Vài nét về thị trường hành nghề tư vấn thiết kế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ hai, 05/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, vốn cho đầu tư xây dựng của toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 25 – 30% GDP. Công trình đầu tư xây dựng thường có giá trị lớn, đồng thời nó là hàng hoá đặc biệt, khác hẳn với những loại hàng hoá khác, đó là khách hàng khi bỏ tiền ra mua sản phẩm chưa thấy được chất lượng ra sao? Công trình xây dựng được tạo nên bởi thành quả của nhiều người từ kiến trúc sư, kỹ sư tới người công nhân có trình độ về chuyên môn, nghề nghiệp phù hợp. Công trình xây dựng có công năng rất đa dạng và phong phú, nó thể hiện tâm tư tình cảm và thẩm mỹ của con người và được tồn tại với thời gian dài có thể qua nhiều thế kỷ. Thấy rõ đặc điểm và ý nghĩa quan trọng đó, từ xa xưa công tác quản lý xây dựng nói chung và công tác thiết kế công trình xây dựng nói riêng đã được coi trọng đáng kể.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, những năm qua ngành Xây dựng đã nghiên cứu ban hành và đề xuất ban hành nhiều chính sách cho phù hợp với cơ chế mới góp phần đưa các hoạt động xây dựng dần ổn định, phát triển và hoà nhập với thông lệ quốc tế; nhờ đó đầu tư xây dựng đã không ngừng tăng trưởng; các tổ chức tư vấn xây dựng đã từng bước được sắp xếp lại theo hướng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực của đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư.

Nếu những người tham gia vào quá trình của hoạt động xây dựng có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm nghề nghiệp và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn công trình được đầu tư xây dựng sẽ đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, đạt hiệu quả cao. Trái lại, những người có ưu điểm mặt này nhưng thiếu sót mặt kia và ngược lại, nghĩa là có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp nhưng phẩm chất đạo đức kém, vô trách nhiệm hoặc phẩm chất đạo đức tốt nhưng trình độ chuyên môn kém, không có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ tạo ra công trình không đảm bảo chất lượng, giá thành cao, gây thất thoát lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân.

Năng lực của tổ chức tư vấn phải được đánh giá từ yếu tố con người. Những người làm việc cho tổ chức có trình độ, kinh nghiệm về chuyên môn và quản lý giỏi thì tổ chức mới có năng lực thực sự, ngoài yếu tố tài chính thì tổ chức nào có nhiều người có trình độ chuyên môn, quản lý cao thì năng lực của tổ chức đó càng mạnh. Đối với các tổ chức tư vấn xây dựng thì yêu cầu những người làm việc ở đây phải có trình độ chất xám là chính. Ở hầu hết các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới khi xem xét năng lực của tổ chức tư vấn chủ yếu căn cứ vào lực lượng kiến trúc sư, kỹ sư có trong tổ chức đó.

Kiến trúc sư là những người hành nghề về chuyên môn; khái niệm về kiến trúc sư ở ta chưa được phân định rõ, lâu nay cứ cho rằng một người đã tốt nghiệp đại học thì được coi là kiến trúc sư và có thể hành nghề độc lập ngay được. Ở các nước muốn trở thành kiến trúc sư chuyên nghiệp người ta có những quy định rất chặt chẽ và có những tiêu chuẩn rõ ràng. Điều kiện tối thiểu là người đó đã tốt nghiệp trong một trường đại học được công nhận, đã trải qua thực tế và có kinh nghiệm nghề nghiệp ít nhất 4 – 7 năm tuỳ thuộc vào thứ hạng đăng ký, là thành viên chính thức của hội nghề nghiệp, đồng thời phải đăng ký hành nghề; một số nước còn yêu cầu phải trải qua kỳ thi sát hạch, và một yếu tố không thể thiếu được đó là phải thoả mãn các yêu cầu về tư cách và đạo đức nghề nghiệp.

Khác với các nghề nghiệp khác như luật sư, bác sỹ... người kiến trúc sư không thể chỉ có hiểu biết đơn thuần về sáng tác trong hoạt động nghề nghiệp của mình mà còn phải hiểu biết về các lĩnh vực khác như hiểu biết về kinh tế liên quan đến các khía cạnh thời gian, tài chính và vận hành, có nghĩa là phải biết nhìn nhận từ cách nhìn của khách hàng, của người tiêu dùng và của người quản lý.

Như vậy, kiến trúc sư hay kỹ sư là người có kiến thức tổng hợp, phải biết giải quyết các vấn đề một cách có hiệu quả. Họ được quản lý bởi người khác và khi họ trở thành người quản lý thì còn phải biết quản lý những người khác. Do vậy, mặc dù khi chưa là người quản lý, họ cũng phải biết những vấn đề về quản lý.

Kiến trúc sư hay kỹ sư trong nền kinh tế thị trường phải xác định được trách nhiệm của mình là không ngừng học tập và phấn đấu để khẳng định trình độ nghề nghiệp, năng lực tổ chức quản lý, thực hiện những công việc đảm nhận. Sản phẩm của kiến trúc sư phải có tính cạnh tranh cao, được thị trường chấp nhận. Ở các nước trong khu vực và thế giới được công nhận là kiến trúc s­ư chuyên nghiệp là một niềm vinh dự lớn lao, một danh hiệu cao quý; đây không phải là học hàm, học vị mà là sự công nhận của các cơ quan có thẩm quyền hoặc hoặc các Hội nghề nghiệp về năng lực hành nghề cá nhân. Những người có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ muốn hành nghề chuyên môn, vẫn phải có kinh nghiệm thực tiễn, phải học tập những kiến thức cơ bản như về pháp luật liên quan, kiến thức tổ chức quản lý... đồng thời phải trải qua kỳ thi để được công nhận là kiến trúc s­ư/kỹ sư chuyên nghiệp. Khi đã được công nhận là kiến trúc s­ư/kỹ sư chuyên nghiệp, họ có quyền hành nghề độc lập và chịu trách nhiệm về những sản phẩm do mình cung cấp. Họ có thể làm chủ nhiệm dự án; giám đốc quản lý dự án; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế và chỉ những người đã được công nhận là kiến trúc sư chuyên nghiệp mới có quyền thẩm tra, thẩm định, kiểm duyệt và ký vào các sản phẩm do mình hoặc của tổ chức do mình chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay, nước ta đã tham gia hội nhập khu vực ASEAN và WTO. Nguyên tắc của lộ trình hội nhập là cắt bỏ dần dần các rào cản và không phân biệt đối xử. Để ứng phó với những nguyên tắc này, các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới đã có chính sách mở cửa từ lâu trong các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ xây dựng. Tuy nhiên, để dược cung cấp dịch vụ này vào nước họ không phải dễ dàng, vì họ có những quy định khắt khe về nghề nghiệp; đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn nhất định. Qua các vòng đàm phán cho thấy hiện nay các nước ASEAN đang đưa ra dự thảo Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ kiến trúc. Đây là đòi hỏi tất yếu bắt buộc Việt Nam phải có những quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp, nếu không khi các Hiệp định đã được ký kết, ta không có chuẩn mực nào để xác định và thừa nhận cá nhân nước ngoài hành nghề chuyên môn tại Việt Nam; đồng thời kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam khi muốn hành nghề ở nước khác không có một chứng chỉ nào làm cơ sở cho các nước thừa nhận để được hành nghề chuyên môn tại nước họ.

Để xác định và công nhận năng lực cho từng đối tượng cụ thể, cần có sự phân chia theo thứ hạng phù hợp với kinh nghiệm và năng lực thực tế của người hành nghề chuyên môn. Trung Quốc, Nga và một số nước ASEAN như Singapor, Thái Lan, Malaysia chia năng lực kiến trúc sư chuyên nghiệp thành cấp bậc rõ ràng. Cụ thể, năng lực kiến trúc sư được phân làm 3 hạng: kiến trúc sư phụ việc; kiến trúc sư chuyên nghiệp, kiến trúc sư chuyên nghiệp cao cấp.

Kiến trúc sư phụ việc là người giúp việc cho kiến trúc sư chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn thường là những kiến trúc sư mới tốt nghiệp đại học, còn kỹ sư chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm về tất cả những công việc do mình đảm nhận. Kiến trúc sư phụ việc chỉ được làm việc dưới sự quản lý, giám sát của kiến trúc sư chuyên nghiệp. Trong thời gian chưa được công nhận là kiến trúc sư chuyên nghiệp thì dù có bằng cấp cao đến mấy đi nữa cũng vẫn chỉ là kiến trúc sư phụ việc. Kiến trúc sư chuyên nghiệp và chuyên nghiệp cao cấp tuỳ thuộc vào mỗi nước mà có yêu cầu khác nhau. Ví dụ ở Thái Lan, yêu cầu tối thiểu để được công nhận kiến trúc sư chuyên nghiệp phải có 7 năm hành nghề là kiến trúc sư phụ việc.

Để xem xét năng lực nghề nghiệp, các nước đều thành lập một Ban hoặc một Hội đồng có sự tham gia đầy đủ của các thành phần. Ở Singapor người ta lập ra Hội đồng Kiến trúc sư chuyên nghiệp do Bộ trưởng quyết định, các thành viên bao gồm:

- Chủ tịch: là người đã được cấp chứng chỉ đăng ký kiến trúc sư chuyên nghiệp.

- 3 kiến trúc sư chuyên nghiệp được chọn từ danh sách đề cử của Hội đồng Kiến trúc sư Singapor

- 5 thành viên là kỹ sư chuyên nghiệp do Bộ trưởng lựa chọn tuỳ theo yêu cầu tại các thời điểm khác nhau; yêu cầu, mục đích khác nhau.

Để đưa thị trường xây dựng vào nề nếp, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư có hiệu quả đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm phát triển; tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức hoạt động yếu kém phải vươn lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc nghiệt của thị trường xây dựng, tiến tới hội nhập khu vực và thế giới, ngành Xây dựng đã nghiên cứu tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng. Một trong những nội dung không thể thiếu và đã được đề cập tới ở tất cả các Chương của Luật Xây dựng, đó là yêu cầu về năng lực hành nghề của các cá nhân và năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức.

Năng lực hành nghề của cá nhân được phân thành cấp bậc trên cơ sở trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Một trong các điều kiện để xem xét năng lực hoạt động của tổ chức tư vấn là dựa trên cơ sở năng lực của các cá nhân trong tổ chức đó. Căn cứ những tiêu chí được quy định trong Luật Xây dựng, nghiên cứu tham khảo quy định của các nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương và một số Hiệp hội nghề nghiệp soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, trong đó có quy định chi tiết những điều kiện để được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, điều kiện để được làm chủ nhiệm đề án, chủ trì thiết kế công trình xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005. Để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư đồ án quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế kiến trúc công trình, cá nhân phải đạt trình độ đại học thuộc chuyên ngành kiến trúc... và đã tham gia thiết kế ít nhất 5 công trình hoặc 5 đồ án quy hoạch, tuỳ thuộc vào nội dung xin đăng ký hành nghề của cá nhân; nếu cá nhân muốn xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động cả 2 nội dung thiết kế kiến trúc công trình và thiết kế quy hoạch thì phải đáp ứng được đồng thời cả 2 điều kiện này.

Có ý kiến cho rằng quy định như vậy là quá đơn giản, không rõ quy mô công trình đến đâu, có thể chỉ là 5 công trình rất nhỏ và đơn giản, vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề. Thực tế chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nói chung và chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư nói riêng có thể coi là giấy xác nhận đã qua thời gian tập sự để tự tin bước vào nghề. Pháp luật quy định những người làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế mới bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề; những người không đảm nhiệm chức danh này không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.

Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư chỉ là một điều kiện cần để được làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế; ví dụ để được làm chủ nhiệm thiết kế công trình xây dựng hạng 1 cá nhân còn phải đáp ứng điều kiện là đã từng chủ nhiệm thiết kế ít nhất 1 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại hoặc đã làm chủ trì thiết kế 1 lĩnh vực chuyên môn chính của 3 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp I cùng loại. Như vậy, không phải có chứng chỉ hành nghề là đương nhiên được làm chủ nhiệm thiết kế. Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế là chức danh của một đồ án cụ thể; chức danh này do người đứng đầu tổ chức tư vấn bổ nhiệm căn cứ vào các điều kiện do Nhà nước quy định. Việc kiểm tra năng lực của những người làm chủ nhiệm, chủ trì thông qua thẩm định thiết kế; đồ án thiết kế không được chấp thuận khi điều kiện năng lực của những người chủ nhiệm, chủ trì thiết kế không đáp ứng theo quy định. Những cá nhân chủ nhiệm, chủ trì thiết kế phải chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế của mình.

Đối với tổ chức tư vấn chỉ quy định các tiêu chí, phân hạng để trên cơ sở đó tổ chức tự xác định thứ hạng của mình, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ kiểm tra và đặc biệt là đối với các trường hợp khi lựa chọn nhà thầu chủ đầu tư sẽ có cơ sở để đánh giá việc kê khai năng lực của tổ chức dự thầu có đúng với các quy định hay không? Cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp bất cứ loại chứng chỉ nào đối với tổ chức hoạt động xây dựng.

Đến nay cả nước đã có gần 2000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch xây dựng và thiết kế kiến trúc công trình, trong đó có nhiều người đã được giao làm chủ nhiệm đồ án quy hoạch; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Nhiều kiến trúc sư có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm trong sáng tác, được các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả những nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến để hợp đồng thực hiện thiết kế công trình. Tuy nhiên, trong số những cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư vẫn còn nhiều người năng lực thiết kế cũng như kinh nghiệm quản lý chưa theo kịp với xu thế phát triển, nên mặc dù đã được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng cũng chưa được giao làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế một đồ án, công trình nào.

Trong khi có nhiều kiến trúc sư thực hiện thiết kế được những công trình đạt chất lượng cao, thì cũng có không ít sản phẩm thiết kế của nhiều kiến trúc sư chưa thực sự đạt yêu cầu, mặc dù những người này cũng đã được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư. Sở dĩ có tình trạng này là do các kiến trúc sư mới chỉ đơn thuần thực hiện công việc sáng tác kiến trúc, chưa đi sâu nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến; sự phối hợp giữa phần thiết kế kiến trúc với phần thiết kế cơ điện cũng như công năng sử dụng của công trình, đặc biệt là những công trình có quy mô lớn, lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể đến sự am hiểu về các quy định của pháp luật, kiến thức kinh tế – xã hội, trình độ ngoại ngữ của nhiều kiến trúc sư cũng còn hạn chế, nên việc tham gia vào các dự án lớn, công trình lớn; sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xu thế hội nhập cũng còn hạn chế cần phải được xem xét. trong đó vai trò của các Hội nghề nghiệp như Hội KTS, QHXD đô thị, Xây dựng... đối với công tác quản lý hành nghề của các hội viên như xác nhận năng lực, tiêu chuẩn hành nghề, tham gia xét cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ tư vấn kiến trúc, qui hoạch và các kiến thức khác liên quan cho các hội viên là rất quan trọng.

Một lần nữa cần khẳng định lại những quy định của pháp luật xây dựng về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng là hoàn toàn phù hợp với thực tế và xu thế hội nhập, chỉ có thế mới phát triển được nguồn nhân lực, phát huy vai trò của những người hành nghề chuyên môn trong khuôn khổ của pháp luật. Cơ chế, chính sách có đồng bộ, có quy định chặt chẽ đến mấy nhưng những con người thực thi nó có thực hiện nghiêm túc hay không? Có đưa nó vào cuộc sống hay không? Còn là một vấn đề nan giải, không dễ gì ngày một ngày hai có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của pháp luật.

Tuy nhiên, việc đưa ra những quy định này phần nào sẽ đáp ứng được yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường; đáp ứng nhu cầu hội nhập của khu vực và thế giới; bảo vệ và động viên kiến trúc s­ư/ kỹ sư không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm theo các tiêu chuẩn quy định để có thể làm chủ được công việc chuyên môn khi lựa chọn thực hiện các công việc trong và ngoài nước nhằm từng bước củng cố và xây dựng đội ngũ kiến trúc s­ư, kỹ sư chuyên nghiệp được khu vực và thế giới thừa nhận, đồng thời góp phần tạo nên sự cạnh tranh cao, lành mạnh trong thị trường xây dựng tạo ra động lực thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển. Việc quy định này còn là công cụ để quản lý, phân loại cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng công trình, vì sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội; góp phần thực hiện những nội dung đề ra của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là: “Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài”.


Nguồn:  Diễn đàn: "Hành nghề và doanh nghiệp tư vấn kiến trúc" tháng 4/2008 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)