Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Trong những năm vừa qua, với chính sách đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội đất nước, hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng và quy mô. Tại các địa phương đã hình thành nhiều không gian đô thị mới, đáp ứng những nhu cầu của người dân về một môi trường sống và làm việc hiện đại, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng.Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cảnước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại một số đô thị trung tâm cũng đồng thời tạo nhiều sức ép cho môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội, hình thành những thách thức mới cho công tác quản lý phát triển đô thị. Thực trạng phát triển trong thời gian vừa qua đã cho thấy những thiếu sót lớn còn tồn tại trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các đô thị.
Toàn cảnh hội nghị.
Nghị định 11 cũng lần đầu tiên quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phải thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Đây chính là công cụ cốt lõi để kiểm soát quá trình phát triển đô thị, hạn chế các dự án thực hiện tràn lan không theo nhu cầu và khả năng của nền kinh tế như đã diễn ra trước đây. Chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo kế hoạch do chính mình đề xuất. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ chủ đầu tư (thông qua hoạt động của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị), phối hợp trong công tác quản lý hành chính và an ninh trật tự tại các khu vực dự án.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nghị định 11/2013/NĐ-CP là một sự thay đổi lớn về tư duy quản lý trong lĩnh vực phát triển đô thị, trong đó có quy định về những công việc hoàn toàn mới. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, Bộ Xây dựng hiện đang xây dựng một thông tư hướng dẫn chi tiết cho các nội dung của Nghị định và dự kiến ban hành Thông tư trong tháng tới. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp và hướng dẫn các địa phương cũng như các doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai thực hiện Nghị định này, đảm bảo các quy định của Nghị định thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực cho công tác phát triển đô thị của đất nước”.
Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013. Nghị định này được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng, phù hợp với quan điểm và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của ngành xây dựng. Nghị định 15 ra đời làm rõ hơn về phân loại nguồn vốn đầu tư để có cách thức quản lý khác nhau tránh lãnh phí thất thoát.
Nói về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thứ trưởng Nam cho biết: “Trong 9 năm áp dụng Nghị định 209/2004/NĐ-CP cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng của các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành và UBND cấp tỉnh chưa rõ nét. Yêu cầu và cách thức quản lý các dự án, công trình xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau chưa rõ ràng. Theo số liệu thống kê, hiện nay vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng được điều chỉnh dần theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do quá coi trọng yếu tố thị trường, không phân biệt nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn ngoài nhà nước để có biện pháp quản lý phù hợp nên đã phân giao quá nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư, làm mờ nhạt vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Chính điều này cùng với sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”.
Việc ra đời Nghị định 11 và Nghị định 15 có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Qua đó nâng cao chất lượng công trình xây dựng từ các loại nguồn vốn cũng như giúp công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch bền vững.
Theo : Báo Xây dựng điện tử