Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi đến trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, 24/08/2023 17:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo văn bản số 4544/VPCP-QHĐP ngày 20/6/2023 của Văn phòng Chính phủ với nội dung kiến nghị: “Về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Theo quy định tại khoản 5 Điều 61 dự thảo Luật, “người đại diện pháp luật của sàn giao dịch bất động sản xác nhận các giao dịch bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này”. Giấy xác nhận này là cơ sở để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế cho nhà nước, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất. Cử tri đề nghị rà soát lại quy định này với dự thảo Luật Đất đai và pháp luật về công chứng để đảm bảo thống nhất do hiện nay pháp luật về đất đai quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không căn cứ vào giấy xác nhận giao dịch qua sàn; pháp luật về công chứng quy định về việc công chứng các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất và đây được xem là các tài liệu quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo như nộp thuế, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3856/BXD-QLN trả lời như sau:

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, việc quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản được đề xuất trên các cơ sở sau:

- Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết, Văn kiện Đại hội Đảng…; đồng thời để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam.

- Tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.

- Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. 

- Quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán.

- Qua nghiên cứu nhiều nước, giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua sàn bất động sản hoặc các đại lý, tổ chức môi giới.

- Các giao dịch bất động sản hình thành tương lai có nhiều đặc thù, dễ rủi ro cho  khách hàng. Do vậy, cần thiết đưa vào giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, quản lý, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đang phối hợp với các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành để nghiên cứu, dự kiến chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Luật liên quan về sàn giao dịch bất động sản trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Trong đó, các quy định về: nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản, các giao dịch bất động sản thông qua Sàn giao dịch bất động sản; thành lập Sàn giao dịch bất động sản; điều kiện đối với người quản lý, điều hành Sàn giao dịch bất động sản; đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; nội dung hoạt động của Sàn giao dịch bất động sản; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch bất động sản sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để chỉnh lý, quy định phù hợp nhằm hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp, thuận tiện trong hoạt động, cung cấp dịch vụ của các sàn giao dịch bất động sản; đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, người dân như định hướng trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3856/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)