Trên cơ sở đó, Hà Nam đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Về phát triển Chính quyền số
Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam hiện nay cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC.
Tổng số bộ TTHC: 2.067 bộ, trong đó: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: 904 bộ (chiếm 43,73%); dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: 964 bộ (chiếm 46,64%); dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: 199 bộ (9,63%).
Trong năm 2020, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 228.663 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,7%; có 10.996 bộ hồ sơ trực tuyến, đạt 4,81%. Quý I/2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 47.369 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%; có 4.441 bộ hồ sơ trực tuyến, đạt 9,38%.
Hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như đã kết nối đăng nhập một lần đối với các hệ thống, phân hệ của Cổng Dịch vụ công quốc gia (Nền tảng thanh toán trực tuyến; Nền tảng định danh điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…); đồng thời, đã hoàn thành đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ; hoàn thành kết nối, tích hợp sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã tích hợp, kiểm thử khoảng 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hoàn thành kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Việc triển khai chữ ký số trong hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực góp phần hiện đại hóa nền hành chính công. Tính đến tháng 5/2021, tổng số chứng thư số trên toàn tỉnh là hơn 1.600 cấp cho tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước.
UBND tỉnh đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 để làm kiến trúc nền tảng trong việc xây dựng chính quyền điện tử của địa phương. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã được triển khai thử nghiệm.
Về phát triển kinh tế số
Cơ bản các doanh nghiệp đã biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh như: xây dựng Trang thông tin điện tử, sử dụng thư điện tử và một số doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán và ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử.
Tình hình hoạt động mạng lưới bưu chính, viễn thông ổn định; chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị hoạt động kinh doanh lĩnh vực bưu chính; doanh thu quý I/2021 từ hoạt động bưu chính là 31.357 triệu đồng; tổng số thuê bao điện thoại 900.479 thuê bao, đạt mật độ 105,6 thuê bao/100 dân (bao gồm cả điện thoại di động và cố định); tổng thuê bao Internet là 678.560 thuê bao. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất nhằm nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình.
Về phát triển xã hội số
Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, Nhà nước đang được triển khai kết nối, sử dụng tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và triển khai đến cấp xã.
Tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số
Các cấp, các ngành đã tổ chức phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của ngành mình, cấp mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và bưu chính công ích để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và sử dụng.
Chiến lược, kế hoạch, chính sách, thể chế phục vụ chuyển đổi số
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3075/KH-UBND ngày 10/12/2020 triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hà Nam; Kế hoạch số 1512/KH-UBND ngày 02/6/2020 thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Qua đó đã từng bước chuyển đổi nhận thức, hình thành tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện hóa các cơ hội, tiềm năng chuyển đổi số mang lại khi công nghệ số được đưa vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tích cực sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số
Xác định phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam phiên bản 2.0 và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; đồng thời, thường xuyên tổ chức cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 3/2020 với 09 phân hệ thí điểm gồm: Giám sát và điều hành giáo dục; Giám sát camera an ninh - giao thông; Giám sát môi trường; Giám sát hành chính công; Giám sát văn bản điện tử; Điều hành chỉ tiêu ngân sách; Điều hành sản xuất phát triển kinh tế xã hội; Điều hành chỉ tiêu kinh tế xã hội; Giám sát và điều hành y tế.
Hoàn thành thử nghiệm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), đồng thời đã triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh (SOC) kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC), theo đó đã giám sát an toàn thông tin và kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin và thông tin liên lạc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Một số kết quả đạt được trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số
Về lĩnh vực y tế: Đã triển khai xong hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế quản lý, nâng cao hiệu quả về quản lý chuyên môn, công tác khám chữa bệnh và thanh toán BHYT cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và cơ sở y tế xã, phường, thị trấn.
Về lĩnh vực giáo dục: Ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Vận hành và khai thác có hiệu quả hạ tầng, tính toán lưu trữ và các dịch vụ nền tảng Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai được tập trung xây dựng mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021; đồng thời tích hợp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch công quốc gia; triển khai thêm một số phân hệ của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh; ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp; đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng số, nền tảng số, kiến tạo thể chế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số./.