Quang cảnh Tọa đàm "Khai thác dữ liệu - xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững". Ảnh: VGP/Minh Anh
Bước đầu tạo nền tảng
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội có dân số chiếm gần 8,4% dân số cả nước; tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng/2023 là 305.300 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội có nhiều thách thức như: Dân số đông; giao thông ùn tắc, ô nhiễm, năng lực cạnh tranh…
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, công cuộc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng. Cụ thể là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 2/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số.
Từ vị thế, cơ hội, thách thức, Thành ủy, UBND Thành phố đã có chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết số 18-NQ/TU với quan điểm chỉ đạo thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội; ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Cùng đó UBND thành phố Hà Nội ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó có Kế hoạch 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch gồm 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ được phân theo nhóm các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, các kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 14/6/2022 (giai đoạn 2022 - 2025); số 64/KH-UBND ngày 1/3/2023 (kế hoạch năm 2023)…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng chỉ ra các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm xây dựng thành phố thông minh gồm hạ tầng kinh tế - xã hội thông minh: y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại thông minh. Để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Khai thác tài nguyên dữ liệu số
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Tọa đàm "Khai thác dữ liệu - xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững". Ảnh: VGP/Minh Anh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện nay Thành phố đang đồng thời triển khai ba nhiệm vụ rất quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ chính trị để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Bên cạnh đó, Thành phố cũng quyết liệt triển khai hai chuyển đổi quan trọng là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong đó, Thành phố xác định chuyển đổi số là khâu rất quan trọng, mang tính đột phá, thông minh và hiệu quả.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, việc xây dựng thành phố thông minh, phát triển Thủ đô cũng mục tiêu xuyên suốt là để lấy người dân làm trung tâm. Do đó để có sản phẩm chuyển đổi số phát triển kinh tế thì đời sống người dân phải được nâng cao cả về chất lượng và tinh thần.
Khi Hà Nội triển khai nhiệm vụ này, toàn bộ về mặt chủ trương đã được nhận thức rõ. Trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số, sự cần thiết xây dựng thành phố thông minh, các đơn vị triển khai rất quyết liệt…
"Thành phố xác định cơ sở dữ liệu là vấn đề rất quan trọng, Hà Nội đã ban hành các danh mục, kế hoạch dữ liệu và đang giao các đơn vị triển khai nội dung này. Trong quá trình triển khai đến giai đoạn này vẫn còn một số khó khăn bất cập liên quan đến thu thập và chia sẻ dữ liệu", Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết thêm, từng bước thực hiện thành phố thông minh, Hà Nội đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án. Để lựa chọn mô hình thông minh nhất, hiệu quả nhất và mọi kết nối không chờ… Thành phố đã lựa chọn khâu quy hoạch và yếu tố thông minh là nguyên tắc. Trong Quy hoạch Thủ đô, mọi lĩnh vực phải thể hiện được sự chuyển đổi số và thẩm thấu văn hóa con người của Hà Nội.
Ông Nguyễn Nhật Quang, Thành viên Hội đồng sáng lập VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho biết, việc khai thác dữ liệu, xây dựng thành phố thông minh vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, kiến trúc dữ liệu mỗi địa phương là khác nhau, đây cũng là thách thức khi sau này thực hiện dữ liệu chung Quốc gia.
"Chúng ta hướng đến đô thị thông minh nhưng việc trao đổi dữ liệu với nhau lại không được. Chúng ta coi dữ liệu là tài sản nhưng chúng ta chưa có ý thức để giữ tài sản đó", ông Quang bày tỏ.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng, dữ liệu là tải sản công của toàn dân do vậy phải được sử dụng công khai, sử dụng chung trong cả nước, có như vậy việc hướng đến Thành phố thông minh mới thực sự bền vững.
Chia sẻ về cách khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả để xây dựng thành phố thông minh, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng xây dựng chỉ số đo lường chất lượng, trong quá trình sử dụng dữ liệu, Đà Nẵng thực hiện kiểm soát chặt chẽ, những dữ liệu không đúng, không sạch, không đủ đều được quản lý, giám sát. Theo ông Thạch để chính sách thúc đẩy đô thị thông minh hiệu quả phải có biện pháp, giải pháp, kiểm tra, giám sát, trong đó cơ quan thường trực có vai trò quan trọng trong kết nối, triển khai thực hiện.