Vệ sinh môi trường - Những vấn đề cần quan tâm và xử lý

Thứ hai, 25/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hội thảo: “Vệ sinh môi trường với quản lý tổng hợp tài nguyên nước” do Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Mạng lưới cộng tác vì nước tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tháng 6/2008. Nhân dịp này, Phóng viên Tạp chí Xây dựng đã phỏng vấn, và được ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam trả lời khá phong phú, sống động.

Ông có thể cho biết sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương về vấn đề vệ sinh môi trường, như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Tôn: Về vấn đề này, Quốc hội nước ta đã thông qua tại hai bộ luật quan trọng, đó là Luật Tài nguyên nước, số 8/1998/QH, ngày 21/5/1998; và Luật Bảo vệ Môi trường, số 522/ 2005/QH11, ngày 29/11/2005 Chính phủ đã ban hành: Định hướng Phát triển cấp nước và thoát nước đô thị đến 2020; Chiến lược quản lý chất thải rắn và khu vực công nghiệp đến 2020; Chiến lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn; Chiến lược Bảo vệ Môi trường đến 2020; Định hướng Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ; Nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành cho quản lý các lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn nước ta đã có những đổi mới quan trọng: Trên 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với dịch vụ vệ sinh tăng từ 10% lên 40%. Ý thức hành vi vệ sinh của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, vệ sinh môi trường ở nông thôn còn nhiều bất cập và tỷ lệ thấp xa so với đô thị. Đô thị được hiện đại hoá văn minh hơn. Tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 70%. Trên 20 thành phố, thị xã đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Nhiều dự án qui mô lớn về thoát nước được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhiều đô thị đã quan tâm đầu tư các công trình thu gom chất thải rắn. Ngành Y tế chú trọng hơn đến xây dựng các trạm xử lý rác thải và nước thải bệnh viện.

Những thách thức đối với vệ sinh môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta?

Chủ tịch Nguyễn Tôn: Có một thực trạng hiện nay là việc đầu tư cho vệ sinh môi trường chưa cân xứng với phát triển đô thị. Vì vậy, chất thải từ đô thị, KCN, làng nghề, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông hải sản, chất thải bệnh viện nhiều nơi vẫn chưa được thu gom xử lý, thải trực tiếp ra môi trường, sông, ngòi. Nhiều nơi dân biểu tình ngăn không cho ô tô chuyển rác đến các bãi chứa rác gần khu dân cư. Đòi hỏi Nhà nước và các cấp chính quyền  phải chú ý qui hoạch và đầu tư cho công các trình xử lý rác thải, nước thải. Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế nông thôn, từ sản xuất thuần nông sang sản xuất đa dạng, tạo ra nhiều hàng hoá phong phú, công nghiệp chế biến nông sản tăng nhanh, dẫn đến lượng phế thải nhiều hơn… nếu việc thu gom rác thải, không theo kịp sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nguồn nhân lực và tài chính cho vệ sinh môi trường chưa đáp ứng. Đối với khu vực nông thôn càng kém hơn. Trước những thách thức to lớn về vệ sinh môi trường, ngoài các chính sách và những nỗ lực hiện hành, cần có bước đi có tính đột phá, đổi mới cách tiếp cận cho lĩnh vực bảo vệ vệ sinh môi trường. Nếu không có sự chuyển biến tích cực và đồng bộ, Việt Nam khó đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết.

Những hạn chế, bất cập về chính sách trong lĩnh vực vệ sinh môi trường?

Chủ tịch Nguyễn Tôn: Đó là qui hoạch và kế hoạch đầu tư hạ tầng chưa đón đầu được sự phát triển của khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Cơ sở hạ tầng bị động theo sự phát triển. Những thói quen và hành vi vệ sinh từ nền sản xuất nhỏ và sản xuất nông nghiệp, sự tuỳ tiện trong việc thải rác và nước… chưa được đề cập đúng mức trong các Chiến lược và Định hướng phát triển. Đầu tư mở rộng diện bao phủ dịch vụ chưa chú trọng chất lượng và hiệu quả.; Chưa có giải pháp phát triển bền vững và tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận dịch vụ. Chính phủ đã phân công cho từng bộ, ngành theo chức năng bảo vệ môi trường, nhưng thiếu định hướng chung và thiếu sự phối hợp đồng bộ nên hiệu quả không cao. Vệ sinh môi trường các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn không được phân định rõ ràng cấp quản lý. Những nơi đó, vừa gây ô nhiễm nhưng cũng chịu sức ép ô nhiễm từ đô thị và nông thôn thải ra. Vệ sinh môi trường các làng nghề thủ công, chế biến nông, hải sản xấu đi nhanh chóng. Nhưng các Chiến lược và Định hướng không đề cập các giải pháp xử lý thoả đáng. Quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường đang bị tách rời giữa đô thị và nông thôn, chia cắt theo địa giới hành chính. Việc quản lý theo lưu vực sông tuy đã được quan tâm, nhưng cơ chế quản lý phối hợp còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả. Do thể chế chưa rõ ràng nên việc đầu tư phát triển công trình vệ sinh môi trường thiếu đồng bộ. Thoát nước chưa gắn giữa thu, gom và xử lý. Rác thải phải liên hoàn từ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đồng bộ. Đầu tư các lò đốt, cho các cơ sở có chất thải độc hại chưa có sự phối hợp, dẫn đến vừa thiếu lại vừa thừa. Vệ sinh môi trường yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ô nhiễm, phá huỷ nguồn tài nguyên nước và ngược lại sẽ góp phần lớn để quản lý tài nguyên nhưng chưa được đề cập rõ nét trong văn bản pháp qui về vệ sinh môi trường. Việc cung ứng các dịch vụ vệ sinh môi trường phát triển bền vững phụ thuộc vào trách nhiệm nghĩa vụ của: Chính quyền, người cung cấp dịch vụ, người hưởng lợi; nhưng chưa qui định rõ ràng, nhiều chính sách chồng chéo và bất cập. Năng lực tài chính về vệ sinh môi trường yếu.

Để hướng tới một Chiến lược và hành động thống nhất về vệ sinh môi trường, cần có quan điểm rõ ràng, hỗ trợ nhưng không phủ nhận hay hạn chế vai trò của các chiến lược hiện hữu. Khắc phục những khoảng trống, giảm bớt sự chồng chéo, tăng thêm tính khả thi và phát triển bền vững. Hướng tới mục tiêu mở rộng bao phủ dịch vụ, với chất lượng cao. Giá cả hợp lý phù hợp với khả năng chi trả của người hưởng lợi. Đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phối hợp liên vùng, liên ngành, quản lý theo lưu vực sông. Cần xây dựng qui trình, qui hoạch, kế hoạch đầu tư vệ sinh môi trường từng giai đoạn, có thứ tự ưu tiên. Xây dựng kế hoạch tài chính, xác định nguồn vốn, các bước đi xã hội hoá về vệ sinh môi trường, đồng thời có hướng ưu tiên chỉ đạo chiến lược thống nhất.



 

Nguồn: TC Xây dựng, số 7 - 2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)