Dự án trình diễn Xây dựng hệ thống cấp thoát nước khu dân cư tổ dân phố Hoàng Hanh, phường Lê Hồng Phong, Thị xã Phủ Lý cả hợp phần SDU tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Thứ hai, 01/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Sự cần thiết phải đầu tư Tổ dân phố Hoàng Hanh - phường Lê Hồng Phong, thị xã Phủ Lý trước đây là một thôn thuần nông của xã Châu Sơn. Sau năm 1997 tỉnh Hà Nam tái thành lập, xóm Hoàng Hanh được chia tách thành 4 tổ dân phố thuộc địa giới hành chính của phường Lê Hồng Phong, TX Phủ Lý. Đó là tổ 15, 16, 17, 18 với số nhân khẩu là 1364 khẩu, 374 hộ dân. Trước đây các hộ dân này làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá họ đã chuyển sang làm một số ngành nghề khác. Do hệ thống hạ tầng trong khu vực đã cũ và xuống cấp nghiêm trọng, khu vực này rất ô nhiễm, gây tác động xấu đến môi trường cho khu vực dân cư. Trong khu vực này không có các công trình cao tầng mà hầu hết là nhà một hai tầng và nhà ngói, tường gạch đơn, móng đơn giản và thông thường là không khép kín với khu vực bếp và công trình phụ. Hệ thống thoát nước không được xây dựng hoặc được xây dựng nhưng chất lượng kém, ít được duy tu bảo dưỡng nên thường xuyên gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong khu vực lập dự án đường thôn xóm của dân đi lại đã được đổ bê tông. Tuy nhiên, những tuyến đường này mặt cắt vẫn còn nhỏ. Mặt cắt ngang trung bình từ 2m đến 4m. Hiện trạng thực tế khu vực này có những đoạn đường đã xuống cấp, mặt đường lún sụt, có hiện tượng ổ gà.

Từ trước đến nay khu dân cư ở đây vẫn phải sử dụng nguồn nước chính là nước được lấy từ giếng khoan và giếng đào. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước giếng đào là rất lớn. Về giếng khoan theo như tham khảo trong khu dân cư thì hầu hết các giếng khoan ở đây có nước màu vàng do nhiễm chất sắt rất lớn. Nước thải khu vực được các hộ dân cho thải vào hệ thống thoát nước cống hở có trên một số tuyến giao thông ngõ xóm. Hệ thống cống hở này trước đây nhân dân tự đóng góp nay đã xuống cấp và không còn đáp ứng được nhu cầu thoát nước hiện tại. Hướng thoát nước chính hiện tại là thoát ra mương phía Tây. Đây là mương thoát nước chính của toàn khu vực, nhưng từ lâu người dân vẫn đổ rác thải ra khu vực mương làm cho dòng chảy của mương bị tắc nghẽn. Trong khu vực dân cư có nhiều ao hồ, tuy nhiên những ao hồ này đều là ao tù đọng do đã ảnh hưởng không tốt tới môi trường xung quanh. Rác thải trong khu vực đã được thu gom nhưng chưa triệt để, vẫn còn tình trạng vứt rác thải không đúng nơi qui định gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Mục tiêu

Công trình đi vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong khu vực, cải thiện lớn về môi trường đô thị với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Đây là mô hình điểm để cộng đồng cùng tham gia vào việc cải thiện môi trường trong các khu đô thị nghèo.

Khi dự án được thực hiện hơn 374 hộ gia đình sẽ được hưởng lợi từ dự án, đa phần trong số đó là các gia đình nghèo. Thông qua dự án đời sống của người nghèo trong đô thị được cải thiện đáng kể, người nghèo có cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm và thu nhập. Từ đó mức sống chung của đô thị được nâng lên, điều kiện an ninh và an toàn xã hội được cải thiện.

Thông qua dự án, cộng đồng và từng người dân có điều kiện được chủ động tham gia vào các dự án nâng cao điều kiện sống của chính mình, từ các bước lập kế hoạch, chuẩn bị dự án, thực thi và vận hành. Người dân sẽ hiểu hơn về mục đích, nội dung và các phương pháp tiến hành nâng cấp. Họ sẽ có ý thức hơn trong việc quản lý và vận hành duy trì sự hoạt động của các cơ sở hạ tầng được nâng cấp.

3. Chủ đầu tư

UBND thị xã Phủ Lý.

4. Quy mô dự án

Là một dự án xây dựng HTKT có quy mô vừa, nhằm cải thiện môi trường, tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sinh hoạt tốt cho 4 tổ dân phố tổ 15,16, 17, 18 của phường Lê Hồng Phong.

Quy mô đất đai: 13,5 ha

Quy mô dân số: 374 hộ dân.

5. Hình thức đầu tư và nguồn vốn

- Hình thức đầu tư: Xây dựng mới.

- Nguồn vốn: của DANIDA tài trợ cho Hợp phần SDU năm 2007, ngân sách địa phương, nguồn vốn huy động trong cộng đồng.

6. Nội dung dự án

a. Cải tạo nâng cấp đường giao thông

b. Xây dựng hệ thống cống thoát nước

c. Nạo vét kênh mương

d. Kết cấu cống, hố ga thu nước

đ. Kè ao: ao chùa Hoàng Hanh

e. Xây dựng mạng lưới cấp nước sạch

f. Vệ sinh môi trường, và cây xanh

7. Mong muốn và trách nhiệm của người dân

Hợp phần đã tiến hành các hội thảo tham vấn các bên có liên quan và cộng đồng, kết quả cho thấy phần lớn các bên có liên quan và cộng đồng đều có mong muốn được cải thiện điều kiện hạ tầng nơi họ đang sống, nhu cầu và thứ tự ưu tiên là:

- Nâng cấp thí điểm một đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng.

- Xây dựng hệ thống thoát nước thải, nước mưa.

- Nạo vét kênh mương mương phía tây khu phố.

- Kè ao Ao chùa Hoàng Hanh.

- Xây dựng hệ thống cấp nước sạch.

8. Tham gia của cộng đồng với dự án

- Các hộ dân đóng góp ngày công tiến hành những công việc cải tạo vệ sinh môi trường khu vực như: thu gom rác thải sinh hoạt, chặt phát cây cỏ, dọn dẹp những khu vực mất vệ sinh, các bãi rác tự phát, quét dọn đường xá…

- Trong đó phần nạo vét kênh thoát nước chính phía Tây của khu dân cư sẽ do cộng đồng đảm nhiệm

- Những công việc như trên phải được tiến hành đồng bộ với việc xây dựng các hạng mục của dự án và phải được duy trì thường xuyên kể cả sau khi dự án được xây dựng hoàn chỉnh.

- Dân phải tự bỏ kinh phí xây dựng hệ thống bể lắng, hố ga tự hoại để xử lí sơ bộ nước thải, chất thải đảm bảo yêu cầu trước khi thải vào hệ thống chung. Đồng thời tự bỏ kinh phí đấu nối hệ thống thoát nước bẩn, nước thải sinh hoạt, chất thải vào hệ thống của dự án. khi xây dựng công trình của gia đình căn cứ vào vị trí, cấu tạo của các công trình trong dự án để định hướng, xây dựng công trình thoát nước thải, nước bẩn, chất thải đảm bảo thuận tiện cho công tác đấu nối vào hệ thống chung.

- Ngoài ra mỗi gia đình tự bỏ kinh phí hợp đồng với Công ty cấp nước để lắp đồng hồ nước và đấu nối vào gia đình để sử dụng nước sinh hoạt.

- Việc đóng góp tiền và ngày công của người dân vừa tạo một phần kinh phí cho dự án vừa góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng đối với môi trường sống của chính mình.

- Cộng đồng phải cam kết không thải trực tiếp nước bẩn, nước thải sinh hoạt, rác thải ra môi trường.

- Chính quyền địa phương và cộng đồng tiến hành xây dựng phương án quản lý, duy trì các công trình của dự án sau khi đưa vào sử dụng để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Nguồn: TC Xây dựng, số 7-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)