Hướng dẫn điều chỉnh thẩm tra bổ sung thiết kế PCCC áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD đối với các dự án đang thi công theo thiết kế thẩm tra quy chuẩn cũ

Thứ sáu, 14/04/2023 16:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 14/4/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn 1466/BXD-KHCN gửi Công ty Cổ phần Thiết kế Xây lắp điện Hà Thành về việc hướng dẫn điều chỉnh thẩm tra bổ sung thiết kế PCCC áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD đối với các dự án đang thi công theo thiết kế thẩm tra quy chuẩn cũ.

1. Về điều khoản chuyển tiếp của QCVN 06:2022/BXD

Tại 7.1.1 quy định: “Hồ sơ thiết kế xây dựng đã được góp ý hoặc thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi quy chuẩn này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được góp ý hoặc thẩm duyệt”. Tại 7.1.2 quy định: “Hồ sơ thiết kế xây dựng được góp ý hoặc thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ thời điểm quy chuẩn này có hiệu lực thì phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn này”.

Theo đó, về cơ bản, nếu hồ sơ thiết kế đã được góp ý về PCCC theo QCVN 06:.../BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình phiên bản nào thì áp dụng phiên bản đó. Các trường hợp đề nghị góp ý điều chỉnh hoặc thẩm duyệt điều chỉnh theo QCVN 06:2022/BXD thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn sẽ có các tình huống sau:

a) Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng, đã có văn bản góp ý hoặc thẩm duyệt thiết kế PCCC bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phiên bản quy chuẩn QCVN 06:.../BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình nào thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Trường hợp này, được áp dụng theo phiên bản hiện hành, nếu chủ đầu tư có yêu cầu .

b) Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế PCCC theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (yêu cầu chỉnh thiết kế PCCC này phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) theo phiên bản quy chuẩn QCVN 06:.../BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình nào thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Trường hợp này, khuyến khích áp dụng phiên bản hiện hành, nếu chủ đầu tư đồng ý.

c) Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng, đã có văn bản góp ý thiết kế PCCC bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng khi thẩm duyệt thiết kế PCCC muốn áp dụng QCVN 06:2022/BXD thì cần xem xét cụ thể các thay đổi đó có ảnh hưởng đến hồ sơ thiết kế không, ảnh hưởng đến mức độ nào. Ví dụ thay đổi bậc chịu lửa của nhà dẫn đến thay đổi giải pháp kết cấu từ bê tông cốt thép thành kết cấu thép, dẫn tới thay đổi cả các yêu cầu khác liên quan đến thoát nạn, cấp nước chữa cháy, đường giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách giữa các nhà và công trình... .

d) Đối với công trình không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì cần sử dụng các tài liệu chuẩn để thiết kế và thẩm duyệt theo quy định. Đối với các công trình an ninh, quốc phòng có thể vận dụng áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD.

2. Về ý kiến áp dụng nội dung “Tấm lợp, kể cả tấm lợp có cách nhiệt phải đáp ứng RE15 đối với nhà xưởng áp bậc chịu lửa IV”

Nguyên tắc thiết lập bậc chịu lửa được quy định tại 2.5.3.2 của QCVN 06:2022/BXD: “Bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy được thiết lập phụ thuộc vào số tầng (hoặc chiều cao PCCC của nhà), nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong nhà, công trình, khoang cháy”.

Giới hạn chịu lửa cần thiết của kết cấu xây dựng cũng được quy định tại 2.5.3.2 của QCVN 06:2022/BXD: “Giới hạn chịu lửa cần thiết của kết cấu xây dựng phải được lựa chọn phù hợp với bậc chịu lửa đã chọn của nhà, công trình, khoang cháy. Sự phù hợp giữa bậc chịu lửa của nhà, công trình, khoang cháy với giới hạn chịu lửa của kết cấu xây dựng của chúng được quy định tại Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD. Quy định tại Bảng 4 này đã có từ phiên bản QCVN 06:2010/BXD và đến phiên bản QCVN 06:2022/BXD vẫn không thay đổi.

Theo đó, nếu nhà xưởng đã được xếp vào loại nhà mà phải có bậc chịu lửa IV thì tấm lợp, kể cả tấm lợp có cách nhiệt phải đáp ứng RE 15.

Tuy nhiên, trường hợp mái nêu trong công văn của Công ty thì cần làm rõ các chỉ tiêu yêu cầu sau:

- Về chỉ tiêu R: là chỉ tiêu chỉ dùng cho các cấu kiện có tải trọng tác dụng lên nó ngoài tải trọng bản thân.

Do đó, phải phân loại mái có sử dụngmái không sử dụng. Mái sử dụng là mái được dùng cho nhiều mục đích, ví dụ như sân chơi, đường thoát nạn, khu vực nghỉ ngơi… Mái không sử dụng là mái mà ngoài chức năng bao che thì không được dùng vào mục đích khác ngoài việc phục vụ cho công tác sửa chữa, nếu có, nghĩa là bề mặt của mái không được sử dụng cho mục đích chịu tải trọng. Mái không sử dụng có thể vẫn phải chịu tải trọng từ các hiện tượng tự nhiên như tuyết chẳng hạn (nếu có) và phải được ghi rõ trong hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, TCVN về tải trọng và tác động không quy định có tải trọng này.

Nếu là mái nhà xưởng thuộc loại mái có sử dụng thì trong thiết kế phải có yêu cầu về tải trọng tác dụng lên mái ngoài tải trọng bản thân và tiêu chí R phải được đáp ứng trong 15 phút.

Nếu mái nhà xưởng thuộc loại mái không sử dụng (mà đã được ghi rõ trong hồ sơ thiết kế) nó không phải tuân thủ yêu cầu về R.

- Về chỉ tiêu E: là chỉ tiêu về tính toàn vẹn của mái. Mái nhà xưởng bậc chịu lửa IV có yêu cầu là E 15, tức là tính toàn vẹn sau 15 phút. Trường hợp này, nếu có thực hiện thí nghiệm chứng minh thì trong sơ đồ thử nghiệm chỉ tiêu E sẽ không có tải trọng tác dụng. Ngoài ra, có thể thực hiện tính toán nếu có cơ sở.

- Về chỉ tiêu E nhằm ngăn chặn cháy lan: Mái nhà xưởng bậc chịu lửa từ II, III, IV có yêu cầu là E 15. Trường hợp có yêu cầu thực hiện thí nghiệm chứng minh thì trong sơ đồ thử nghiệm chỉ tiêu E sẽ không có tải trọng tác dụng. Ngoài ra, có thể thực hiện tính toán nếu có cơ sở.

Ngoài ra, các cấu kiện khác (cột, dầm, giàn, xà gồ) phải đáp ứng chỉ tiêu R yêu cầu là R 15 theo QCVN 06:2022. Theo đó, Tại 2.5.5.3 của QCVN 06:2022/BXD cũng đã quy định: Khi giới hạn chịu lửa tối thiểu của các cấu kiện được yêu cầu là R 15 (hoặc RE 15 hoặc REI 15) thì cho phép sử dụng các kết cấu thép không bọc bảo vệ nếu giới hạn chịu lửa của chúng theo kết quả thử nghiệm hoặc theo tính toán đạt từ R8 trở lên, hoặc hệ số tiết diện nhỏ hơn hoặc bằng 250 m-1 và hệ số này được xác định theo ISO 834-10. ISO 834-10 đã được làm cơ sở để biên soạn thành TCVN và đang chờ thủ tục công bố. Do vậy, nếu cấu kiện có các kết quả (theo tính toán hoặc thí nghiệm) đáp ứng R 8 trở lên hoặc có hệ số tiết diện nhỏ hơn hoặc bằng 250 m-1 thì cho phép sử dụng kết cấu thép không cần bọc bảo vệ là đáp ứng yêu cầu.

Những trường hợp đặc biệt như nhà xưởng nằm độc lập cách xa nhau, xa khu dân cư, nhà và công trình khác mà có thể đánh giá loại trừ được khả năng cháy lan, thì có thể xem xét giảm tiêu chí E đối với mái không sử dụng của nhà.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1466/BXD-KHCN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)