1. Vì sao cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải thẩm tra thiết kế xây dựng công trình?
Theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng (sau đây viết tắt là VBQPPL) hiện nay thì công tác kiểm soát thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng hết sức mờ nhạt, đấy là không muốn nói thẳng là không kiểm soát được chặt chẽ. Tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thiết kế cơ sở là thành phần của dự án đầu tư xây dựng chỉ cần có sự tham gia ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước (Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng). Các bước thiết kế tiếp theo thiết kế cơ sở theo (thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) đều do chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt (Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi 38/2009/QH12). Trong khi đó chủ đầu tư theo luật định là “người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình”. Do không có đủ điều kiện để tổ chức thẩm định thiết kế nên chủ đầu tư đã phó thác cho tư vấn thẩm tra thiết kế. Trong số các tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế không có ít tổ chức không có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP nên chất lượng thẩm tra thiết kế không cao, thậm chí mang nặng tính hình thức.
Qua thống kê sự cố các công trình được đầu tư bằng mọi nguồn vốn có thể thấy rằng nguyên nhân về thiết kế chiếm hầu hết các các trường hợp công trình bị hư hỏng hoặc bị sập đổ.
Riêng đối với các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy phạm pháp luật từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, do vậy đã gây nên những sai sót, lãng phí và thất thoát lớn trong chi phí đầu tư xây dựng.
Vì những lý do trên mà Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã quy định việc thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với các công trình được quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này. Mục đích việc thẩm tra thiết kế là nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng đối với các công trình được đầu tư bằng mọi nguồn vốn và phát hiện những sai sót, lãng phí và thất thoát lớn đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Những công trình nào thì chủ đầu tư phải trình cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 thì Chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 5 Điều này tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm tra đối với các công trình sau đây:
a) Nhà chung cư từ cấp III trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên;
b) Công trình công cộng từ cấp III trở lên;
c) Công trình công nghiệp: đường dây tải điện, nhà máy thuỷ điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất Alumin, nhà máy xi măng từ cấp III trở lên; đối với các công trình nhà máy lọc hoá dầu, chế biến khí, các công trình nhà kho và tuyến đường ống dẫn xăng, dầu, khí hoá lỏng, nhà máy sản xuất và kho chứa hoá chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp không phân biệt cấp;
d) Công trình giao thông: cầu, hầm, đường bộ từ cấp III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở lên đối với công trình sử dụng vốn khác; công trình đường sắt, sân bay, bến, ụ nâng tầu, cảng bến đường thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người không phân biệt cấp;
đ) Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm và công trình thủy lợi khác không phân biệt cấp;
e) Công trình hạ tầng kỹ thuật: Từ cấp III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở lên đối với công trình sử dụng vốn khác; riêng các công trình xử lý chất thải rắn độc hại không phân biệt cấp;
Những công trình nêu trên là những công trình nếu chẳng may bị sự cố sẽ gây thảm họa cho cộng đồng. Đặc biệt đối với các công trình nhà máy lọc hoá dầu, chế biến khí, các công trình nhà kho và tuyến đường ống dẫn xăng, dầu, khí hoá lỏng, nhà máy sản xuất và kho chứa hoá chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp; hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm và công trình thủy lợi khác ; các công trình xử lý chất thải rắn độc hại là những công trình tác động đến an toàn của cộng đồng nhiều nhất nên không phân biệt cấp.
Với quy định cụ thể nêu trên thì số lượng công trình mà chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan quản lý về xây dựng để thẩm tra là không nhiều. Bởi vậy. theo tôi các chủ đầu tư và đặc biệt là các Sở Xây dựng, Sở cơ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành không nên quá lo lắng về số lượng công trình buộc phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế.
3. Việc thẩm tra thiết kế của cơ quản lý nhà nước về xây dựng có làm? tăng thêm một khâu “hành chính”, dễ sinh tiêu cực, làm kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ thi công không ?
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chinh phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn thẩm tra một phần hoặc toàn bộ các nội dung trên để làm cơ sở cho việc thẩm định. Kết quả thẩm tra được thể hiện bằng văn bản. Trong thực tế, tuy không bắt buộc nhưng chủ đầu tư nào cũng thuê tư vấn thẩm tra thiết kế cho chắc ăn cho dù công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc sử dụng nguồn vốn khác. Để thực hiện thẩm tra thiết kế thì phải có đủ thời gian cần thiết thì tư vấn thẩm tra thiết kế mới có thể thực hiện được, trừ khi thẩm tra mang tính hình thức.
Theo tôi, công tác thẩm tra thiết kế công trình xây dựng cần được hướng dẫn cho từng loại công trình sử dụng với các nguồn vốn khác nhau, cụ thể là:
a) Đối với công trình không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP : chủ đầu tư tiến hành thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế như quy định tại Điều 18 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.
b) Đối với công trình thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 21 thì cần quy định cho 2 đối tượng công trình:
- Đối tượng công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước : Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải thuê tư vấn thẩm tra thiết kế ( khác với công trình không thuộc đối tượng Khoản 1 Điều 21 là việc thẩm tra thiết kế là không bắt buộc). Chủ đầu tư phải báo cáo kết quả thẩm tra với cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp để quản lý trước khi thẩm định, phê duyệt.
- Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước : Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trực tiếp thẩm tra thiết kế và dự toán. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không đủ điều kiện để thẩm tra thiết kế thì cơ quan này được thuê hoặc chỉ định tổ chức tư vấn, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế.
Như vậy, đối với các đối tượng công trình khác nhau nếu cần thẩm tra thiết kế thì chủ đầu tư hay cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hoặc của tư vấn thẩm tra thiết kế cũng đòi hỏi phải có thời gian. Điều này chứng tỏ việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế không làm tăng thủ tục hoặc kéo dài thời gian, một khi thấy việc thẩm tra thiết kế là cần thiết.
4. Về nội dung thẩm tra thiết kế xây dựng công trình:
Theo tôi, nội dung thẩm tra trong quá trình thẩm định thiết kế công trình xây dựng cũng cần được hướng dẫn cho từng loại công trình sử dụng với các nguồn vốn khác nhau, cụ thể là:
a) Đối với thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình không thuộc đối tượng khoản 1 Điều 21 Nghị định 15/2013/NĐ-CP:
Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với thiết kế cơ sở; sự hợp lý của các giải pháp kết cấu công trình; sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng; đánh giá mức độ an toàn công trình; sự hợp lý của việc lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ đối với công trình có yêu cầu công nghệ; sự tuân thủ các quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu khác.
Trong quá trình thẩm định thiết kế, khi cần thiết chủ đầu tư thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế.
b) Đối với thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình thuộc đối tượng khoản 1 Điều 21 Nghị định 15/2013/NĐ-CP:
- Đối với công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
Năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế so với yêu cầu của Hợp đồng và quy định của pháp luật; sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình; mức độ an toàn chịu lực của công trình và các yêu cầu về an toàn khác.
Tổ chức tư vấn thẩm tra khi được chủ đầu tư thuê phải thẩm tra theo các nội dung trên và các yêu cầu khác của chủ đầu tư.
- Đối với công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
Năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế so với yêu cầu của Hợp đồng và quy định của pháp luật; sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình; mức độ an toàn chịu lực của công trình và các yêu cầu về an toàn khác; sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế hoặc thiết kế cơ sở; sự hợp lý của hồ sơ thiết kế bảo đảm tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư.
Ngoài các nội dung thẩm tra này, trong quá trình thẩm định thiết kế, khi cần thiết chủ đầu tư thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế đối với các phần việc mà mình thực hiện như : thiết kế cấp thoát nước, thiết kế hệ thống kỹ thuật : điện chiếu sang, điện động lực, điều hòa không khí, thiết bị vận chuyển theo phương đứng hoặc thao phương ngang …
5. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có đảm đương được việc thẩm tra thiết kế hay không ?
Theo tôi, tùy theo quy mô và mức độ phức tạp của kết cấu công, các công chức (chuyên viên chính) nào của cơ quan chuyên môn của các Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải đã từng làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế hoặc thiết kế là có đủ trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để thẩm tra các nội dung theo quy định. Biên chế các cơ quan chuyên môn này cũng không tăng như dư luận quan ngại.
Đối với công trình có quy mô lớn hoặc kết cấu công trình phức tạp thì nội dung thẩm tra mức độ an toàn chịu lực của công trình nên giao cho tổ chức tư vấn, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ giới thiệu danh sách các tổ chức tư vấn có đủ năng lực nêu tại trang web của các Bộ, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành để chủ đầu tư có cơ sở lựa chọn theo quy định pháp luật về đấu thầu. Với thực tế thẩm tra thiết kế hiện nay thì chi phí thẩm tra thiết kế không nhiều nên phần lớn chủ đầu tư sẽ thực hiện chỉ định thầu ( Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng). Với cách lựa chọn nhà thầu nêu trên thì không thể phát sinh tiêu cực hoặc tổ chức tư vấn thẩm tra là tổ chức “sân sau” của một số cán bộ thẩm tra như dư luận cảnh báo.
Điều cần lưu ý là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không được trực tiếp chỉ định tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế. Tuy nhiên, Nghị định 15/2013/NĐ-CP cũng cho phép cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được thuê cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế những công trình phức tạp đòi hỏi phải tập trung trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm thiết kế.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chịu trách nhiệm gì về kết quả thẩm tra thiết kế ?
Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã hai lần khẳng định rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm tra thiết kế : khoản 7 Điều 20 quy định “ Người tổ chức thẩm định, thẩm tra và phê duyệt thiết kế phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, phê duyệt thiết kế của mình” và Khoản 3 Điều 21 “ Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm tra thiết kế phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra thiết kế của mình.”
Tóm lại, việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng các công trình quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 15/2013/NĐ-CP hoàn toàn khả thi, không làm bộ máy công chức hành chính nhà nước tăng lên, không làm tăng thủ tục hành chính, không kéo thời gian xin phép xây dựng, không làm phát sinh tiêu cực, không gây nhũng nhiễu. Việc phát hiện những sai sót, lãng phí ngay từ thiết kế sẽ tăng cường chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng.
7. Công trình thay đổi thiết kế hoặc cải tạo, sửa chữa có phải thẩm tra thiết kế không ?
Điều 22 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã quy định về thay đổi thiết kế nhưng chưa quy định về việc thẩm tra thiết kế. Ngoài ra trường hợp hợp công trình cải tạo, sửa chữa cũng chưa được quy định cụ thể.
Theo tôi, văn bản hướng dẫn cần làm rõ 2 trường hợp nêu trên:
a) Thẩm tra lại khi thay đổi thiết kế xây dựng công trình, cụ thể như:
Thiết kế xây dựng công trình khi điều chỉnh thiết kế do thay đổi về: Địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu chính của kết cấu chịu lực chính, biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình thì phải tổ chức phê duyệt lại thiết kế.
b) Đối với các công trình sửa chữa, cải tạo nếu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng và có các nội dung thay đổi như ở điểm b/a nêu trên thì phải thực hiện thẩm tra thiết kế theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP.
Lê Văn Thịnh (Trưởng phòng Giám định 1, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng)