Một số mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến trong cộng đồng dân cư

Thứ hai, 10/03/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Môi trường ở khu vực nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, thế nhưng, việc thu gom và xử lý chất thải lại thường không được chú trọng. Dự án “Điều tra, đánh giá, tổng kết, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến trong cộng đồng dân cư khu vực ven biển và đề xuất các giải pháp nhân rộng” do Hội Kinh tế môi trường thực hiện năm 2007 tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã cho thấy, nếu có sự phối hợp và ủng hộ tích cực của chính quyền cũng như người dân thì vấn đề này sẽ được giải quyết rất tốt.

Phường Nghi Hải có địa hình đồng bằng ven biển thuộc thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An, cách Trung tâm du lịch thị xã Cửa Lò 5 km và có cảng Cửa Hội trên sông Lam. Với hệ thống đường giao thông khá phát triển, vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và dịch vụ, lại đang trong quá trình phát triển, nên Nghi Hải đang đứng trước một vấn đề khó khăn, đó là chưa có quy hoạch cụ thể về hệ thống xử lý và thu gom chất thải. Mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nhưng hiện tại hệ thống này vẫn hoạt động theo hình thức tự phát và đang gặp rất nhiều khó khăn về địa điểm tập kết rác cũng như kinh phí chi trả cho quá trình vận chuyển. Toàn bộ công việc vận chuyển và thu gom rác hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào Công ty môi trường đô thị thị xã Cửa Lò khi nơi tập kết rác đầy thì gọi điện cho Công ty đến chở, có khi cả tuần sau mới được giải quyết do UBND còn nợ tiền vận chuyển hoặc hết xe.... Dự án “Điều tra, đánh giá, tổng kết, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến trong cộng đồng dân cư khu vực ven biển và đề xuất các giải pháp nhân rộng” do Hội Kinh tế môi trường thực hiện năm 2007 tại phường Nghi Hải đã đưa ra một số mô hình bảo vệ môi trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển về du lịch và dịch vụ cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình thoát nước và xử lý nước thải

 

Nước thải trong các khu vực đô thị, đặc biệt là ở những nơi mới đô thị hoá rất đa dạng, yêu cầu xử lý phức tạp, hơn nữa cơ sở hạ tầng lại yếu kém, không được quy hoạch. Để lựa chọn được mô hình quản lý nước thải thích hợp cần phải xem xét từ nhiều góc độ khác nhau: Kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội và trình độ quản lý tại địa phương.

Trên cơ sở đặc điểm của nước thải và điều kiện thực tiễn tại địa phương, Dự án đã đưa ra mô hình thoát nước và xử lý nước thải tại phường Nghi Hải, với một số nguyên tắc:

Đa dạng hoá các loại hình xử lý cho từng loại nước thải: Xử lý cục bộ tại gia đình bằng bể tự hoại hoặc bể biogas, xử lý tập trung nước thải tại các cơ sở chế biến thuỷ sản, các khách sạn, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.

Lựa chọn các phương án xử lý có chi phí thấp cho các hộ gia đình và phương án xử lý có hiệu quả cao cho các điểm xử lý tập trung.

Việc xử lý nước thải tiến hành đồng thời hoặc sau khi hình thành hệ thống thoát nước thải chung cho các cụm dân cư và toàn bộ địa bàn.

Hình thành ban quản lý ít nhất 3 người để quản lý hệ thống xử lý nước thải nói riêng và toàn bộ công tác vệ sinh môi trường nói chung.

Theo mô hình này, nước thải được xử lý cục bộ từ các hộ gia đình nước thải từ bể tự hoại hoặc từ bể biogas; nước thải từ hệ thống xử lý tập trung của các cơ sở sản xuất, các cơ quan, trường học, trạm y tế... tập trung đổ vào hệ thống thoát nước chung. Khi trời mưa, nước thải sau khi xử lý cùng hoà trộn với nước mưa chảy qua hệ thống thoát nước, đổ vào sông Lam.

Mô hình quản lý chất thải rắn 

 

 Việc xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn phải dựa trên một số nguyên tắc như: Có sự tham gia của người dân cả trong hoạt động lẫn kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động; người dân là người trực tiếp được hưởng lợi khi tham gia vào hoạt động này; cần thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn phường; thiết lập các trạm chung chuyển rác để thực hiện tốt hoạt động thu gom và vận chuyển; xây dựng và lựa chọn mô hình thu gom và vận chuyển rác thải hiệu quả nhất nhằm thu gom triệt để lượng rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn phường và chuyên chở đến bãi rác kịp thời.

Trên cơ sở đó, Dự án đã đưa ra mô hình thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường phường Nghi Hải để tổ chức thực hiện hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải. Hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi. Các thành viên trong Hợp tác xã được tập hợp từ những người làm công tác thu gom rác ở các cụm . Hợp tác xã quản lý các xã viên nhân viên thu gom và vận chuyển rác và phân công nhân lực phụ trách việc thu gom của từng cụm để dễ dàng hoạt động xã viên là người ở cụm nào thì phụ trách việc thu gom rác ở cụm đó. Vốn đầu tư ban đầu của Hợp tác xã do các xã viên đóng góp đặc biệt là Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, huy động từ nguồn vốn đầu tư của phường và các thành phần kinh tế khác. Hợp tác xã sẽ thu phí thu gom rác dưới sự giúp đỡ và hỗ trợ của chính quyền, đặc biệt là các cụm. Nguồn phí thu được sẽ được chi cho việc trả lương công nhân, các chi phí để duy trì hoạt động... theo quy định. Hợp tác xã hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và người dân trong địa bàn. Chính quyền phường, cụm, các đơn vị và người dân có trách nhiệm tham gia, phối hợp cùng với Hợp tác xã để thực hiện tốt hoạt động thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn.

Mô hình truyền thông môi trường

  

Truyền thông môi trường ở đây không nhằm quá nhiều vào việc phổ biến thông tin mà nhằm chia sẻ nhận thức về một phương thức sống bền vững và khả năng giải quyết các vấn đề môi trường cho các nhóm người trong cộng đồng.

Việc thực hiện các mô hình truyền thông về môi trường tại Nghi Hải được thông qua các cơ quan, tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, các trường học, các hội sở tại, những người già có uy tín tại từng cụm dân cư… Các nội dung thiết thực để thực hiện gồm: Đưa ra các thông điệp ngắn gọn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường trên địa bàn, tổ chức diễn kịch, tăng cường các phong trào, hoạt động nhân Ngày môi trường Thế giới; chiến dịch làm sạch thế giới; sạch làng tốt ruộng... Một số nội dung cụ thể trong truyền thông là: ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động sản xuất; tập quán và các thói quen trong mối liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường; ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và các biện pháp quản lý phân hoá học, hoá chất bảo vệ thực vật, phân tươi... Để đưa các thông tin này đến với cộng đồng, có thể sử dụng hệ thống loa phát thanh, bản tin tại UBND phường, các bảng tin tại từng tổ dân cư, phát tờ rơi, treo băng rôn, tranh cổ động, tranh châm biếm về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, có thể lắp đặt các hòm thư góp ý để tiếp thu thông tin phản hồi từ cộng đồng và nhận những góp ý về công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các cụm dân cư nói riêng, trên toàn địa bàn phường nói chung. Ban kiểm tra vệ sinh môi trường, UBND phường sẽ mở hòm thư hàng tuần, tiếp thu ý kiến phản ánh, điều tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm bị tố giác, đồng thời khen thưởng kịp thời các ý kiến đóng góp có giá trị.

**

*

Từ thực tiễn triển khai Dự án tại phường Nghi Hải thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, để góp phần bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, chúng tôi xin rút ra một vài vấn đề sau:

Trong việc xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ môi trường ở nông thôn, cần quan tâm tăng cường quyền lực cho cơ sở; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Các tổ tự quản có thể được phép phạt các đối tượng vi phạm những quy định về trật tự và vệ sinh theo quy chế nội bộ đã được người dân trong cụm tham gia xây dựng, chẳng hạn, hộ gia đình nào không chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường sẽ bị phạt từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng qua các “phiếu xanh”, hoặc bị chấm dứt hợp đồng thu gom rác.

Sử dụng hình thức kiểm tra chéo giữa các cụm dân cư để khích lệ không khí thi đua giữa các cụm về giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực.

Bắt buộc ký cam kết vệ sinh môi trường đối với các hộ kinh doanh. B

Đối với các hộ dân, cần đưa tiêu chí vệ sinh môi trường vào tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

Xây dựng, quy hoạch lại hệ thống thoát nước và các bãi rác trung chuyển tại các cụm dân cư.

Có thế nói, các mô hình mà Dự án đưa ra thực hiện tại phường Nghi Hải có thể triển khai, nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Những mô hình này sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường ở cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn.


Tạp chí hđkh 2/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)