Nhiều điểm mới
Có thể thấy đây là lần đầu tiên trong hoạt động xây dựng, công tác cấp phép xây dựng có Nghị định riêng quy định về GPXD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư khi đi xin GPXD, đẩy nhanh thời gian cấp GPXD, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan, cá nhân trong quá trình giải quyết cấp GPXD, bảo đảm công tác xây dựng đi vào nền nếp, tuân thủ quy hoạch.
So với quy định cấp GPXD trước đây thì quy định mới này có nhiều điểm mới. Điểm nổi bật nhất của Nghị định 64/2012/NĐ-CP là điều kiện để được cấp GPXD đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị là phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, những trường hợp nằm trong quy hoạch 1/500 mới được cấp GPXD. Cùng với đó, hồ sơ xin phép phải có thêm bản vẽ kết cấu công trình.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Hoàng Thọ Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nghị định về cấp GPXD đã quy định rất rõ về những điều kiện để được cấp phép xây dựng với công trình xây dựng. Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư khi xin phép xây dựng. Đẩy nhanh thời gian cấp GPXD, giảm dần số công trình xây dựng không phép hoặc sai phép được cấp. Góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư. Ngoài ra đối với dự án gồm nhiều công trình chủ đầu tư có thể đề nghị để được xem xét cấp GPXD cho một hoặc tất cả các công trình thuộc dự án.
Cũng theo ông Vinh thì, về đối tượng phải có GPXD lần này được quy định cụ thể hơn, theo đó những công trình trong các dự án KĐTM, dự án khu nhà ở đã có quy hoạch chi tiết, kể cả những công trình nằm ngoài đô thị vẫn phải xin cấp phép xây dựng. Về điều kiện để cấp GPXD quy định và hướng dẫn chi tiết các điều kiện quy định tại Điều 65 Luật Xây dựng cho phù hợp với từng loại công trình, vị trí, quy mô, tính chất công trình. Theo đó công trình xây dựng phải phù hợp với mục tiêu đầu tư, mục đích sử dụng đất, đối với công trình xây dựng trong đô thị phải phù hợp với thiết kế đô thị.
Giảm thủ tục hành chính
Trước đây, trường hợp đã được cấp GPXD rồi muốn điều chỉnh thiết kế thì phải xin điều chỉnh GPXD. Tuy nhiên, theo quy định mới thì trường hợp điều chỉnh thiết kế không ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc bề ngoài và không ảnh hưởng đến các yêu cầu khác như: PCCC, thoát hiểm thì không cần thiết phải xin điều chỉnh GPXD. Đặc biệt, nhà ở của người dân điều chỉnh thiết kế mà không ảnh hưởng đến môi trường, PCCC thì có thể điều chỉnh trong nội bộ công trình mà không phải xin giấy phép nữa.
Bà Lê Thị Liên - Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Quá trình thực hiện công tác cấp GPXD thời gian qua đã tồn tại nhiều bất cập, việc ban hành Nghị định 64/2012/NĐ-CP là một việc có ý nghĩa đối với người làm công tác cấp phép nói riêng và quản lý hoạt động xây dựng nói chung. Sau khi có Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64//2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp GPXD, có hiệu lực thi hành từ ngày 06/02/2013, chúng tôi đã tích cực cập nhật và xây dựng phương án để triển khai theo quy định mới.
Một trong những tranh cãi chưa được giải quyết thời gian qua về GPXD tạm thì lần này Nghị định 64/2012/NĐ-CP đã quy định “mở lối” về GPXD tạm. Theo đó, đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì tổ chức, cá nhân được đề nghị xin GPXD tạm thời và phải đúng mục đích sử dụng đất.
Cũng theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng mới đây đã hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp GPXD đã hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định chi tiết, cụ thể việc xem xét các điều kiện để cấp GPXD đối với công trình và nhà ở riêng lẻ. Trong đó, đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 3 tầng trở lên hoặc tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên chỉ yêu cầu có bản vẽ do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thiết kế thực hiện, không yêu cầu phải có báo cáo thẩm định, phê duyệt; Riêng nhà ở có quy mô dưới 3 tầng, dưới 250m2 thì hộ gia đình tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn công trình và công trình lân cận.
Theo : Báo Xây dựng điện tử