Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3961/BXD-PC ngày 14/8/2020 có ý kiến trả lời như sau:
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp, thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, trong đó, đã giao cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg như: yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị này tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; chỉ đạo nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Chỉ thị trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan… nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân, bao gồm cả doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động đầu tư trong Khu công nghiệp. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
(1) Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng:
- Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã thành lập Bộ phận một cửa, Trung tâm dịch vụ hành chính công để tiếp nhận, hướng dẫn, thực hiện quy trình liên thông giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Hà Nam, tỉnh Sơn La...
- Các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bưu điện để rút ngắn thời gian nộp hồ sơ, nhận kết quả cho tổ chức, cá nhân.
- Việc giải quyết thủ tục hành chính điện tử đã và đang được triển khai thực hiện; nhiều thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ví dụ: thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh; thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa...; thủ tục cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu...
- Các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và triển khai việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên thực tế như: các thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã giảm từ 05 đến 10 ngày; Bộ Công Thương đã rút ngắn thời gian thẩm định thiết kế xây dựng từ 04 đến 05 ngày; nhiều địa phương đã giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, thủ tục kết nối điện, nước từ 30%-50% (ví dụ: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh...).
(2) Về tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính:
- Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BXD ngày 13/02/2018 phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Xây dựng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình; trong đó, đã quy định cụ thể về nguyên tắc, phương thức phối hợp; nội dung phối hợp: trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng có yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, công tác thẩm định dự án thiết kế xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, phối hợp kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, công tác trao đổi, thông tin; đã mang lại hiệu quả, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
- Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xây dựng, phối hợp thực hiện cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan như: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Lai Châu, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bình Định, tỉnh An Giang, tỉnh Bến Tre, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Thuận, thành phố Cần Thơ, tỉnh Gia Lai, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Tiền Giang...
(3) Về tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật:
- Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp khi hoạt động đầu tư trong Khu công nghiệp tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 như: Mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; tích hợp nội dung thẩm định về phòng cháy và chữa cháy vào nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; làm rõ việc thực hiện đồng thời các thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ… trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thẩm định; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác…
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017, trong đó, đã giảm thời gian đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất xuống dưới 20 ngày (trừ thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu là 30 ngày).
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất giảm thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 15-25 ngày so với quy định pháp luật hiện hành tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019; đang đề xuất quy định về dịch vụ giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, xem xét sử dụng kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng khi giải quyết các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (đã trình Chính phủ ban hành).
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, đề xuất lồng ghép thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường) với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng tại dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
- Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 theo hướng hạn chế sự khác nhau về đối tượng công trình, dự án phải thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình, dự án phải thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng (hiện nay, Bộ Công an đã gửi hồ sơ Nghị định trình Chính phủ ban hành).
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, chỉ đạo đối với những phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3961/BXD-PC.