Phát triển đô thị Việt Nam bền vững về môi trường

Thứ năm, 03/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình phát triển kinh tế và đô thị diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ ở Việt Nam đang đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển đô thị bền vững về môi trường. Chúng ta cần nhận ra những thách thức này để tìm ra hướng đi đúng cho sự phát triển bền vững các đô thị Việt Nam.

Đô thị hoá với tốc độ nhanh

Đô thị hoá nhanh sẽ gây ra áp lực lên tài nguyên và môi trường ngày càng lớn, làm suy thoái môi trường, nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường tương ứng, sẽ không đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Tỷ lệ dân đô thị ngày càng cao tính đến 2006, dân đô thị chiếm 27,2%; dự báo đến 2020 là 45% làm cho vai trò phát triển đô thị bền vững càng có tầm quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững chung cho cả nước.

Phát triển hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội đô thị chậm hơn so với gia tăng dân số và mở rộng không gian đô thị

Tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị chậm hơn rất nhiều so với tốc độ đô thị hoá và tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cơ giới. Diện tích đất giao thông đô thị không đủ, mạng lưới đường giao thông phân bố không đồng đều, không đảm bảo chất lượng. Theo số liệu thống kê, tại các đô thị lớn chỉ tiêu về hạ tầng giao thông cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35-40% so với nhu cầu cần thiết. Tại nội thành cũ của Hà Nội, diện tích đất giao thông chiếm khoảng 7,8%, mật độ đường đạt 3,89km/km2; tại nội thành cũ của Thành phố Hồ Chí Minh diện tích đất giao thông chỉ khoảng 7,5%, mật độ đường đạt 3,88km/km2. Trong khi đó có nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới tỷ lệ diện tích giao thông chiếm tới 15-18%. Phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị nước ta lại tăng trưởng rất nhanh, như là số xe máy ở Hà Nội năm 1996 mới có khoảng 600.000 xe, năm 2001 gần 1 triệu xe, năm 2002 tăng tới 1,3 triệu xe và đến năm 2006 đã tăg tới gần 2 triệu xe, bình quân khoảng 1 xe máy/2 người dân.

Hệ thống cấp nước, thoát nước ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng tương tự như ở nhiều đô thị khác trong cả nước, đều là hệ thống chắp vá giữa khu cũ và khu mới, giữa lạc hậu và hiện đại, chất lượng nước cấp chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh, tỉ lệ số dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp, biến thiên trong khoảng 50-80% tuỳ theo từng loại đô thị. Chưa có hệ thống riêng cho việc thoát nước thải và nước mưa. 100% nước thải đô thị chỉ xử lí sơ bộ rồi đổ thẳng vào sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt. Do địa hình thấp và hệ thống thoát nước đô thị yếu kém, diện tích cây xanh và ao hồ suy giảm, nên ở nhiều thành phố thường xảy ra tình trạng úng ngập trong mùa mưa.

Hệ thống thu gom, vận chuyển và xửlí chất thải rắn ở hầu hết các đô thị còn yếu kém, tỉ lệ thu gom CTR đô thị tính trung bình toàn quốc năm 2007 mới đạt 74%, trừ Hà Nội ở các đô thị đều chưa có trạm, bãi xử lí chất thải rắn đúng kĩ thụât và hợp vệ sinh.

Đô thị hoá làng xã thành phường còn nặng tính chủ quan

Đô thị hoá chủ yếu vẫn là biến đổi nông thôn thành đô thị. Khi quyết định đô thị hoá từ làng xã thành phường, thường chưa xem xét đầy đủ đến tác động môi trường trong quy hoạch sử dụng đất, trong tổ chức không gian đô thị và trong thiết kế-xây dựng hạ tầng kĩ thuật đô thị… Đây đang là nguyên nhân sâu xa của việc làm suy thoái môi trường đô thị.

Trong nhiều trường hợp, việc quyết định làng xã thành phường chỉ vì mục đích tăng số dân đô thị để đô thị được nâng cấp hoặc với mục đích lấy đất của làng xã để phát triển các công trình đô thị Đúng ra là trước tiên phải thúc đẩy phát triển kinh tế làng xã bằng nội lực và ngoại lực, chuyển dần từ kinh tế nông nghiệp thành kinh tế đô thị, người dân phải được chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, thì đô thị hoá làng xã mới phát triển bền vững.

Quá trình đô thị hoá làng, xã thành phường thường chỉ chú trọng xây dựng đô thị mới trên các khoảnh đất canh tác của làng, xã, rất ít quan tâm đến việc quy hoạch khu dân cư làng, xã cũ, đặc biệt là không có sự liên thông, hoà nhập về quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống năng lượng, hệ thống thoong tin, hệ thống dịch vụ đô thị giữa khu đô thị mới và khu dân cư làng xã cũ. Việc này đã tạo ra các ốc đảo cụm dân cư làng, xã trong đô thị như là đô thị hóa làng Kim Liên trước đây, hay xã Vĩnh Tuy, xã Dịch Vọng… ở Hà Nội. Sự đô thị hoá mang nặng tính chủ quan này sẽ gây ra các rào cản cho việc cải thiện môi trường lâu dài đối với cả khu đô thị mới và cả khu dân cư làng, xã cũ.

Một số quy hoạch phát triển công nghiệp trong vùng đô thị không phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị

Phát triển công nghiệp và phát triển đô thị gắn bó với nhau như hình với bóng. Đô thị hoá và mở rộng đô thị đã làm cho nhiều nhà máy và các khu công nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thành phố, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc, dân cư bám sát hàng rào nhà máy và các nguồn thải ô nhiễm của công nghiệp đã tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Quy hoạch bố trí các khu công nghiệp mới, các nhà máy xí nghiệp mới ở nhiều đô thị cũng chưa xem xét đầy đủ đến yêu cầu BVMT đối với đô thị.

Phát triển đô thị và xoá đói giảm nghèo còn bất cập

Hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam còn tồn tại các khu “nhà ổ chuột”, “xóm liều”, “xóm bụi”. Tình trạng nhà ở, môi trường nước, môi trường không khí, chất thải rắn và vệ sinh môi trường ở các khu nhà ổ chuột này rất tồi tệ, không những gây ra tác động xấu đối với sức khoẻ của dân cư này, mà tác hại của ô nhiễm môi trường ở các khu nhà ổ chuột còn lan toả ra toàn đô thị. Các dân cư nghèo này rất ít được tiếp cận với dịch vụ môi trường đô thị. Xoá đói giảm nghèo, xoác bỏ các khu nhà ổ chuột này vô cùng khó khăn khi mà khoảng cách mức sống, điều kiện tìm kiếm việc làm giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa, khi mà quản lý đô thị ở nước ta còn chưa khắc phục được yếu kém, khi mà phát triển đô thị và phát triển các khu công nghiệp chủ yếu lấy vào đất nông nghiệp, không ít người nông dân đã bị bần cùng hoá.

Các thách thức về môi trường nước ở đô thị nước ta

Môi trường nước ở đô thị nước ta đã bị ô nhiễm trầm trọng và còn tiếp diễn 10-15 năm nữa

Nguồn nước thải từ sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất vẫn chưa được xử lý và ngày càng gia tăng, đã vượt quá khả năng tụ làm sạch của tất cả các sông, hồ trong nội thành. Nước thải từ sinh hoạt đô thị là nguyên nhân chính chiếm tỉ lệ 70-80%, gây ra ô nhiễm các chất hữu cơ đối với môi trường nước mặt đô thị. Hầu như tất cả các đô thị đều không có hệ thống các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Mặc dù trong thời gian qua ở nhiều đô thị đã tiến hành nạo vét, kè bờ sông, hồ, kênh rạch… việc này không thể làm giảm lượng thải chất ô nhiễm, cho nên dự báo quá trình gia tăng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị còn tiếp diễn đến 10-15 năm nữa.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước đô thị, trước tiên phải xử lí tại nguồn, tách thoát nước mưa với thoát nước thải, áp dụng các công nghệ xử lý nước thải phân tán kết hợp với xử lý nước thải tập trung.

Tình trạng ngập úng đô thị trong mùa mưa chưa thể khắc phục được

Có thể nêu ra 3 nguyên nhân chủ quan gây ra úng ngập: Một là trong thời gian dài trước đây ở nhiều đô thị, đã chuyển đổi nhiều đất cây xanh, đất nông nghiệp thành đất ở, đã lấp nhiều ao, hồ để xây dựng nhà cửa, làm mất cân bằng diện tích chứa nước, việc bê tông hoá hầu hết diện tích mặt đất đô thị làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa. Thứ 2 là hệ thống thoát nước của đô thị tháp kém cả về chiều dài, cả về tiết diện dòng chày. Thứ 3 là quy hoạch mặt đứng đô thị cao trình hệ thống hạ tầng kĩ thụât đô thị của các khu đô thị mới hay khu đô thị mở rộng so với các khu đô thị cũ thường là cao hơn, gây trở ngại đối với các dòng nước chảy bề mặt cũng như dòng nước chảy trong các cống rãnh chung của đô thị.

Nguồn nước cấp cho đô thị ngày càng khan hiếm, tỉ lệ dân số được cấp nước ở đô thị còn thấp, chất lượng nước cấp chưa đảm bảo.

Theo số liệu thống kê báo cáo hiện trạng môi truờng của các tỉnh, thành, tỷ lệ dân số được cấp nước bằng hệ thống cấp nước máy ở các đô thị đặc biệt đạt 85-90%, ở các đô thị loại I, II mới đạt được 60-80%, ở đô thị loại III mới đạt 40-50%. Lượng nước cấp cũng chỉ đạt khoảng 50-60% nhu cầu lượng nước cần thiết tính theo đầu người được cấp nước, chất lượng nước cấp chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Nhu cầu cấp nước đô thị của nước ta hiện nay khoảng 3,5-4 triệu m3 mỗi ngày, ước tính đến năm 2010 nhu cầu này tăng tới 6 triệu m3 mỗi ngày, và đến 2020 có thể tăng trên 10 triệu m3 mỗi ngày. Trong khi đó nguồn nước sạch ngày càng bị khan hiếm, nhất là về mùa khô và đối với các địa phương ở Nam Trung Bộ. Hậu quả của việc tàn phá rừng đối với nguồn nước là không thể lường trước được, nhất là với sự biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm đối với các đô thị ven biển ngày càng bị nhiễm mặn. Chất lượng nước mặt đạt loại A chỉ còn ở đầu nguồn các lưu vực sông; còn ở hạ lưu các lưu vực sông, khi chúng chảy qua các khu đô thị đều không đạt nguồn nước loại A, như là hạ lưu các sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai-Sài Gòn…

Như vậy đô thị hoá nước ta trong tương lai gần sẽ gặp một thách thức rất lờn là thiếu nguồn nước sạch.

Quản lý chất thải rắn đô thị bất cập đang là một thách thức lớn đối với đô thị hoá

Tốc độ tăng chất thải rắn không chỉ vì dân số đô thị tăng lên, sản xuất, dịch vụ tăng lên, mà còn vì mức sống đô thị tăng. Thí dụ như ở Hà Nội và Hải Phòng trước năm 1995 mỗi người dân chỉ thải bình quân khoảng 0,5 đến 0,8 kg chất thải rắn mỗi ngày, đến cuối năm 2002, trị số này đã tăng lên 0,8 đến 1,2 kg/ngày. Tỷ lệ theo trọng lượng thành phần cao su, chất dẻo, nilon chất khó phân huỷ trong chấ thải rắn Hà Nội năm 2000 là khoảng 1,5%, năm 2001 là 9,6% và năm 2002 là 16%.

Theo số liệu điều tra thực tế tổng lượng chất thải rắn CTR sinh hoạt đô thị nước ta năm 2003 khoảng 6 triệu tấn/năm, năm 2006 khoảng 7,5 triệu tấn/năm, ước tính đến năm 2010 lên tới khoảng 10 triệu tấn và đến năm 2020 có thể đạt tới trên 20 triệu tấn/năm

Tỷ lệ thu gom CTR ở các đô thị tính trung bình toàn quốc là 74%, trung bình các khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 79,7%, khu vực Nam Trung Bộ-78%, Bắc Trung Bộ-77%, khu vực Tây Nguyên-67% và thấp nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long-65,2%, ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là trên 90%, trung bình các đô thị loại I-88,3%, đô thị loại II-77,8%, đô thị loại III-72,8% và đô thị loại IV-66,5%.

Lượng CTR chưa được thu gom sẽ vứt bừa bãi và gây ra ô nhiễm môi trường nước, không khí và môi trường đất.

Chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta hầu như chưa được phân loại từ nguồn. Vịêc tái chế, tái sử dụng chất thải còn manh mún do một số người nghèo thực hiện, thải bỏ chủ yếu bằng chôn lấp ở các bãi chôn lộ thiên không đúng kĩ thuật vệ sinh, lại chiếm diện tích đất lớn và chứa đựng tiềm ẩn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mấy năm gần đây, một số địa phương đã xây dựng các khu chôn lấp rác đũng kĩ thụât vệ sinh môi trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hạ Long hoặc sử dụng công nghệ tái chế CTR Seraphin TP.Sơn Tây. Công nghệ của Công ty Tân Sinh Nghĩa TP.Huế chỉ còn khoảng 10-15% chất thải phải chôn lấp.

Ô nhiễm môi trường không khí đô thị ngày càng tăng

Người dân đô thị hiện nay đang phải hít thở không khí ngày càng bị ô nhiễm hơn. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học ở Hà Nội và Hải Phòng đã chứng minh tỉ lệ số người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và bệnh tinh thần ở các khu đô thị gần khu công nghiệp , bị ô nhiễm không khí, lớn hơn gấp 2-5 lần so với các khu đô thị không bị ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí ở các đô thị nước ta, nói chung do giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và hoạt động xây dựng gây ra rất lớn. Riêng ô nhiễm bụi ở đường phố đô thị chủ yếu do hoạt động xây dựng và đuờng sá mất vệ sinh gây ra.

Như vậy, môi trường không khí đo thị nước ta hịên nay đang chịu 2 áp lực nguồn thải ô nhiễm rất lớn, đó là phương tiện giao thông vận tải cơ khí phát triển rất nhanh và hoạt động xây dựng sửa chữa công trình trong đô thị thiếu quản lý chặt chẽ.

Nhận thức và bảo vệ môi trường và phát triển bền vững còn thấp

Nhận thức và ý thức của mọi người, từ người dân bình thường, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ các phương tiện giao thông cơ giới đến các cán bộ quản lý, nói chung còn thấp, thiếu tự giác, chủ động tham gia vào sự nghiệp BVMT và PTBV. Đây cũng là một thách thức lớn đối với sự phát triển của đô thị bền vững về mặt môi trường ở nước ta.

Trên đây đã nêu ra 9 thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị bền vững về môi trường. Trong 9 thách thức đó, có thách thức do điều kiện khách quan tạo nên, nhưng cũng có thách thức do chủ quan chúng ta gây ra.

Để đáp ứng được 9 thách thức trên trước hết phải xây dựng được chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị có tính bền vững, chính xác, có tính khả thi, kết hợp hài hoà giữa phát triển và BVMT, có quyết tâm cao thực hiện chiến lược, kế hoạch đó thì mới đảm bảo cho quá trình đô thị hoá nước ta phát triển bền vững.

Nguồn: T/C Quy hoạch Xây dựng, số 32-năm thứ bảy

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)