Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, với 8 nội dung đổi mới căn bản, Luật Xây dựng 2014 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng với quan điểm là xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách thái quá trong quản lý đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Hoạt động đầu tư xây dựng có vai trò rất quan trọng, trực tiếp tạo ra tài sản cố định cấu thành bộ phận chủ yếu của cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói riêng, cho toàn xã hội nói chung. Những năm vừa qua, đầu tư xã hội của nước ta duy trì ở mức khoảng 30 - 40% GDP, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ sẽ ban hành 6 nghị định bao gồm: Nghị định về quy hoạch xây dựng, Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về quản lý chi phí xây dựng, Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Ý kiến đóng góp của những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng xoay quanh các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và nội dung chủ yếu của các nghị định đã đảm bảo điều chỉnh đầy đủ các vấn đề liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng theo phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng năm 2014 hay chưa? Có cần thiết điều chỉnh, bổ sung những nội dung nào trong dự thảo hay không? Các quy định trong các dự thảo Nghị định đã đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xây dựng năm 2014, giữa các nghị định với nhau và với các quy định tại các luật, nghị định có liên quan đến đầu tư xây dựng (Luật Đất đai, Đầu thầu, Đầu tư công...) hay chưa? Có những điểm nào còn chồng chéo, mâu thuẫn, cần phải sửa đổi, bổ sung...
Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: Thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng; kiểm tra nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng... cũng được dư luận quan tâm. Trong đó có đề cập đến các quy định để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện trong thực tế; vừa đảm bảo thực hiện thống nhất, thông suốt, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, nhưng vẫn đạt được mục tiêu quản lý, kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch xây dựng, chất lượng công trình, chi phí xây dựng, hiệu quả đầu tư, bảo vệ môi môi trường...
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng băn khoăn về mô hình tổ chức và hoạt động của ban quản lý dự án chuyên nghiệp-một nội dung rất mới của Luật Xây dựng 2014; vấn đề cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép; trao đổi làm rõ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng thời gian vừa qua; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; việc phân công, phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa người quyết định đầu tư với chủ đầu tư và ban quản lý dự án; các quy định về quản lý năng lực hoạt động xây dựng; vấn đề xử lý chuyển tiếp giữa các quy định cũ theo Luật Xây dựng 2003 và quy định mới theo Luật Xây dựng 2014 ...
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng mong muốn, các đơn vị, cá nhân tiếp tục tham gia ý kiến để các Nghị định được ban hành đảm bảo chất lượng, tiến độ, có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, thúc đẩy thị trường xây dựng Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Theo : Báo Xây dựng điện tử