Quy hoạch tổng thể phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020: Thời cơ để tăng tốc

Thứ năm, 12/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường VLXD nước ta sẽ phát triển nhanh và mạnh trong giai đoạn tới. Đặc biệt, từ nay đến năm 2020 nhu cầu xây mới và mở rộng các công trình cơ sở hạ tầng tăng cao. Việc cần có một quy hoạch tổng thể cho lĩnh vực này là hết sức cần thiết để tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất VLXD phát triển và có tốc độ tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung.

Đầu tư hơn nữa về công nghệ

Qua khảo sát, đánh giá của Vụ Quản lý VLXD - Bộ Xây dựng - ngành sản xuất VLXD ở Việt Nam hiện nay là một trong số những ngành có sự đổi mới về đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất ở một số lĩnh vực như: Xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, hiện đã bắt kịp được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, song các công nghệ lạc hậu được đầu tư trong giai đoạn trước vẫn còn xi măng sản xuất bằng thủ công còn chiếm 15,5%, gạch nung sản xuất bằng lò đứng thủ công khoảng 50%, sản xuất tấm lợp với dây chuyền thiết bị không tiên tiến 75%, các cơ sở sản xuất đá xây dựng quy mô nhỏ... đòi hỏi trong giai đoạn tới phải được thay thế cải tạo hoặc được đầu tư mới thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Chất lượng các sản phẩm VLXD sản xuất ở nước ta cũng đã cao hơn trước, đã tham gia được vào thị trường xuất khẩu, nhưng nhìn chung còn đạt ở mức tiêu chuẩn thấp hơn so với sản phẩm của các nước phát triển; chủng loại mặt hàng, màu sắc, mẫu mã chưa thật sự đa dạng. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong sản xuất VLXD hiện nay cũng còn những tồn tại chưa khắc phục được, nhất là ở các cơ sở sản xuất với công nghệ cũ và sản xuất thủ công. Mặt khác, vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm đầu tư vào khâu xử lý bảo vệ môi trường nên bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cho phép.

Để khắc phục và giải quyết những bất cập và tồn tại nêu trên, đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ công tác quản lý vĩ mô đến sản xuất thực tế, xây dựng mô hình phát triển bền vững phải mang tính xã hội, hướng tới việc sử dụng các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Thị trường VLXD đến năm 2020 - cơ hội và thách thức

Hiện nay thị trường VLXD Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh bao gồm nhiều chủng loại sản phẩm với kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc khá đa dạng, chất lượng ngày một được nâng lên và giá sản phẩm có xu hướng giảm dần theo xu thế chung, đồng thời có nhiều nguồn gốc xuất xứ trong và ngoài nước. Hàng hoá VLXD do Việt Nam sản xuất không chỉ lưu thông ở thị trường trong nước mà đã có mặt ở trên 100 nước trên thế giới. ở trong nước, thị trường VLXD ngày càng trở nên sôi động, nhiều khu vực kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh một số chủng loại sản phẩm VLXD đã được hình thành tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tuy nhiên, thị trường VLXD nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những vấn đề bất cập giữa cung và cầu ở một số sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh và đặc biệt là kính xây dựng ở một số thời điểm nhất định, đòi hỏi ngành phải có những biện pháp giải quyết nhằm bình ổn cung cầu trong nước, đồng thời phát triển xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường VLXD nước ta sẽ phát triển nhanh và mạnh trong giai đoạn tới. Đặc biệt, từ nay đến năm 2020 nhu cầu xây mới và mở rộng các công trình cơ sở hạ tầng như: Giao thông đường bộ, cầu cống, bến cảng; các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi; các KCN - KCX... ngày càng phát triển; xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống đô thị và xây dựng nhà ở của nhân dân trên toàn bộ lãnh thổ cũng ngày một cao dự báo đến năm 2020 tỷ lệ đô thị Việt Nam sẽ tăng lên đến 45,24%. Có thể thấy rằng trong giai đoạn tới, nhu cầu VLXD ngày càng tăng sẽ tạo điều kiện cho sản xuất VLXD phát triển và thị trường VLXD ở Việt Nam sẽ có quy mô ngày một lớn và tốc độ tăng trưởng cao.

Sẽ hình thành một số khu vực cung cấp 4 loại sản phẩm chủ yếu cho thị trường

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt, nếu phương án quy hoạch được thực hiện, sản lượng một số chủng loại VLXD ở Việt Nam năm 2020 sẽ tăng gấp nhiều lần so với sản lượng VLXD ở năm 2006 cụ thể là: Xi măng gấp 3,45 lần; gạch ốp lát gấp 2,3 lần; sứ vệ sinh gấp 2,62 lần; kính xây dựng gấp 2,46 lần; vật liệu xây gấp 1,96 lần; vật liệu lợp gấp 2,24 lần; đá xây dựng gấp 2,58 lần; cát xây dựng gấp 2,6 lần. Theo đó, sẽ hình thành một số khu vực có khả năng cung cấp 4 loại sản phẩm chủ yếu cho thị trường.

Khu vực cung cấp xi măng: Vùng Đồng bằng Sông Hồng Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tây, Ninh Bình và Bắc Trung bộ Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình;

Khu vực cung cấp gạch ốp lát: Vùng Đồng bằng Sông Hồng Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình và Đông Nam bộ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM;

Khu vực cung cấp sứ vệ sinh: Vùng Đồng bằng Sông Hồng Hà Nội, Thái Bình và Đông Nam bộ TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Khu vực cung cấp kính xây dựng: Vùng Đồng bằng Sông Hồng Bắc Ninh; khu vực duyên hải miền Trung Quảng Nam và vùng Đông Nam bộ Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.

Với sản lượng dự kiến sản xuất tăng như vậy, đến năm 2020, ước tính ngành sản xuất VLXD Việt Nam sẽ có giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 226,34 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với hiện nay và như vậy khả năng đóng góp vào ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên khoảng 12 - 13 nghìn tỷ đồng/năm.

Dự kiến công suất thiết kế sản xuất một số chủng loại VLXD đến năm 2020.

Chủng loại

Đơn vị

2010

2015

2020

Xi măng

Tr. tấn

65,59

99,5

> 112

Gạch ốp lát

Triệu m2

275,4

335

460

Sứ vệ sinh

Triệu sp

10

15

24

Kính xây dựng

Triệu m2

172,4

172,4

228

Vật liệu xây

Trong đó VL xây không nung

Tỷ viên

Tỷ viên

27

2,7

35,5

7,1

46,5

14

Vật liệu lợp

Triệu m2

140

190

248

Đá xây dựng

Triệu m3

115

164

226

Cát xây dựng

Triệu m3

107

151

211


Nguồn: Báo Xây dựng, số 48/2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)