Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World) theo hình thức trực tuyến, chiều 20/10.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong đại dịch COVID-19, CNTT dường như có thêm động lực để phát triển nhanh hơn, gắn sát hơn với cuộc sống thực tiễn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Hội nghị Bộ trưởng các nước ITU 2020 tập trung thảo luận quanh chủ đề hoạch định chiến lược số trong và sau COVID-19 và định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong triển khai các chương trình chuyển đổi số. Đây cũng là cơ hội để các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp đối thoại về chính sách, chiến lược nhằm phát huy hơn nữa vai trò thiết yếu công nghệ thông tin-viễn thông trong phòng chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh.
Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Nhiều điều ngày hôm qua, hôm nay là đúng nhưng sẽ phải thay đổi và phải thay đổi rất nhanh.
Là một quốc gia đang phát triển, hơn 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được môi trường ổn định, hợp tác, phát triển và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm ít nước cao nhất thế giới. Trong nỗ lực và kết quả đó có sự góp phần quan trọng - nhiều thời điểm có tính mở đường - của ngành viễn thông và công nghệ thông tin.
Xác định sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, để không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc lựa chọn chủ đề của Hội nghị không chỉ mang tính thời sự nóng bỏng mà còn có ý nghĩa, rất chiến lược lâu dài. Ngay giờ phút này, người dân Việt Nam, hàng tỷ người trên toàn thế giới đang phải căng mình chống dịch COVID-19. Mấy hôm nay, con số nhiễm bệnh mới trên thế giới đã lên tới trên dưới 400.000 ca mỗi ngày.
Là người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Phó Thủ tướng chia sẻ sâu sắc trước những khó khăn và vất vả của những người tham gia chống dịch và nhấn mạnh trong “cuộc chiến” này công nghệ thông tin-truyền thông có vai trò và đóng góp rất quan trọng.
“Muốn chiến thắng dịch bệnh thì nhất thiết phải huy động được mọi người dân cùng tham gia chống dịch. Công nghệ thông tin-truyền thông giúp thông tin kịp thời, minh bạch về dịch bệnh và hướng dẫn mỗi người dân phải làm gì để bảo vệ mình và cộng đồng.
Công nghệ thông tin-truyền thông giúp thực hiện truy vết, quản lý người nhiễm và người có nguy cơ lây nhiễm; giúp điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt là giúp kết nối quốc tế, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu về virus, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine…”, Phó Thủ tướng nói.
Công nghệ thông tin-truyền thông cũng giúp Nhà nước, doanh nghiệp và mọi người tổ chức lại và duy trì các hoạt động của mình trong một trạng thái bình thường mới.
Trong đại dịch COVID-19, công nghệ thông tin dường như có thêm động lực để phát triển nhanh hơn, gắn sát hơn với cuộc sống thực tiễn.
Sau phiên khai mạc Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World) sẽ có 3 phiên thảo luận chuyên đề về kết nối, chuyển đối số và phát triển bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam
Để cùng chung tay thúc đẩy phát triển công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số vì một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng, trực tiếp hiện nay là chiến thắng đại dịch COVID-19 và ổn định, phát triển trong và sau đại dịch, Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.
Trước hết là sự cần thiết hoạch định một chiến lược số trong và sau đại dịch COVID-19, trong đó có những định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong chuyển đổi số.
Các nước thành viên ITU cần thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mở cho công nghệ mạng 5G, tạo cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, giảm chi phí xây dựng mạng lưới; thảo luận tìm sự thống nhất xây dựng công ước quốc tế, hoặc thỏa thuận quốc tế về không gian mạng để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo đảm chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích công dân trên không gian mạng.
Khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên đóng góp và xây dựng ITU hoạt động ngày càng hiệu quả, hoàn thành sứ mệnh cao cả của Liên minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng Hội nghị sẽ thành công và sẽ đưa ra nhiều sáng kiến cùng các khuyến nghị để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu, hướng tới tương lai tương sáng, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân trên thế giới.