Ngày 26/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp”, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng chủ trì diễn đàn.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà phát biểu tại diễn đàn
Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và Giải pháp” là một trong chuỗi những hoạt động của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024. Tại Diễn đàn, các diễn giả trình bày các kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, công trình dân dụng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho công trình xanh, thực tiễn triển khai ở cấp độ địa phương, tỉnh, thành phố với những bài học kinh nghiệm sinh động của Thành phố Hà Nội... Đây cũng là cơ hội hữu ích để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh trong những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
Công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024 chúng ta đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua cũng không ít khó khăn, thách thức như: công trình xanh mới đang phát triển ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, Bộ Xây dựng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời gian qua với sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư và các bên liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại diễn đàn
Tham dự diễn đàn, thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp” không chỉ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn là nền tảng để thảo luận, xây dựng những giải pháp, sáng kiến đột phá nhằm đưa các chính sách về công trình xanh vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường và chất lượng đời sống xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện thực hóa các chính sách để phát triển bền vững, hướng tới xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị Xanh - Thông minh - Hiện đại.
Sự kiện này cũng là dịp khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội trong việc triển khai các chương trình phát triển xanh, bền vững. Chính sách phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Thông qua diễn đàn, UBND Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô. Hiện nay, Thành phố đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng Xanh - Thông minh - Hiện đại.
Tại diễn đàn, với tham luận “Định hướng xanh - Tương lai của các khu công nghiệp Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư Vương Thị Minh Hiếu nêu bật những ích lợi của khu sinh thái công nghiệp, đó là: thực hiện mục tiêu quản lý năng lượng các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững; thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường; giảm các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội; giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng, hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; tiết kiệm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao; cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; chia sẻ nguyên vật liệu sản xuất; chia sẻ các tiện ích trong khu công nghiệp; tăng chất lượng sống cho cộng đồng; thực hiện kinh tế tuần hoàn trong phạm vi thành phố, địa phương.
Về định hướng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản và hướng dẫn thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan cho khu công nghiệp sinh thái (tái sử dụng chất thải rắn và nước thải, cơ chế lắp đặt và sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp), lồng ghép các giải pháp khu công nghiệp sinh thái, phát triển hạ tầng xanh trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương theo định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các khu công nghiệp để hoàn thành việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới, hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng xanh cho sản xuất công nghiệp.
Đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp thực hiện khu công nghiệp sinh thái; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa việc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái; tăng cường huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, quỹ tài chính khí hậu, các đối tác chuyển đổi năng lượng, ngân hàng thương mại và khu vực tư nhân nhằm thu hút thêm nguồn lực đẩy nhanh hơn quá trình triển khai khu công nghiệp sinh thái, phát triển hạ tầng xanh.
Toàn cảnh diễn đàn
Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày nhiều tham luận, đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại các địa phương, bao gồm từ kế hoạch đến hành động; quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh tại Việt Nam; kinh nghiệm thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua chương trình tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, các diễn giả, đại biểu cũng tích cực tham gia trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng… với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Văn Phú Invest.