Biểu hiện của những xu hướng trong sáng tác kiến trúc Việt Nam thời kỳ đổi mới

Thứ ba, 13/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khoảng từ năm 1986 trở lại đây, chuyển từ kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đất nước ta có sự thay đổi lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với nền kiến trúc nước nhà nói riêng.

Với sự tăng trưởng về kinh tế, nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần tăng lên, số lượng đô thị mới hình thành, các đô thị cũ được mở rộng và phát triển. Có thể khẳng định nhiều người đi xa đã ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của bộ mặt đô thị nước nhà. Toàn đất nước như một công trường xây dựng còn các kiến trúc sư được thiết kế những công trình đang là niềm mơ ước của nhiều công ty kiến trúc nhỏ và trung bình ở những nước phát triển.

Với góc nhìn “từ trong ra”, với vai trò tư vấn và phản biện xã hội, nhìn nhận các xu hướng kiến trúc sau 20 năm qua sẽ là dịp để giới sáng tác nhận diện  bản chất của những tìm tòi trong sáng tác kiến trúc nhằm cổ vũ những gì là tích cực, tiến bộ và những gì là tiêu cực, là hình thức chủ nghĩa, mất phương hướng… nhằm xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc.

1. Có trào lưu, chủ nghĩa, trường phái, xu hướng hay chỉ là biểu hiện của những xu hướng?

Nhu cầu đổi mới trong cảm thụ nghệ thuật buộc người sáng tác kiến trúc phải học hỏi những kinh nghiệm của thế giới, của lịch sử để có hành trang cho đường đi của mình. Trong bối cảnh kinh tế xã hội mới, điều kiện giao lưu văn hoá của thời kỳ mở cửa và hội nhập, điều kiện tiếp cận những sáng tác của thế giới được mở rộng, chúng ta đã và đang học tập của thế giới qua những tư liệu trong sách vở, cũng như những công trình mà nước ngoài đã xây dựng ở Việt Nam. Phải thấy rằng các kiến trúc sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đã đưa đến một luồng gió mới, ảnh hưởng lớn đến kiến trúc nước nhà, kéo theo làm dấy lên những hình ảnh sôi động, đa dạng với những bộ mặt kiến trúc mới. Chính sự đa dạng nhiều màu sắc ấy cần được nhận dạng.

20 năm của thời kỳ mở cửa đổi mới ở Việt Nam chưa đủ dài để có thể hình thành những xu hướng ổn định trong sáng tác kiến trúc. Càng không thể nói đến sự hình thành của các chủ nghĩa, các trường phái cũng như chưa bộc lộ rõ các trào lưu các phong cách riêng… bởi giới kiến trúc sư của ta không phải ai cũng đã hiểu đủ và đúng về những khái niệm này và thiết kế theo chúng, bởi nền kiến trúc của ta đang ở thời kỳ phát triển bùng nổ lại thiếu những cơ sở tri thức và nghề nghiệp đầy đủ và chắc chắn. Chúng ta chịu ảnh hưởng, và du nhập các xu hướng kiến trúc thế giới và được biểu hiện chủ yếu ở hình thức mặt đứng, còn bản chất của công trình không có gì biến đổi. Vì thế theo quan niệm của tác giả chúng ta mới chỉ dừng lại ở những biểu hiện của các xu hướng kiến trúc.

2. Đặt tên cho sự biểu hiện của các xu hướng trong kiến trúc Việt Nam sau 20 năm đổi mới

Trên thế giới có nhiều tên gọi cho các xu hướng kiến trúc khác nhau. Ở Việt Nam, mặt bằng không gian các công trình kiến trúc được tổ chức như cũ theo yêu cầu sử dụng, kết cấu hầu như sử dụng hệ khung bê tông cốt thép chịu lực. Hệ kết cấu dàn không gian mới xuất hiện trong một vài năm gần đây song các công trình chứa trong những cái vỏ kiến trúc rất đa dạng, nó được thể hiện kể cả một số rất ít ỏi các công trình khác học theo hướng của kiến trúc nước ngoài hậu hiện đại, hightech, giải toả kết cấu, sinh thái.... Chính những màu sắc khác nhau đứng cạnh nhau trong một tổng thể và khi thiết kế đô thị không theo kịp đã tạo nên một sự hỗn loạn trong bức tranh đô thị nước nhà. 

Có nên gọi tên các xu hướng Kiến trúc ở Việt Nam trong thời gian qua theo những tên gọi và những cách hiểu của các chủ nghĩa, các trào lưu, các phong cách… như trên thế giới ?

Thực chất sự đổi mới của kiến trúc Việt Nam cũng chỉ là sự biểu hiện cái vỏ bên ngoài của công trình và việc quy nạp vào các xu hướng kiến trúc của Việt Nam chỉ dựa vào hình thức cái vỏ bên ngoài của công trình kiến trúc là không hoàn toàn chính xác. Nhiều công trình mặt đứng chỉ là một sự phô diễn không liên quan đến tổ chức không gian mặt bằng. Tuy nhiên để có thể dễ liên tưởng hơn, người ta cần phân loại, gọi tên chúng song cách gọi tên này vì lý do đã nói ở trên sẽ không trùng với cách gọi tên của thế giới. Tác giả quan niệm gọi chúng là sự biểu hiện của những xu hướng và cách phân loại những xu hướng này cũng chỉ nên ở mức độ khái quát mà không nên đi vào cách phân loại chi tiết, nhiều và chính xác như của thế giới.

3. Những biểu hiện của xu hướng kiên trúc Việt Nam sau 20 năm đổi mới

Kế thừa kiến trúc hiện đại Thế giới mà nền tảng là chủ nghĩa công năng, từ những năm 60 -70, kiến trúc Việt Nam đã theo xu hướng sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc điểm của nó với ý tưởng công năng là chủ đạo còn hình thức thì nghèo nàn về sức biểu hiện do những khó khăn về điều kiện kinh tế và kỹ thuật vật chất. Tuy nhiên ta vẫn thấy vẻ đẹp, sự nền nã, giản dị của nhiều những loại hình kiến trúc. Có thể thấy rằng sự thể hiện xu hướng kiến trúc hiện đại tiền kỳ early modern này đã thắng thế và là đại diện gần như duy nhất của trào lưu kiến trúc Việt Nam trước thời kỳ đổi mới.

Ban đầu của thời kỳ đổi mới, xu hướng hiện đại tiền kỳ vẫn được tiếp nối từ thời bao cấp song 20 năm trở lại đây, với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự xuất hiện của vật liệu và kỹ thuật mới, trước những đòi hỏi và những yêu cầu mới, chịu ảnh hưởng của một số trào lưu kiến trúc hiện đại, kiến trúc hậu hiện đại, kiến trúc hiện đaị mới, hightech, kiến trúc sinh thái... sự biểu hiện của cái vỏ bên ngoài của công trình kiến trúc Việt Nam đã phát triển theo những biểu hiện rất phong phú đa dạng theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Từ quan điểm phân loại trên, các biểu hiện những xu hướng kiến trúc Việt Nam đương đại phát triển theo hai xu hướng chính là xu hướng kiến trúc hiện đại modern architecture và xu hướng kiến trúc hồi cố - quay về quá khứ retrospective architecture. Mỗi một xu hướng lại có những biểu hiện theo những chiều hướng khác nhau.

3.1. Biểu hiện  thứ 1: Xu hướng kiến trúc hiện đại

Có thể thấy sự biểu hiện của những công trình này gần với xu hướng kiến trúc hiện đại mới néo modern. Đặc điểm của nó là vẫn tiếp nối theo nguyên tắc công năng nhưng về mặt hình thức đã sử dụng, vật liệu và kỹ thuật mới cùng với khả năng đầu tư tốt hơn trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, kiến trúc đã có sức biểu hiện mới.

- Ở chiều hướng thứ nhất: cách biểu hiện của nó được gọi là hiện đại hợp lý, được bắt gặp ở hầu hết các thể loại kiến trúc. Làm chủ những tri thức và và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội Việt Nam, các kiến trúc sư đã tìm tòi những thủ pháp và những cách thức biểu đạt mang bản sắc Việt trong cái chung của kiến trúc hiện đại. Ở đây, có sự tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ kiến trúc hiện đại phù hợp với những nội dung và điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội Việt Nam. Họ là những kiến trúc sư có nghề và luôn tự đào tạo bằng cách học hỏi, gạn đục khơi trong, tiếp thu những mặt tích cực, trau rồi những kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp. Họ có tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với nền kiến trúc của nước nhà.

Đây là ý tưởng theo đuổi của nhiều kiến trúc sư và nhiều công trình đã thành công, thể hiện ở những giải thưởng kiến trúc quốc gia của Hội Kiến trúc sư tổ chức 2 năm 1 lần. Xu hướng này là tích cực đáng khích lệ, có nhiều triển vọng, hứa hẹn tạo nên phong cách kiến trúc và những kiến trúc sư Việt Nam hiện đại. Hiện nay đã bộc lộ những công trình và kiến trúc sư tiêu biểu.

- Ở chiều hướng thứ hai: cách biểu hiện của nó được gọi là hiện đại hình thức. Do không nghiên cứu và có một nền tảng cơ sở lý luận vững chắc, sư nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi về nghề nghiệp được trau rồi chưa chu đáo, bên cạnh xu hướng hiện đại hợp lý ta còn thấy sự biểu hiện của xu hướng hiện đại hình thức, thường gặp ở thể loại kiến trúc công cộng mà hình thức không phản ánh nội dung sử dụng.

Đó là những ngôi nhà sử dụng quá nhiều kính, không phù hợp với điều kiện khí hậu của nước ta. Đó là những ngôi nhà  bộc lộ sự lạm dụng ngôn ngữ hình thức từ ngôn ngữ trong mặt bằng đến ngôn ngữ trong mặt đứng, các bộ phận chi tiết thiếu chọn lọc đến mức rườm rà, sự phối hợp của chúng không hài hoà trong tổng thể. Hình ảnh xây dựng của chiều hướng này gặp ở khắp nơi đang làm chúng ta lo lắng rất nhiều.

Điều thấy rõ là trong các cuộc thi tuyển kiến trúc nước nhà, các tác phẩm dự thi theo chiều hướng này dễ được nhận dạng so với kiến trúc của nước ngoài dự tuyển.

Ở mức độ không phổ biến khác, mới chỉ bắt đầu là những biểu hiện của xu hướng kiến trúc hậu hiện đại, kiến trúc hightech, giải toả kết cấu, kiến trúc biểu hiện, kiến trúc sinh thái. Nó thể hiện một hiện tượng tìm kiếm cái mới, chịu sự ảnh hưởng từ một số trào lưu quốc tế. Tuy nhiên cũng phải cảnh báo những hiện tượng này tạo nên những bức tranh phản cảm về ngôn ngữ kiến trúc.

Đánh giá chung về xu hướng Kiến trúc “Hiện đại” là có cơ sở và cần được tiếp tục phát triển đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

3.2. Biểu hiện thứ 2: Xu hướng kiến trúc “hồi cố” 

Đó là xu hướng quay lại quá khứ, đi tìm và phát huy những giá trị của kiến trúc trong quá khứ, tìm về kinh nghiệm đã từng là mẫu mực của cái đẹp được định hình trong lịch sử, tìm về cái đẹp của kiến trúc cổ điển Châu Âu mà chủ yếu là kiến trúc Pháp, kiến trúc cổ truyền thống của Việt Nam trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian... để tìm kiếm bản sắc.

Xu hướng này còn nhằm đáp ứng thị hiếu một bộ phận dân cư kể cả những người lãnh đạo và quản lý mong được hưởng thụ nghệ thuật theo “thói quen” đối với cái đẹp đã định hình đã ăn sâu và chiếm lĩnh, là duy nhất trong quá khứ. Tuỳ theo khả năng sáng tạo của người sáng tác, hướng tìm này đã dẫn tới những hiệu quả khác nhau qua những chiều hướng biểu hiện:

- Ở chiều hướng thứ nhất: được gọi là hồi cố hợp lý, kiến trúc thể hiện ở sự đáp ứng xiết xao các yêu cầu sử dụng, ở các bố cục không gian mạch lạc, khai thác những không gian kiến trúc truyền thống, sử dụng những giải pháp kiến trúc thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới, những kết cấu mái, các kết cấu che nắng, sự vận dụng hợp lý các vật liệu mới. Về mặt hình thức là khai thác nghiêm túc một cách có ý thức những nét đẹp của kiến trúc cũ được thể hiện bằng những đường nét mới. Trong chiều hướng này việc khai thác ở mức độ hợp lý những thủ pháp của kiến trúc cổ điển hoặc của tiền nhân trong khi vẫn đạt hiệu quả về tính hiện đại trong thủ pháp. Mặc dù vậy, sự thể hiện có hiệu quả trên thực tế là không nhiều.

Ở những công trình, tại những khu vực phố cổ, phố cũ của một vài đô thị lớn trong cả nước như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Việc khai thác này đem lại hiệu quả tích cực, hình thức kiến trúc đã được đơn giản hoá, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại với những hình thức sáng tạo, nó tạo được sự hài hoà với kiến trúc đã có sẵn của khu vực.

Chiều hướng khai thác kiến trúc truyền thống của dân tộc giúp cho kiến trúc có tính bản địa, nó gắn với điều kiện tự nhiên và xã hội các vùng, miền, là một xu hướng tiến bộ cần được phát huy.

Tuy nhiên nếu sự phát triển thái quá của xu hướng này, đặc biệt khi việc nghiên cứu không thấu đáo đã hình thành một chiều hướng “trung dung”, “chiết trung” nhàm chán và thiếu bản sắc của một số lượng lớn công trình cũng là nỗi lo về hình ảnh đô thị. Đi khắp Hà Nội, hình ảnh nhà văn phòng thường có mái măng sác như một cái mốt, hình như là tiêu chuẩn về cái đẹp để xét duyệt công trình. Nó làm cho chúng ta khó hiểu về một seri ngôn ngữ kiến trúc của một thời kỳ khi mà quy định về độ cao là đến mép dưới của mái nhà. Chủ đầu tư chỉ còn cách làm như vậy để nâng cao diện tích sử dụng. Những cái mái này đã được chuyển đến nhiều tỉnh thành trong cả nước như một mô tip biểu hiện nghệ thuật.

- Ở chiều hướng thứ 2 được gọi là hồi cố giả cổ: Chiều hướng này khá rõ và khá phổ biến ở khắp các vùng miền của kiến trúc Việt Nam trong 20 năm đổi mới. Hiện tượng nại cổ, giả cổ, giả cả cổ ta lẫn giả cổ tây, giả cả kiến trúc hiện đại thế giới.

Biểu hiện của xu hướng này là không có nghiên cứu, chạy theo thị hiếu thẩm mỹ tầm thường, xu hướng lai tạp, sự bắt chước ít hiểu biết kiến trúc, nhại cổ, nhại lại, sao chép copy y nguyên hoặc sai lệch kiến trúc cổ, chi tiết kiến trúc một cách không chọn lọc, hoặc gắn ghép hỗn tạp các dạng kiến trúc cổ chủ yếu là kiến trúc thời Pháp thuộc hoặc ở một vài công trình kiến trúc đình chùa Việt Nam

Biểu hiện của xu hướng này không phù hợp với tính chất công trình, không phù hợp với trình độ phát triển của khoa học - công nghệ, xu hướng phát triển của kiến trúc hiện đại v.v... Có thể nói, xu hướng này như một dịch lây lan ra khắp vùng miền đến những thành phố mới đang phát triển, những thành phố không hề và rất ít có mối quan hệ với kiến trúc cổ điển Pháp như Vũng Tàu, Yên Bái, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... là một xu hướng hoàn toàn không hợp lý.

Điển hình của xu hướng này là kiến trúc hình thành tại trung tâm của các đô thị là các trụ sở công quyền, là kiến trúc sử dụng vốn Nhà nước có quy mô rất đồ sộ, được bố cục theo kiểu đăng đối, công năng ít được chú trọng và không phù hợp với nhu cầu sử dụng, thường được xây dựng theo lối kiến trúc cổ và cũ của Châu Âu chủ yếu là kiến trúc Pháp rất hoành tráng, bệ vệ, trưởng giả, quan cách, xa rời quần chúng, không ăn nhập với cảnh quan. Chiều hướng này đã và đang trở thành trào lưu, một hiện tượng đang bùng nổ trong sáng tác kiến trúc hiện nay, một biểu hiện nặng nề trong sáng tác kiến trúc. Xu hướng này thâm nhập tại nhiều công trình nhà nước khác cũng như công trình do dân tự xây, cả chính thống và không chính thống, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã từng cảnh báo và mới đây một lần nữa lên tiếng trong hội nghị chuyên đề về thể loại công trình này.

Về thực chất, chiều hướng này là biểu hiện của chủ nghĩa hình thức, xu hướng hoài cổ làm cản trở và mất đi tính thời đại và sự sống động của kiến trúc nước nhà, gây tốn kém đầu tư, lãng phí vô kể về tiền của và hiệu quả sử dụng... kéo thụt lùi nền kiến trúc nước nhà vốn dễ lạc hậu. Một khi chiều hướng này không được ngăn chặn tiếp sẽ có hậu hoạ khôn lường. Đây là biểu hiện mang tính tiêu cực, cần cảnh báo rộng rãi.

Bàn về các xu hướng sáng tác sau 20 năm đổi mới, xu hướng sáng tác này cần được nhận dạng thật rõ, mổ xẻ kỹ và tìm những nguyên nhân của nó để kiên quyết loại trừ ra khỏi hình ảnh đô thị nước nhà. Đây là điều thiết thực nhất. 

- Thử tìm những nguyên nhân

Trong nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng, sự biểu hiện về hình thức trong một thời gian dài không được thay đổi sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Vì thế mới xuất hiện các trường phái và các phong cách khác nhau. Kiến trúc cũng như nghệ thuật là những phạm trù của cái đẹp. Cái đẹp mang yếu tố khách quan song cũng mang tính chủ quan phụ thuộc vào mỗi người, phụ thuộc vào “kho dự liệu” những hình ảnh đã được “tích luỹ trong não bộ”.

Thời bao cấp đã quen với những công trình quá thô sơ, với vật liệu thông thường gạch và kính, hình ảnh kiến trúc Pháp cũ được trau chuốt, hài hoà là một thể hiện "duy nhất“ của cái đẹp, vì thế trong bối cảnh mới, sự xuất hiện những công trình được làm với phong cách cầu kỳ và chau truốt như vậy, thí dụ công trình Khách sạn Du lịch bên Hồ Hoàn Kiếm của hoạ sỹ Mười Hương, nhiều người đã coi rằng đó là một món ăn thú vị và không ít người đã từng ngưỡng mộ. Những quan niệm và ngộ nhận về vẻ đẹp ấy đã chế ngự, đã chiếm lĩnh trong tâm trí của mỗi người ở mức độ nhiều ít khác nhau, trong khoảng thời gian dài ngắn khác nhau. Sự ngộ nhận đó diễn ra từ trong giới hành nghề là các kiến trúc sư đến những người của các cơ quan quản lý và đến những chủ đầu tư, ai cũng qua một lần được chiêm nghiệm, được đánh giá, được thực hiện, được phê duyệt, được quyết định. Họ đều là những người góp phần nặn nên hình hài của tác phẩm. Những sự ngộ nhận về vẻ đẹp ấy theo quy luật của giao lưu và tiếp biến văn hoá, nó được lan toả từ Hà Nội, từ thành phố HCM và chuyển giao về các địa phương ở các miền vùng trong khi lý luận và phê bình kiến trúc của chúng ta chưa kịp thời phê phán hoặc nói một cách khác là sức mạnh của tiếng nói có trách nhiệm còn quá yếu ớt trong môi trường hành nghề. Từ Nam ra Bắc, tiếng nói của KTS trong môi trường hành nghề càng yếu ớt hơn. Có thể đơn cử trường hợp ngôi nhà Trụ sở Bộ Tài chính mặc dù đã có tiếng nói kịp thời của giới kiến trúc song tiếng nói ấy đã quá nhỏ bé so với “ý chí” và “ý nguyện” của chủ đầu tư về thẩm mỹ trong xây nhà "của mình".

Sự ngộ nhận còn đang được tồn đọng là một điều đáng tiếc cần cảnh tỉnh song đáng trách hơn là những người đã cảnh tỉnh nhưng lại là những kiến trúc sư đã đánh mất mình, nói một cách khác là thiếu đạo đức và bản lãnh nghề nghiệp làm tất cả theo ý định của chủ đầu tư để có hợp đồng vì cuộc sống.

Sự biểu hiện lệch lạc của xu hướng hồi cố đã dẫn đến hình thức chủ nghĩa. Nó đã trở thành căn bệnh trầm kha và mãn tính, được nói đến nhiều và từ lâu, nhưng không mấy biến chuyển vì chưa đụng được vào căn gốc của vấn đề, khi kiến trúc sư sáng tạo tác phẩm bằng tiền của người khác. Vậy nên môi trường và điều kiện hành nghề của họ có ảnh hưởng quyết định tới kết quả sáng tác, nhất là khi không được đào tạo một cách chu đáo như hiện nay.

4. Kết luận

Kiến trúc nước nhà sau 20 năm đổi mới đã khởi sắc song chúng ta chưa thoả mãn với hình hài và bộ mặt kiến trúc của thế kỷ 21 thời hội nhập. Những gì là đúng hướng, mới chỉ đủ để hứa hẹn, ước vọng và chờ đợi. Nó vẫn cần sự hỗ trợ, sự chăm sóc và nuôi dưỡng của môi trường hành nghề tốt.

Điều dễ nhận thấy hơn là sáng tác kiến trúc của chúng ta đang mắc vào sự lệch lạc trầm trọng, căn bệnh hình thức nặng nề, tách hình thức khỏi nội dung cũng như tách công trình khỏi cảnh quan và điều kiện thực tại của đất nước, góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị lộn xộn, nhạt nhoà bản sắc. Đây chính là vấn nạn của kiến trúc nước ta, đưa đến những hậu quả cả về văn hoá lẫn kinh tế. Con đường khắc phục phải dựa trên sự đồng thuận và đồng trách nhiệm để cộng tác giữa giới sáng tác kiến trúc và những người vận hành bộ máy kiến trúc./.


Bài tham luận của GS.TSKH.KTS Nguyễn Mạnh Thu - ĐHXD tại Hội thảo quốc tế "Kiến trúc Việt Nam đương đại - Cái nhìn từ bên trong và từ bên ngoài", tháng 4/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)