởi người trẻ tuổi ra thành phố tìm cơ hội tốt hơn. Bổ sung chức năng mới và bằng kiến trúc để tạo sức hấp dẫn của khu vực cư trú này là một việc quan trọng. Như vậy, ở một chứng mực nhất định, kiến trúc có liên quan đến sự tồn tại của thị trấn hay làng bản. Có thể thấy vai trò của một số công trình công cộng ở các thị trấn và làng như: Trung tâm Cộng đồng của làng Kawasato - Kiến trúc sư Takefumi Aida (1993) ở Saitama; Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Koriyama - Kiến trúc sư Takahiro Yanagisawa (1992) ở Koriyama, Fukushima; Trường Trung học Iwadeyama - Kiến trúc sư Riken Yamamoto (1996) ở Miyagi; Trung tâm Văn hoá thành phố Kurobe - Kiến trúc sư Chiaki Arai (1995) ở Kurobe, Toyama.

Sự hình thành các ngoại ô của Nhật Bản không khác so với ở Châu Âu. Ý tưởng “thành phố vườn” của Howard vào Nhật Bản rất sớm. Thành phố bị ô nhiễm khiến nhiều người chọn ngoại ô là nới cư trú mới. Rồi chính sự khao khát mãnh liệt của người Nhật được sống trong một ngôi nhà riêng đã tạo ra những kiểu kiến trúc cảnh quan đặc biệt.

Một số công trình tiêu biểu ở ngoại ô như: Nhà ở Rokko II - Kiến trúc sư Tadao Ando (1993) ở Kobe, Hyogo; Nhà ở Hotakubo - Kiến trúc sư Riken Yamamoto (1991) ở Kumamoto; Trung tâm Văn hoá Shonandai - Kiến trúc sư Itsuko Hasegawa (1989) ở Fujisawa, Kanagawa; Tổ hợp Nhà ở công cộng đa năng Higashi Osaka - Kiến trúc sư Tadao Ando (1991) ở Osaka.

Những năm 1980, phát triển kiến trúc hiện đại trên cơ sở khai thác truyền thống là một việc làm rất cần thiết. Thực tế cải tạo và phát triển mới kiến trúc trong đô thị đặt ra nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến sử dụng năng lượng, ô nhiễm môi trường thiên nhiên,... Những công trình tiêu biểu là: “Vườn Nhật Bản - Kiến trúc sư Kaneo Normuara (1990) ở Chiba; Công viên Biển Tokyo - Kiến trúc sư Taniguchi (1989) ở Tokyo; Sân bay Quốc tế Kansai - Kiến trúc sư Renzo Piano (1994) ở Osaka.

Thành phố và nông thôn được xem như hai phạm vi đối lập nhau. Thành phố nơi đang bị khủng hoảng bởi ô nhiễm môi trường thì nông thôn là nơi lý tưởng với cảnh quan và cuộc sống chan hoà với cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên, ngày nay khi mọi thứ đã thay đổi trong quá trình đô thị hoá, thì nông thôn có lẽ không hẳn là một nơi đặc biệt nhưng chắc chắn là nơi mà cảnh quan được phát triển theo định hướng. Những năm 90 cho thấy mối quan tâm lớn tới môi trường và một sự quan tâm lớn hơn là giữa cảnh quan và kiến trúc. Thế giới hiện nay không chỉ quan tâm tới các công trình kiến trúc mà kiến trúc được coi như một phần của môi trường hơn nữa nó còn hoà hợp tới tất cả các mặt của cuộc sống. Có nghĩa là văn hoá, tôn giáo hay các tiện nghi công nghiệp được quan tâm một cách cẩn trọng trong mối quan hệ giữa kiến trúc, môi trường và cảnh quan.

Một số công trình thể hiện trong các vùng nông thôn Nhật Bản như: Đền nước - Kiến trúc sư Tadao Ando (1991) ở Huyogo; Bảo tàng thiên văn học Kihoku - Kiến trúc sư Takasami Masaharu (1995) ở Kagoshima; Nhà hát Quốc tế Krishima - Kiến trúc sư Fumihiko Maki (1994) ở Kogoshima.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 10/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)