Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số.
Nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Ảnh minh họa
Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số và thực hiện tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận thành tựu sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Còn tại Hà Nội, trong thời gian qua, các cơ quan của Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số.
Năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã, đang và sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như Chương trình hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến; Ðào tạo khởi sự, quản trị kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm;
Cùng với đó, tư vấn hỗ trợ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục hành chính khác thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội; triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Mục tiêu chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội là phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhận hỗ trợ chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử.
Cần đổi mới thể chế, chính sách về công nghệ, chuyển đổi số
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp cần hòa nhập vào sự phát triển trong hệ sinh thái về số đó.
"Khách hàng trẻ thực sự đang là đối tượng tiêu dùng số, bởi họ mua bán trên nền tảng số, thương mại điện tử rất nhiều. Do đó, chúng ta phải nắm bắt để vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh, tiêu thụ quảng bá sản phẩm của mình một cách tốt nhất bên cạnh những kênh phân phối truyền thống", bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc HPA, bên cạnh những doanh nghiệp đã thành công do bắt kịp sự thay đổi, chuyển biến của chuyển đổi số, thương mại điện tử xuyên biên giới thì cũng có doanh nghiệp chưa đủ năng lực, cơ hội để tiếp cận. Do đó, các doanh nghiệp cần trang bị các kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số.
Vừa qua, TP. Hà Nội đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số, startup, để tạo đà cho phát triển kinh tế số Hà Nội. Trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng doanh thu đạt khoảng 12,57 tỷ USD, thu hút hơn 160.000 lao động.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; hướng dẫn các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)...
Theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế số, Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, doanh nghiệp...
Hà Nội cũng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần không ngừng thay đổi và sáng tạo; sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đó, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia chuyển đổi số là vô cùng quan trọng để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.