Được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, ngày 18/9/2024, tại Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) phối hợp tổ chức hội thảo “Chia sẻ Kinh nghiệm của Nhật Bản và Châu Âu trong xác định định mức năng lượng cho Công trình NET ZERO” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp.
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng quan, chia sẻ các kỹ thuật triển khai nội dung của “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, đồng thời tạo điều kiện để các đại biểu trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các Công trình cân bằng năng lượng, Công trình trung hòa carbon (gọi chung là Công trình NET ZERO), giúp tăng cường năng lực và phát triển cộng đồng thực hành xanh trong ngành Kiến trúc - Xây dựng của Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh cho biết, sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, bao gồm 19 đại diện từ các bộ, ngành, để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị này. Các bộ, ngành đã xây dựng nhiều chiến lược, đề án và chương trình/kế hoạch hành động, như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, và các kế hoạch hành động khác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, ngoại giao, khoa học và công nghệ.
Đối với Bộ Xây dựng, ngày 12/5/2022, Bộ đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD về việc “Phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Kế hoạch này nhắm đến ba đối tượng ưu tiên: Quy hoạch, Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật đô thị; Khai thác và sản xuất vật liệu; Xây dựng và quản lý công trình, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó của ngành Xây dựng với tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, phát triển ngành Xây dựng bền vững góp phần đạt được cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội thảo
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong ngành công nghiệp xây dựng, các chương trình xác định định mức năng lượng là rất cần thiết và góp phần thành lập nên các số liệu tiêu chuẩn để đo lường và so sánh hiệu quả năng lượng giữa các công trình. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa công bố định mức năng lượng cho các loại công trình dân dụng, vì vậy cũng chưa thể có định mức năng lượng cho công trình Net Zero.
Thông qua hội thảo này, Ban tổ chức mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Nhật Bản (ECCJ) và Vương quốc Anh, về việc xác định định mức năng lượng cho các dạng công trình, đặc biệt là các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng hướng tới NET ZERO. Từ đó, các chuyên gia và các nhà quản lý có thể cùng trao đổi và áp dụng vào việc xây dựng các chính sách trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Mở đầu phiên trình bày, TS. Yoshitaka Ushio - Cố vấn cao cấp, Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) đã giới thiệu các phương pháp và kỹ thuật cụ thể, chi tiết về “Xác định định mức cho công trình cân bằng năng lượng ở Nhật Bản”. Theo ông Ushio, cần phải xây dựng định mức năng lượng theo từng thể loại công trình và theo các vùng khí hậu khác nhau để quy định phải áp dụng trong thiết kế công trình hiệu quả năng lượng, sau đó là định mức sử năng lượng cho từng thể loại công trình đã được đưa vào vận hành, không phân chia theo vùng khí hậu. Bên cạnh đó, ngoài việc xác định các giá trị tiêu chuẩn trong phát triển hệ thống định mức, điều không kém phần quan trọng là làm thế nào để triển khai được chúng thông qua các chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.
Trong mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bài tham luận “Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng và tòa nhà, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ThS. Lưu Linh Hương, đại diện Bộ Xây dựng cung cấp số liệu mục tiêu ngành Xây dựng giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2tđ (theo NDC 2020 và NĐ 06/2022/NĐ-CP) từ các quá trình công nghiệp trong sản xuất xi măng và tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp, ngành; thực hiện kế hoạch hành động (bao gồm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành; Triển khai các nhiệm vụ, nghiên cứu, dự án thí điểm; Quản lý, tuyên truyền, tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế) là rất cần thiết để đạt được cam kết này. Dự thảo “Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng” cũng đã được bà Linh Hương giới thiệu trong bài tham luận.
Trong bài tham luận “Hệ thống Điều hòa không khí tiết kiệm điện và vì sức khỏe - giải pháp hướng tới Trung hòa Carbon cho thị trường ASEAN”, Giám đốc cấp cao của Daikin Air Conditioning Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Thanh giới thiệu về dự án nghiên cứu thực nghiệm giải pháp điều hòa không khí, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo tiện nghi nhiệt, sức khỏe của người sử dụng, hướng tới mục tiêu giảm 50-60% mức năng lượng tiêu thụ, đã được áp dụng đối với các tòa nhà ZEB tại Thái Lan và Văn phòng Daikin ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội thảo
Các khảo sát, đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của các thể loại công trình dân dụng từ năm 2008 đến nay do các tổ chức quốc tế, các cơ quan, đơn vị tư vấn thực hiện ở 3 miền của Việt Nam đã được PGS.TS Phạm Thị Hải Hà, đại diện nhóm chuyên gia từ trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã tổng kết trong tham luận “Hiện trạng các nghiên cứu về mức tiêu thụ năng lượng riêng (SEC) cho công trình dân dụng tại Việt Nam”. Đúc kết từ quá trình khảo sát, các chuyên gia cho rằng cần có một nghiên cứu tổng hợp, đánh giá phân tích và kế thừa kết quả từ các dự án được UNDP, USAID, IFC tài trợ để hỗ trợ Bộ Xây dựng ban hành định mức năng lượng tòa nhà và tạo ra căn cứ cụ thể về chính sách để đạt được các mốc trên con đường đạt mục tiêu Net Zero của ngành xây dựng hướng tới Net Zero 2050.
Tham dự hội thảo, thông qua tham luận “Xác định định mức cho Công trình trung hòa carbon ở Vương quốc Anh và Châu Âu”, nhóm chuyên gia của trường Đại học Wolverhampton chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và các nước Châu Âu, nơi có nhiều nỗ lực đóng góp trong thực hiện khung tiêu chuẩn, pháp lý và thực hành công trình Net Zero. Bên cạnh đó, nhóm đồng thời giới thiệu các Khung quy định và tiêu chuẩn tại Vương quốc Anh và EU: Khung hướng dẫn của Hội đồng Công trình Xanh Vương Quốc Anh (UKGBC) để đạt mức phát thải ròng bằng không; Quy chuẩn xây dựng (Phần L) - Tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà xây mới và hiện hữu; Tiêu chuẩn nhà tương lai với mục tiêu giảm 75-80% phát thải carbon vào năm 2025. Các chiến lược để đạt mục tiêu không phát thải cần gắn liền với các biện pháp hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ công trình thông minh, sử dụng vật liệu bền vững và cải tạo nâng cao hiệu suất các công trình hiện hữu.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp tại Hà Nội hoặc thông qua hình thức trực tuyến đã trao đổi các vấn đề phát triển công trình xanh, công trình NET ZERO, tiêu chuẩn vi khí hậu (tiện nghi nhiệt), áp dụng các bài học kinh nghiệm của Nhật Bản và châu Âu cho nghiên cứu định hướng ban hành SEC và định mức năng lượng cho nhà dân dụng tại Việt Nam. Các nội dung trao đổi, thảo luận đều tập trung làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến xác định định mức năng lượng cho Công trình NET ZERO.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Kết thúc hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang cảm ơn các chuyên gia, đại biểu khách mời đã thu xếp thời gian tham dự và chia sẻ nhiều ý kiến quý báu tại hội thảo, đồng thời cho biết Ban tổ chức sẽ nhanh chóng tổng hợp làm tài liệu tham khảo hữu ích giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp hoàn thiện cơ sở pháp lý theo lộ trình phát thải ròng bằng không vào 2050 mà ngành Xây dựng đặt ra.