Sáng 4/9, Hội thảo với chủ đề “Lấy ý kiến về các nội dung của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Xây dựng, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cùng đại diện một số cơ quan, địa phương liên quan.
Theo báo cáo tại Hội thảo, Luật Kinh doanh BĐS có 5 chương, 80 điều, quy định về hoạt động kinh doanh BĐS; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh BĐS.
Tại buổi Hội thảo, nhiều ý kiến xoay quanh việc xây dựng Luật Kinh doanh BĐS phải phù hợp với thực tế của nền kinh tế hiện nay; quy định rõ BĐS đưa vào KD là đất đai hay quyền SDĐ; đề nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng ngay tại thời điểm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500; trong đó các ý kiến nhấn mạnh vào nội dung bảo lãnh kinh doanh BĐS sẽ tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Xây dựng luật phải căn cứ vào tình hình thực tế trên thế giới cũng như tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam qua từng giai đoạn”. “Để luật được rõ ràng, ban soạn thảo sẽ kết cấu, bố cục lại cho hợp lý, súc tích”, Thứ trưởng cho biết.
Với những ý kiến về việc chuyển nhượng dự án, Thứ trưởng cho rằng: “Doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng nhưng phải kèm theo điều kiện, hay việc chuyển nhượng từng phần của dự án phải phù hợp với điều kiện chung”.
Giải thích việc phải bảo lãnh kinh doanh BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc này chỉ áp dụng cho nhà ở hình thành trong tương lai. “Trường hợp muốn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì mới bắt buộc chủ đầu tư và bên nhận bảo lãnh thoả thuận. Như vậy, dự án Luật không bắt buộc ngân hàng phải bảo lãnh và nếu chủ đầu tư không đủ uy tín, không được ngân hàng bảo lãnh thì phải xây dựng xong mới được bán”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng dẫn chứng, ở Hàn Quốc có hẳn Hiệp hội Các nhà bảo lãnh và mô hình phát triển ở rất nhiều nước trên thế giới.
Theo : Báo Xây dựng điện tử