Doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin và chủ động khai thác tận dụng EVFTA

Thứ sáu, 25/09/2020 14:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để có nắm bắt được cơ hội lớn mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn mang lại, các doanh nghiệp (DN) cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

Đông đảo doanh nghiệp tham gia hội thảo. Ảnh:VGP.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo “EVFTA - Những điều DN cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (Đức) đã tổ chức ngày 24/9.

Mục đích của hội thảo này là nhằm cung cấp cho DN và các đơn vị liên quan thông tin những nội dung cốt lõi, những điều cơ bản về EVFTA cũng như cập nhật tình hình thực thi Hiệp định từ cả phía DN và chính phủ sau 2 tháng có hiệu lực.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thực tế thực thi EVFTA trong 2 tháng vừa qua cho thấy các cơ hội EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho DN Việt Nam. 

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU. 

Còn theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020.

Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9.

"Đây là dấu hiệu cực kỳ tích cực. Trong cả năm đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường với ASEAN, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chỉ 5-6%. Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn do dịch COVID-19 và hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất khó khăn do dịch COVID-19 và EVFTA vẫn còn rất mới mẻ với đa số các DN.

Nội dung EVFTA có hàng ngàn trang hiệp định, với ngôn ngữ hàn lâm, diễn giải đôi khi lắt léo…, tìm thấy được cơ hội, đánh giá được khó khăn đến với mình ở trong hàng ngàn trang tài liệu đó là một thách thức đối với bất kỳ một DN nào.

Do đó, về lâu dài, để có thể hiện hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, các DN cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh, để chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

Dự kiến dưới tác động của EVFTA, sẽ có một sự tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, với kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng 42,7% và nhập khẩu từ EU tăng 33,06% vào năm 2025 so với kịch bản không có EVFTA. Hoạt động thương mại, đầu tư nhộn nhịp dưới tác động của EVFTA cũng dự báo giúp tăng thêm 146.000 việc làm mỗi năm, tăng thu nhập cho người dân (đặc biệt nhóm lao động trong doanh nghiệp FDI) và cả cho Ngân sách Nhà nước (khoảng 4.500 tỷ đồng trong 10 năm tới). Trong tổng thể, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 7,07-7,72% trong giai đoạn 2030-2035.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các DN mong muốn các bộ, ngành sẽ có quan tâm nhiều hơn các vấn đề về chứng nhận xuất xứ, cũng như các quy định khác để DN có lợi thế cạnh tranh với các DN quốc gia khác.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt (Hà Nội) cho biết, là DN xuất khẩu đồ gỗ vào EU, Công ty Tiến Đạt rất quan tâm đến khai thác EVFTA. Công ty đã tìm hiểu và nhận thấy, đồ gỗ vào thị trường EU phải tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao như chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp…

Ông Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ kinh nghiệm, muốn vào được thị trường EU hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, DN đồ gỗ phải tiếp cận được các nội dung cam kết liên quan đến mình, phải hiểu thị trường EU cần gì để đáp ứng…

“Hoạt động hỗ trợ về cung cấp thông tin, phổ biến các cam kết, hướng dẫn cách thức tiếp cận thị trường EU... thông qua những hội thảo, hội nghị, tập huấn, tuyên truyền về EVFTA từ phía các cơ quan chức năng là rất hữu ích cho DN, cần mở rộng phạm vi và tính chất chuyên sâu về các hoạt động này” đại diện DN gỗ nhận định.

Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết EVFTA và hướng dẫn tận dụng hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết, đầy đủ hơn để từng ngành, từng DN đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này.

“Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI đã cùng với các hiệp hội, cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về EVFTA đến DN. Việc biên soạn và xuất bản Cẩm nang hướng dẫn DN về EVFTA là một trong các hoạt động tiêu biểu”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)