Các đại biểu tán thành
Dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 10/4/2014. Đã có 102 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 24 ý kiến ĐBQH phát biểu tại Hội trường về dự thảo Luật.
Sửa đổi, chỉnh lý Chương I của dự thảo, UBTVQH cho rằng, mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng. Đây là quá trình quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình và thực hiện các hoạt động xây dựng cụ thể như: Khảo sát, thiết kế, thi công và giám sát xây dựng; quản lý dự án; bảo hành, bảo trì và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình... Vấn đề này, đa số ý kiến ĐBQH đều tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động đầu tư xây dựng và đề nghị thể hiện cho gọn hơn. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Luật này chỉ điều chỉnh hoạt động xây dựng như là một hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của một số luật khác như Luật Đầu tư, dự án Luật Đầu tư công…
Về việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng (Chương II), đa số ý kiến các vị ĐBQH đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật mà có thể ghép với Luật Quy hoạch đô thị để hình thành một đạo luật mới về quy hoạch xây dựng hoặc chuyển về Luật Quy hoạch đang được soạn thảo. UBTVQH cho rằng, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng.
Chỉnh lý tại Chương III về Dự án đầu tư xây dựng, có ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế của các dự án có thể dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ. Việc này UBTVQH nhận thấy, đây là nội dung rất quan trọng đối với dự án đầu tư xây dựng; là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố quyết định tính khả thi, hiệu quả dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Sửa đổi, chỉnh lý Chương V dự thảo Luật về GPXD, có ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể hơn và đảm bảo tính khả thi đối với điều kiện, hồ sơ cấp GPXD; cân nhắc tên gọi “GPXD tạm” và đổi thành “GPXD có thời hạn” đồng thời đề nghị quy định rõ trường hợp nào không cần GPXD, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về điều kiện cấp giấy phép đối với công trình, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, ngoài đô thị, nông thôn (tại các Điều 91, 92, 93); và GPXD có thời hạn (tại Điều 94). Điều kiện cấp GPXD đối với công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì phải phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành (tại khoản 1 Điều 91).
Bỏ chương về thanh tra, khiếu nại, tố cáo ra khỏi dự thảo
Về lựa chọn nhà thầu (Điều 109) và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài (Điều 148). UBTVQH cho rằng, việc quy định cụ thể các trường hợp lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng là cần thiết, làm cơ sở để Chính phủ quy định tiêu chí, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng có những đặc thù nhất định, một trong những điều kiện tiên quyết là nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với loại dự án, loại, cấp công trình xây dựng và đáp ứng được yêu cầu của công việc, gói thầu. Do đó, việc bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu trong dự thảo Luật là phù hợp, thống nhất với Luật Đấu thầu năm 2013. Vì vậy, qua cân nhắc một cách kỹ lưỡng cùng với tham vấn ý kiến chuyên gia, UBTVQH đề nghị bổ sung nội dung này như tại Điều 109 của dự thảo Luật.
Đối với việc thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, có ý kiến ĐBQH đề nghị các quy định về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm nếu không có đặc thù riêng so với pháp luật có liên quan thì không cần thiết quy định thành một Chương trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát lược bỏ Chương về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm. Đồng thời chỉnh sửa, rút gọn các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm có yếu tố đặc thù trong hoạt động đầu tư xây dựng vào Điều 165 của dự thảo Luật để thống nhất với pháp luật có liên quan.
Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thì trong dự thảo Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng (sửa đổi) cùng có quy định về việc phân loại dự án. Theo đó, tiêu chí phân loại dự án theo ngành, lĩnh vực đối với các dự án quy mô nhóm A, B, C trong dự thảo Luật Đầu tư công một mặt chưa bao quát được hết các ngành, loại hình hoạt động thuộc lĩnh vực đầu tư công, nhưng mặt khác lại có những ngành, loại hình hoạt động không phù hợp với lĩnh vực này theo như quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị việc phân loại dự án nên thống nhất với Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định việc phân loại dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở một số tiêu chí về quy mô, tính chất, loại công trình xây dựng và nguồn vốn sử dụng. Do tính chất đa dạng về quy mô, loại hình của các công trình xây dựng và mức độ phức tạp trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng quy định 183 loại công trình xây dựng cụ thể với yêu cầu khác nhau về mức độ bền vững, tuổi thọ, bậc chịu lửa của công trình…) nên đề xuất với Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.
Dự kiến, Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6.
Theo : Báo Xây dựng điện tử