Xử phạt vi phạm hành chính trong việc chậm lập quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình

Ngày cập nhật: 11/01/2019

Hỏi: (Nguyễn Thị Mai - khns.mai@gmail.com)

Hiện nay tôi đang thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành của 01 dự án nhóm C (thuộc tỉnh quản lý), dự án này chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán 10 tháng so với thời gian quy định tại Điều 22 Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính. Theo quy định tại tiết c Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, dự án trên chậm lập hồ sơ quyết toán trên 03 tháng thì mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trả lời:

Về thẩm quyền lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tại Khoản 1 Điều 69 có quy định:

"Điều 69. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Nghị định này".

Căn cứ quy định trên, UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm lập quyết toán của chủ đầu tư thực hiện dự án trên. Tuy nhiên để có cơ sở thực hiện, đề nghị quý Bộ cho biết, cơ quan nào là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt nêu trên?

Về vấn đề này, Thanh tra Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại Điều 69 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP:

“1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Nghị định này.

2. Công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định này.

3. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.

4. Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: Hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

5. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 75 Nghị định này được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định này.”

Như vậy, ngoài chức danh quy định tại khoản 1 Điều 69 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như bà Mai đã nêu, còn có công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và các chức danh khác được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy định tại Nghị định này đều có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính như sau:

“1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản….

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt”.


Việc tham mưu để ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân các cấp quy định tùy theo tình hình thực tế của địa phương.
 

THANH TRA BỘ XÂY DỰNG