Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của Bộ Xây dựng

Thứ năm, 01/10/2020 16:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 30/9/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1286/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá, mục tiêu đề ra tại Chương trình Hành động của ngành Xây dựng thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Chủ động hội nhập vào nền kinh tế quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của Ngành, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết liên quan đến lĩnh vực xây dựng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Xác định rõ và phân công trách nhiệm thực hiện của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời quy định các biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện EVFTA.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Xây dựng cụ thể hoá và ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những nội dung cơ bản dưới đây:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước tham gia Hiệp định EVFTA

a) Tăng cường phổ biến về Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan (các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp, các hiệp hội xây dựng…) thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.

b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để toàn xã hội nắm bắt kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng; tuyên truyền  sâu rộng để toàn xã hội, nhất là người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước hiểu rõ về hệ thống thể chế chính sách, pháp luật, các quy định mới trong lĩnh vực xây dựng và tình hình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng 

c) Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định EVFTA nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung tại Bộ Xây dựng để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp đinh EVFTA và các FTA mà Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng tham gia. 

d) Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành để thực hiện tuyên truyền; cung cấp và xử lý thông tin về các hoạt động đối ngoại của Bộ nhằm định hướng thông tin kịp thời, đặc biệt đối với những sự kiện, vấn đề dự luận xã hội, báo chí quan tâm.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

a) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam nói chung và ngành xây dựng nói riêng khi tham gia Hiệp định EVFTA.

b) Tổ chức thực hiện tốt các cam kết rõ ràng, chi tiết được quy định trong Phụ lục 2 của Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 8 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và các văn kiện có liên quan.

c) Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý ngành đảm bảo phù hợp với Hiệp định EVFTA.

d) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

đ) Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tổ chức hướng dẫn thực thi pháp luật sau khi ban hành.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

a) Tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá, mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, và Quyết định số 58/QĐ-BXD ngày 20/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ.

b) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính tại Bộ; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ.

c) Các cơ sở đào tạo dạy nghề và đào tạo của Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh xây dựng. 

d) Xây dựng và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thi công (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, xuất xứ, bảo vệ môi trường…) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam, và bảo vệ người tiêu dùng.

đ) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ

e) Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp nước ngoài, có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong nước để tận dụng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, triển khai biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp.

g) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật – xây dựng...

h) Tiến hành đánh giá định lượng những tác động của Hiệp định EVFTA đối với các ngành xây dựng để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

4. Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp

a) Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

b) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn để đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn cơ sở; phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoàn thiện Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của  Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, chế xuất”

c) Phối hợp tốt giữa các cơ quan có liên quan để quản lý có hiệu quả sự hình thành, hoạt động của tổ chức người lao động  theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hoạt động không vì mục đích chính trị. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công.

d) Kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ có chức năng quản lý việc thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

5. Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành Xây dựng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng

a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ tại các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 – 2020 theo Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/01/2015 của  Thủ tướng Chính phủ.

b) Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của Ngành; chú trọng nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản lý, quản trị doanh nghiệp.

c) Tiếp tục thực hiện tốt việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là hoàn thành công tác cổ phần hóa Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); thực hiện thoái vốn nhà nước theo đúng quy định tại Quyết định số 908/QĐ/TTg ngày 19/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020”.

d) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng vùng; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 1286/QĐ-BXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)