Một số vấn đề về quản lý chiếu sáng đô thị

Thứ ba, 18/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiếu sáng công cộng đã và đang trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đô thị. Cùng với sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của con người được cải thiện đáng kể thì chiếu sáng đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự đa dạng và đã trở thành một công cụ không thể thiếu được trong quá trình phát triển đô thị.
Trong phát triển bền vững đô thị, quản lý và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò quan trọng mà trong đó chiếu sáng đô thị là lĩnh vực không thể thiếu được. Chiếu sáng đô thị thực sự đã hình thành và phát triển như một ngành, một nghề với những đặc thù riêng, qui luật riêng, đã và đang đóng góp quan trọng cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và văn minh hiện đại của các đô thị.
Trong những năm qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến lĩnh vực chiếu sáng đã được ban hành như: Luật Điện lực 2004; Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3/9/2003 về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả; Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời Luật về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả đang được soạn thảo... Ngoài ra một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chiếu sáng đô thị đã và đang được hoàn thiện.
Tuy nhiên trong công tác quản lý chiếu sáng đô thị vẫn còn có những điểm bất cập:
(1) Quy hoạch chiếu sáng chưa được quan tâm đúng mức - nhiều quy hoạch đô thị được phê duyệt nhưng nội dung chiếu sáng đô thị được đề cập sơ lược. Chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị.
(2) Đầu tư cho hệ thống chiếu sáng đô thị chưa được quan tâm đúng mức so với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá, công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu đô thị của nhiều đô thị chưa thống nhất (phân chia nhiều đơn vị) dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, vận hành nhiều lúc, nhiều nơi không đúng quy định gây lãng phí về kinh phí và điện năng tiêu thụ.
(3) Chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chiếu sáng; nguồn vốn chủ yếu từ nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn. các nguồn vốn khác thì hạn chế.
(4) Nhiều đô thị việc xây dựng các công trình chiếu sáng không được đồng thời với xây dựng phát triển đô thị đặc biệt là xây dựng, cải tạo, mở rộng đường đô thị dẫn đến tình trạng các khu vực xây dựng xong nhưng thiếu chiếu sáng hoặc việc thi công lắp đặt hệ thống chiếu sáng khó khăn.
(5) Thiếu các quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn về quản lý vận hành, mối quan hệ phối hợp giữa các cấp chính quyền với tổ chức quản lý vận hành chiếu sáng trong đô thị.
(6) Sử dụng sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng đã được sử dụng xong chưa được thể chế hoá cho các đối tượng sử dụng.
Ngoài ra còn một số quy định có liên quan khác như các yêu cầu thiết kế, thi công, lắp đặt, duy tu bảo dưỡng... cũng chưa được quy định cụ thể trong một văn bản thống nhất.
Trên cơ sở phân tích những bất cập trên nội dung quản lý chiếu sáng đô thị cần tập trung vào một số điểm cơ bản như sau:
I. Nguyên tắc chung về quản lý chiếu sáng đô thị cần thống nhất, Nhà nước quản lý và có phân cấp; việc đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị phải tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt ngoài ra cần khẳng định đây là hoạt động công ích góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, góp phần phát triển đô thị bền vững nên ngành này phải được Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển.
II. Quy hoạch chiếu sáng đô thị: Công tác đầu tư, thiết kế, xây dựng... cho hệ thống chiếu sáng phải tuân thủ theo quy hoạch vì vậy đây là một nội dung quan trọng cần được làm rõ hơn ở hai khía cạnh:
- Quy hoạch chiếu sáng là một nội dung cũng giống như các ngành khác như giao thông, cấp điện của đồ án quy hoạch đô thị. vậy nội dung và mức độ lồng ghép trong đồ án quy hoạch đô thị như thế nào?
- Quy hoạch chiếu sáng là quy hoạch chuyên ngành được lập riêng cho các đô thị theo quy định (ví dụ trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị đã quy định đối với đô thị trực thuộc trung ương thì phải lập quy hoạch chuyên ngành...) như vậy nội dung có gì chung hay chi tiết hơn mà dựa trên quy hoạch này có thể lập dự án đầu tư xây dựng công trình?
III. Các cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển chiếu sáng cũng cần phải được cụ thể hơn bao gồm các cơ chế chính sách gì; ưu đãi, hỗ trợ vào lĩnh vực nào? Một yêu cầu đặt ra có cần lập quỹ hỗ trợ phát triển chiếu sáng không? Nếu có nguồn vốn từ đâu, ai quản lý quỹ, cơ chế hoạt động và quản lý quỹ này như thế nào? Hoặc có quỹ nhưng là một bộ phận trong quỹ phát triển đô thị? Vấn đề thu phí chiếu sáng có nên đặt ra hay không?
IV. Các yêu cầu chung của công tác thiết kế, thi công lắp đặt, bảo dưỡng duy tu cũng phải đặt ra nhằm thống nhất các quy định.
V. Quản lý vận hành đóng vai trò quan trọng: Trên một địa bàn thống nhất một đơn vị quản lý vận hành hay nhiều đơn vị? Việc lựa chọn các đơn vị này như thế nào và chỉ định hay đấu thầu? Thực chất mỗi một dạng đều có những ưu điểm và hạn chế, tuy nhiên hệ thống chiếu sáng đô thị như các công trình hạ tầng kỹ thuật khác đó là hệ thống thống nhất và đồng bộ không chia cắt bởi địa giới hành chính? Ngoài ra cần phải làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của người giao (chủ sở hữu hay chủ đầu tư hệ thống/công trình) và người nhận (tổ chức hoặc cá nhân quản lý vận hành).
VI. Một vấn đề quan trọng khác trong quản lý đó là trách nhiệm của các Bộ, ngành cũng như chính quyền đô thị các cấp cần phải rõ ràng theo các chức năng nhiệm vụ đã được Chính phủ giao?
Trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành ít nhất 5 Nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các Nghị định này đang từng bước đi vào cuộc sống. Chiếu sáng đô thị là một ngành thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - ngành này đang phát triển nhanh chóng nhằm quản lý thống nhất đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho ngành này phát triển đúng hướng có sự quản lý của Nhà nước cần có một văn bản quy phạm pháp luật như "Nghị định về Quản lý chiếu sáng đô thị" ra đời là cần thiết.
 
Nguồn: Tham luận của TS. Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - BXD tại Hội thảo khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2008, Tp.HCM - tháng 11/2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)