Xử lý chất thải cho các khu đô thị nghèo

Thứ sáu, 31/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khoảng 20 năm tới, cùng với Việt Nam, khu vực Đông Nam Á sẽ có thêm 500 triệu dân đô thị. Dân số đô thị tăng cao, đồng nghĩa với việc phân cấp giàu nghèo càng thêm sâu sắc. Làm thế nào để quy hoạch và phát triển đô thị mà mọi đối tượng đều được tính đến, đặc biệt là người nghèo thành thị, những người thực sự cần cải thiện đời sống và thoát nghèo. Chỉ khi đời sống của người nghèo thành thị được cải thiện, sự phát triển của đô thị Việt Nam mới có thể bền vững.

Trong đô thị, người nghèo thường ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ môi trường, xã hội tốt. Họ là đối tượng có nhiều nguy cơ phải gánh chịu các rủi ro từ bệnh tật, lạm phát kinh tế, biến đổi khí hậu và thảm hoạ tự nhiên. Chiến lược then chốt về giảm nghèo đô thị là phải có đại diện của mọi tầng lớp xã hội tham gia vào quá trình quy hoạch đô thị, để cư dân địa phương có thể có tiếng nói về những gì họ xem là các yêu cầu và vấn đề phát triển quan trọng nhất trong khu vực họ sống.

Một trong những nhiệm vụ của Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU) là một phần của Chương trình “Hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về môi trường” (DCE) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch cho giai đoạn 2005 – 2010, là góp phần cải thiện điều kiện sống của cộng đồng đô thị, đặc biệt là nhưng tầng lớp người nghèo đô thị ở những nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, không có nước sạch, thiếu dịch vụ vệ sinh. Hợp phần đã tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ, dịch vụ cho các khu đô thị nghèo. Trong đó, người nghèo đô thị chính là đối tượng được quan tâm đặc biệt.

Nội dung chính của các lớp tập huấn là các vấn để như: quy trình và nội dung thẩm định công nghệ xử lý nước thải và chất thải rắn tại các đô thị, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải thích hợp; Xác định địa điểm và xây dựng nghĩa trang thích hợp trong đô thị... Dựa vào đó, chính quyền các đô thị và các nhà đầu tư có thể phối hợp nâng cấp đô thị có hiệu quả.

Đô thị hoá nhanh sẽ gây áp lực lên tài nguyên và môi trường. Nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường tương ứng sẽ không đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Sẽ có nhiều thách thức lớn về môi trường đối với sự phát triển đô thị bền vững mà Việt Nam đang phải đối mặt. Hiện nay, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam còn tồn tại các khu “nhà ổ chuột”, xóm liều, xóm bụi, xóm vạn đò. Tình trạng nhà ở, môi trường nước, môi trường không khí, chất thải rắn và vệ sinh môi trường các khu nhà ổ chuột này rất kém. Các khu dân cư nghèo này ít được tiếp cận với dịch vụ môi trường đô thị. Xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ các khu nhà ổ chuột này rất khó khăn khi khoảng cách mức sống, điều kiện tìm kiếm việc làm giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa.

Trong số các vấn đề cần giải quyết để phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo, quản lý và xử lý chất thải đang là thách thức lớn.

Một nghiên cứu trong phạm vi của Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia gần đây đã cho thấy 822 ngàn hộ dân tại các đô thị hiện chưa được cung cấp nước sạch, khoảng 3,11 triệu m3 nước thải được thải trực tiếp ra môi trường nước mặt mỗi ngày. Có khoảng 1,13 triệu hộ dân chưa được thu gom rác thải và chất thải rắn, khoảng 1,8 triệu hộ dân đô thị có nhà vệ sinh chưa được kết nối với bể xí tự hoại.

1. Xử lý rác thải

Rác thải sinh hoạt là vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội, nhất là trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Tại các khu đô thị nghèo rác thải đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý rác luôn là vấn đề “nóng” của các địa phương. Việc chọn công nghệ xử lý rác như thế nào để đạt hiệu quả cao, không gây nên những hậu quả xấu về môi trường trong tương lai và ít tốn kém chi phí luôn là nỗi bức xúc của các ngành chức năng. Đối với các khu dân cư đô thị nghèo, việc lựa chọn mô hình xử lý rác ít tốn  kém, phù hợp với khả năng chi trả của người dân càng khó khăn hơn. Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU) giới thiệu một số công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện khu đô thị nghèo.

a. Công nghệ chôn lấp rác thải hợp vệ sinh:

Chôn lấp chất thải rắn (CTR) là biện pháp xử lý thông dụng nhất, được áp dụng từ lâu đời và được coi là biện pháp xử lý cuối cùng. Đây là phương pháp xử lý đơn giản, dễ thực hiện, chi phí xử lý thấp nhất trong số các phương  pháp đang được áp dụng trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển.

Công nghệ này phù hợp với những nơi có quỹ đất lớn, ưu điểm của nó là vốn đầu tư ban đầu và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với các phương pháp khác. Nó cho phép xử lý được tất cả các loại chất thải rắn mà những phương pháp khác không thể xử lý triệt để, hoặc không thể xử lý được. Bãi chôn lấp sau khi đóng cửa có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: bãi đỗ xe, sân chơi, công viên cây xanh...

Đây là phương pháp linh hoạt nên khi cần có thể tăng số lượng rác đổ vào bãi thải.

Tuy nhiên, công nghệ này có nhược điểm là cần diện tích lớn, quan trọng hơn là nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thứ phát, vì nếu không được giám sát chặt chẽ quá trình xử lý sẽ gây ô nhiễm đất, nguồn nước mặt, nước ngầm, không khí... Vì vậy công nghệ này được khuyến nghị ứng dụng tại những địa phương có quỹ đất lớn, giá đất rẻ, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp và đặc biệt không có vấn đề nhạy cảm về môi trường. Điều này phù hợp với điều kiện các khu đô thị nghèo, các đô thị có quy mô nhỏ như thị trấn, thị tứ.

b. Công nghệ Seraphin và công nghệ An Sinh, ASC

Công nghệ Seraphin do các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, đề xuất và chế tạo thiết bị. Đây là giải pháp xử lý tổng hợp, bao gồm: rác hữu cơ xử lý bằng phương pháp ủ compost tạo ra phân bón; rác vô cơ, rác không phân huỷ, cùng với nhựa được tái chế tạo ra các sản phẩm có giá trị. Công nghệ Seraphin có khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt được xử lý ngay trong ngày, không phải chôn lấp rác thải tươi như trước đây. Mức đầu tư cho một nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ này chỉ bằng 30 – 40% mức đầu tư của dây chuyền thiết bị tương đương nhập khẩu có cùng công suất thiết kế, thời gian xây dựng ngắn (từ 6 tháng đến 1 năm) tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho mỗi nhà máy.

Công nghệ Seraphin đã được phép chuyển giao và áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Một số địa phương đã xây dựng nhà máy áp dụng công nghệ Seraphin như Huế, Vinh, Sơn Tây...

Giữa năm 2004, Công ty CP ASC ra đời đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ Seraphin thành công nghệ An Sinh – ASC và xây dựng dây chuyền áp dụng ngay tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương (TP. Huế) nâng công suất và chất lượng các sản phẩm tái chế từ rác.

Seraphin là quá trình tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt tổng hợp, làm phân ủ hữu cơ, sản phẩm nhựa và VLXD nhằm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý. Công nghệ có thể do DN tư nhân tự thiết kế, chế tạo, lắp ráp và quản lý vận hành; nhà xưởng được thiết kế theo khung không gian nhẹ, thoáng và sử dụng linh hoạt.

Quy trình công nghệ Seraphin: Nguồn rác thải hỗn hợp (đã khử mùi) được chuyển đến một nhà máy chà bông để phá bỏ bao bì, sau đó qua hệ thống kiểm từ để hút sắt thép và các kim loại khác, cuối cùng lọt xuống sàn lồng. Tại đây rác thải hữu cơ được chuyển sang hệ thống chế tạo phân vi sinh, rác thải vô cơ được đóng cứng, khuấy trộn, tạo thành sản phẩm Seraphin.

Trung bình một tấn rác cho ra đời khoảng 250 – 300 kg phân vi sinh và 300 – 350 kg sản phẩm Seraphin. Seraphin được chế tạo thành cột đèn, ống nước... đạt mác 200 – 300, trong khi các sản phẩm tương tự bằng bê tông cũng chỉ đạt mác 200.

c. Công nghệ CDW và công nghệ MTB – CD.08

Công ty TNHH Thuỷ lực – Máy đã chế tạo thành công công nghệ CD – WASTE xử lý rác thải với quy mô nhỏ (công suất 20 – 30 tấn rác thải/ngày) rất phù hợp với các thị trấn và thị tứ. Công nghệ này đưa vào ứng dụng không gây ô nhiễm thứ cấp trong quá trình xử lý rác thải, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra thị trường và thương mại hoá trong công tác “xã hội hoá” bảo vệ môi trường.

Công nghệ CDW có thể biến hàng tấn rác thành những túi phân vi sinh nhỏ gọn. Tính ưu việt của phương pháp này là xử lý rác đạt hiệu quả cao, mà diện tích mặt bằng dành cho dây chuyền sản xuất nhỏ (20 tấn rác/ngày chỉ cần 300m2 mặt bằng và khoảng 20 – 30 công nhân thu gom, vận hành dây chuyền). So với công nghệ Seraphin, công nghệ này linh hoạt trong việc di chuyển, nâng hạ tần suất dễ dàng và không ảnh hưởng đến tiến độ xử lý rác. Tiền đầu tư cho hệ thống xử lý rác CDW rất linh hoạt, từ 3-5 tỷ đồng cho trạm công suất 20 tấn/ngày.

Quy trình công nghệ của CD – WASTE: vận dụng kết hợp các phương pháp xử lý cơ học và sinh học (MBT) trong xử lý rác thải. Rác thải được qua các công đoạn xử lý cơ học (xé bao, băm cắt, sàng, tuyển gió, tuyển từ) kết hợp với tách lọc thủ công để tách lọc, thu hồi các nguyên liệu có thể tái chế như kim loại, ny lon.

Các chất thải hữu cơ bắt buộc phải qua xử lý sinh học bằng tháp ủ hiếu khí kín, liên tục thành hợp chất để sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao, hoặc trộn phụ gia và đóng rắn áp lực thành viên nhiên liệu dân dụng thay cho than tổ ong phục vụ chất đốt dân dụng hoặc trộn phụ gia khác để sản xuất viên nhiên liệu công nghiệp. Các chất thải cá biệt, chất thải hỗn hợp và một phần chất thải trơ (thu hồi qua tách lọc), đem nghiền để giảm thiểu và đồng nhất kích cỡ, bổ sung phụ gia (khi cần thiết) trước khi đưa vào đóng rắn áp lực và định hình nguyên nhiên liệu công nghiệp (CD.08 - CN).

2. Xử lý nước thải

Việc thu phí thoát nước sẽ là yêu cầu tất yếu, sớm hay muộn cũng phải thực hiện. Nhìn chung, ở nước ta tỷ lệ người có mức thu nhập trung bình và thấp vẫn chiếm đa số trong cư dân đô thị. Với những khoản chi hàng tháng (điện, nước sạch, rác thải) đối với một hộ gia đình đã là một áp lực và một khi phí thoát nước được thực hiện đầy đủ thì áp lực đó càng lớn hơn. Vì vậy, giải pháp công nghệ xử lý nước thải trong giai đoạn này trước hết phải đảm bảo mục tiêu quan trọng là giá thành thấp để những người có thu nhập trung bình và thấp có thể trả được và sẵn sàng trả chi phí thoát nước. Để đạt được mục tiêu này cần ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý bằng tự nhiên, chỉ khi nào không có điều kiện áp dụng giải pháp này mới tính đến các giải pháp khác như xử lý cơ học, xử lý hoá học, xử lý hoá - lý, xử lý sinh học.

Công nghệ xử lý bằng tự nhiên giúp hạ giá thành vì việc sử dụng thiết bị, đặc biệt là thiết bị nhập khẩu là không đáng kể; Hầu như không tiêu thụ năng lượng điện hoặc nếu có thì ở mức độ rất ít; vận hành đơn giản, không đòi hỏi công nhân trình độ kỹ thuật trình độ cao. Sau đây là một số công nghệ có chi phí thấp:

a. Hồ sinh học

Có rất nhiều kiểu, nhiều loại hồ được thiết kế tuỳ theo từng điều kiện cụ thể. Kiểu hồ phổ biến nhất là hồ Facultator (hiếu - kỵ khí). Với nước thải có nồng độ nhiễm bẩn thấp (BOD5 dưới 200mg/l) và mức độ yêu cầu xử lý BOD5 giới hạn ở 30mg/l thì không cần có hồ kỵ khí phía trước và hồ Maturation (hồ làm sạch bổ sung) ở phía sau nếu không xét đến yếu tố khử trùng.

Trong điều kiện khí hậu nước ta, với tiêu chuẩn thải nước trung bình 150 - 180 l/người/ngày, có thể ước tính sơ bộ với diện tích  hồ  là 1,2 ha có thể phục vụ cho 10000 người sử dụng. Cần lưu ý là hiện nay trong một số công trình, các chuyên gia nước ngoài thường tính theo tiêu chuẩn của các quốc gia có nhiệt độ trung bình hàng năm thấp, nên diện tích yêu cầu quá lớn đến mức không cần thiết. Ở những vùng có độ bốc hơi lớn, gió mạnh thì chiều sâu làm việc của hồ nên lấy từ 1,8 - 2 m . Trong thực tế, khi xem xét áp dụng công nghệ, thường người ta lấy lý do hồ sinh học chiếm diện tích đất lớn để từ chối giải pháp công nghệ này.

 b. Bãi thấm

 Có rất nhiều loại, nhiều kiểu đòi hỏi người thiết kế phải nghiên cứu lựa chọn cho phù hợp với tình hình cụ thể. Khi áp dụng bãi thấm cần lưu ý: ở những vùng mưa nhiều nên sử dụng kiếu bãi thấm có hệ thống thu để khắc phục hiện tượng nước quá tải trong mùa mưa; Ở những vùng có khí hậu khô (khu vực Nam Trung bộ) nên áp dụng kiểu hồ thấm (chứa và thấm dần trong suốt mùa khô); Phải xử lý sơ bộ nước thải khi đưa vào bãi thấm và phải có thiết bị xử lý bùn (có thể áp dụng các loại bể tự hoại, bể lắng 2 vỏ Imhoff, hồ kỵ khí có nắp đậy).

c. Hồ sinh học tiếp khí nhân tạo (aeroted lagoon): loại này không cần bể lắng và cũng không cần xử lý bùn riêng biệt nhưng nhược điểm của nó là sử dụng nhiều năng lượng. Ở những khu vực có nhiều gió nên nghiên cứu sử dụng năng lượng gió để chạy các máy khuấy, chỉ khi nào không có gió mới sử dụng năng lượng điện. Giải quyết được bài toán năng lượng thì đây sẽ trở thành loại công trình rất tiết kiệm.

d. Mương oxy: Hiện nay có 2 kiểu chính là kiểu Pasver sử dụng khi công suất nhỏ và kiểu Carrousel sử dụng khi công suất lớn. Khi áp dụng mương oxy, không cần bể lắng đợt 1 và cũng không cần xử lý bùn riêng. Mương oxy thật sự tối ưu khi nồng độ nhiễm bẩn cao và yêu cầu mức độ xử lý cũng cao, còn trường hợp ngược lại thì phải cân nhắc kỹ.

Còn nhiều các công nghệ xử lý chất thải khác có thể áp dụng hiệu quả cho từng địa phương dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản:

1) Phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực, từng đô thị;

2) Phù hợp với thành phần, tính chất của nước thải;

3) Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và từng đô thị;

4) Kết hợp trước mắt và lâu dài - đầu tư xây dựng theo khả năng về tài chính, nhưng luôn bám sát một dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh nhằm từng bước hoàn thiện công nghệ hiện đại trong tương lai.

 

Nguồn : TC Xây dựng, số 9/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)