Luận bàn về những quan điểm trong nghiên cứu luật quy hoạch xây dựng đô thị

Thứ sáu, 31/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để kinh tế – xã hội Việt Nam có những bước phát triển, từng bước ra khỏi tình trạng kém phát triển và tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì hoạt động xây dựng nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng đòi hỏi phải có những bước chuyển biến mạnh hơn. Sau Hội nghị Đô thị toàn quốc 1990 (lần thứ 1), nhiều vấn đề về nghiên cứu lập, thẩm định QHXD, cơ cấu tổ chức quản lý sau quy hoạch đã được thể chế hoá. Luật Xây dựng ban hành 2003 với một chương về QHXD bước đầu đã thực sự nâng tầm công tác QHXD đúng với vai trò của nó trong đời sống, trong phát triển kinh tế – xã hội. Song qua 5 năm thực hiện cũng bộc lộ những vấn đề tồn tại cả từ thực tiễn và lý luận về QHXD. Bởi vậy, việc nghiên cứu Luật Quy hoạch xây dựng để có thể ban hành vào năm 2009 là cần thiết và cũng là cơ hội để các nhà quản lý và chuyên môn được dịp trao đổi nhằm nâng cao chất lượng dự thảo Luật trước khi được trình duyệt để ban hành.

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Sau quy hoạch xây dựng là quy hoạch ngành có mối quan hệ tương hỗ với quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội, bởi vậy phải được nghiên cứu đồng bộ từ quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và cả các điểm dân cư nông thôn. Đành rằng trong Luật Xây dựng đã thể chế hoá khung cơ bản của các loại QHXD trên, song chưa luật hoá được mối quan hệ giữa chúng, chưa xác lập được hệ thống quản lý để đảm bảo tính thống nhất, liên hoàn giữa các đối tượng trên. Trong các đối tượng trên với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì đô thị hoá là vấn đề quan trọng, tốc độ đô thị hoá mạnh từ định hướng phát triển đến đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Bởi vậy cũng có thể lựa chọn vấn đề quy hoạch đô thị để nâng tầm, thể chế hoá với hình thức cao nhất là Luật. Nhiều nước ở giai đoạn phát triển kinh tế tương đồng Việt Nam lúc này cũng tập trung vào xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch xây dựng đô thị. Nhật Bản có luật Quy hoạch đô thị từ năm 1919 và hiện đang áp dụng luật năm 1968. Luật Quy hoạch đô thị của Liên bang Nga ban hành 1998... Với Việt Nam trong giai đoạn này việc lựa chọn phạm vi, đối tượng của Luật là quy hoạch xây dựng đô thị để cùng áp dụng với Luật Xây dựng hiện hành là lựa chọn phù hợp. Song cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh thích hợp những vấn đề quy hoạch vùng và điểm dân cư nông thôn (trong Luật QHXD đô thị của Trung Quốc cũng có nội dung này). Để nâng cao hiệu lực của Luật đang xây dựng, cũng cần phối hợp nghiên cứu điều chỉnh “định hướng phát triển đô thị Việt Nam” đã được ban hành 1998.

2. Về quan điểm soạn thảo

Luật QHXD đô thị lần này phải thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.

Trong trao đổi, một số chuyên gia cho rằng cần đúc kết, đưa những vấn đề mới của các nước tiên tiến đã phát triển vào luật như: phân loại quy hoạch, nội dung từng loại quy hoạch, cơ cấu tổ chức lập, quản lý, thẩm định QHXD… Làm được như vậy là đạt được tính tiên tiến, song cần xem xét đến hiệu quả và tính thực tiễn để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng ta cần xác định rõ giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới để xây dựng nội dung luật thích hợp.

Cuối những năm 80, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng khủng hoảng trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa có nhiều biến động. Đảng và nhà nước đã thực hiện chính sách “đổi mới”. Sau 5 năm thực hiện, chúng ta đã có được những kết quả khích lệ, nhiều chính sách trong đó có những “thể chế” về QHXD với những mục tiêu giải quyết “tình thế” đã đưa kinh tế nước ta ra khỏi khủng hoảng và có điều kiện để bước sang giai đoạn mới. Đó là Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, Quyết định 322/BXD - BT ngày 28/12/1993 của Bộ Xây dựng về ban hành quy định lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, Quyết định 91/BXD - đô thị ngày 16/4/1993 của BXD về hành nghề kiến trúc sư.

Giai đoạn 1996 - 2000 là khởi đầu cho giai đoạn chuẩn bị cất cánh. Sự phát triển kinh tế trong giai đoạn này đã đi vào chất lượng, ứng dụng có hiệu quả một số thành tựu khoa học, công nghệ mới, vấn đề cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước đã được xem xét. Xong về QHXD chúng ta vẫn áp dụng những thể chế của giai đoạn ban hành trước. Đây là thực tế cần quan tâm và phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm QHXD không thực hiện được vai trò “đi trước một bước”, thiếu hệ thống, cơ chế quản lý chưa đủ mạnh để quản lý xây dựng theo quy hoạch đã duyệt và nhất là để hiện tượng “quy hoạch treo”, quy hoạch phải điều chỉnh nhiều.

Giai đoạn 2001 - 2005 được xem như là giai đoạn chuẩn bị cải cách và hội nhập kinh tế sâu rộng (có thể xem giai đoạn này như Hàn Quốc những năm 1950 - 1980). Trong hoạt động xây dựng, QHXD đã có những thể chế mới, không ít những luật cơ bản về xây dựng đã được ban hành như Luật Xây dựng (2003), Luật Đất đai (2003), Luật Đầu tư (2005) trong đó có những quy định khung liên quan đến QHXD thì còn một số điều chưa tương thích, chưa đồng bộ nhất là với văn bản dưới Luật.

Đến giai đoạn 2005 - 2010 được xem như giai đoạn  cất cánh và tham gia hội nhập (tương tự như giai đoạn của Trung Quốc cách đây 10 năm) Luật Quy hoạch xây dựng đô thị đang nghiên cứu phải giải quyết được những nội dung chưa tương thích giữa các quy định và hình thành trong giai đoạn trước và phải thể hiện được chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế, hội nhập trong giai đoạn tới. Bài học kinh nghiệm từ Luật QHXD của Anh cần được quan tâm. Nếu như nước Anh đã có Luật về QHXD từ 1909 thì đến nay trải qua 100 năm cũng đã có tới vài chục lần điều chỉnh Luật. Luật 1947 quy định mọi phát triển xây dựng phải có giấy phép quy hoạch thì đến 1968 xác lập quy hoạch với 2 cấp: quy hoạch cơ cấu mang tính chất chiến lược, định hướng và quy hoạch địa phương (quy hoạch chi tiết) mang tính thực thi. Sau đó đến 1971 và 1990 lại hoàn chỉnh, bổ sung với chủ trương phân cấp rõ ràng hơn và nhất là năng động, cụ thể hơn.

Xin nêu ví dụ trên để thấy rằng cần lựa chọn vấn đề phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thể hiện trong luật. Đây là vấn đề cần trao đổi thống nhất cho cơ cấu Luật.

3. Những tồn tại cần nghiên cứu để xử lý trong xây dựng Luật

Vai trò của QHXD trong phát triển kinh tế - xã hội là điều không ai phủ nhận, nhất là với các đô thị lớn, xong cũng không ít tồn tại cần xem xét.

- Quy hoạch xây dựng chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, đôi khi còn chồng chéo. Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị. Nên chăng cần quy định rõ việc phối hợp nghiên cứu và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ thể là chính quyền đô thị.

- Diện mạo đô thị Việt Nam còn thiếu bản sắc, chưa thu hút được sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cộng đồng. Đây là vấn đề của chất lượng hành nghề, trình độ năng lực của các cơ quan thẩm định và chưa có cơ chế tổ chức, để thu hút được các hội nghề nghiệp, các chuyên gia tham gia.

- Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ, phải chăng để giải quyết cần xác lập có hiệu quả hệ thông cơ cấu tổ chức, chính quyền các cấp, nhất là cấp quận.

- Quá trình lập, thẩm định và nhất là công bố quy hoạch chưa rõ ràng, cần thể chế từ thời gian nghiên cứu, thẩm định, làm rõ những vấn đề phải thẩm định và nội dung mà chủ đầu tư được chủ động trong triển khai thực hiện…

Làm rõ được những tồn tại và đưa ra quy định để giải quyết với tầm mới của thể chế là Luật chính là đã nâng hiệu quả của Luật và đưa Luật vào được cuộc sống.

Trong phạm vi bài này chỉ xin nêu một số ý kiến bước đầu để mong trao đổi tiếp với hy vọng có được Luật QHXD đô thị có chất lượng.

 

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 9/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)