Dự hội thảo có ngài Hirofumi HanaoKa, Phó Cục trưởng Bộ đất đai, hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản; đại diện Ủy ban phát triển thành phố sinh thái Nhật Bản; bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, có các ông Phạm Văn Vọng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; và một số sở, ngành, lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên cùng 39 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và một số doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Vọng thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, nhấn mạnh sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 120 dự án FDI, trong đó Nhật Bản là nước đứng thứ 2 trong tổng số các dự án đầu tư. Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là một số Công ty: Công ty Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Nissin Việt Nam… Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản trên địa bàn cũng được triển khai xây dựng nhanh và hoạt động đúng tiến độ. Phần lớn, các dự án hoạt động hiệu quả, đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trưởng của tỉnh trong những năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, an toàn giao thông, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam. Với phương châm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, mục tiêu của tỉnh là “ Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 50 của thế kỷ XXI”Với quan điểm “các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc; doanh nghiệp giàu thì tỉnh Vĩnh Phúc giàu”, đồng chí hoan nghênh các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư và xây dựng thành công dự án thành phố sinh thái tại Vĩnh Phúc trong thời gian sớm nhất.
Bà Đỗ Tú Lan cho biết để nhằm giảm áp lực phát triển cho 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các khu vực xung quanh phát triển. Tại khu vực Hà Nội sẽ phát triển lên Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh phát triển sang tỉnh Bình Dương. Để thực hiện tốt dự án, trên cơ sở công bố quy hoạch chung Vĩnh Phúc cần có quy hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thực hiện dự án hiệu quả.
Theo ngài Hirofumi HanaoKa, Nhật Bản đang có chủ trương phát triển các dự án đô thị sinh thái ngoài nước, trong đó có Việt Nam. Bộ đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản phối hợp cùng Bộ Xây dựng Việt Nam khảo sát, lựa chọn địa điểm và lập Quy hoạch cho dự án phát triển thành phố sinh thái tại Vĩnh Phúc. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản cần được tham quan, tìm hiểu kỹ về vùng đất sẽ được đầu tư. Quan điểm của ngài cho rằng, mấu chốt trong phát triển đô thị đó là xây dựng thành phố an toàn và ý tưởng về thành phố sinh thái là sự phát triển bền vững. Ngài Hirofumi HanaoKa cần những thông tin trong quy hoạch xây dựng thành phố sinh thái mấu chốt đối với Vĩnh Phúc là giải quyết vấn đề lũ lụt và xây dựng giao thông đô thị và giao thông công cộng. Trên cơ sở đó thống nhất đi đến hợp tác thực hiện thành công dự án xây dựng thành phố sinh thái trong tương lai. Đồng thời, phía Nhật Bản còn truyền đạt kinh nghiệm xây dựng thành phố sinh thái, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển đô thị bền vững.
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Xây dựng đã trình bày Quy hoạch Dự án thành phố sinh thái tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó khái quát về tổng quan về tỉnh; quy hoạch xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các địa điểm dự kiến xây dựng đô thị sinh thái và các điều kiện, chính sách thu hút đầu tư và chảu trương xây dựng thành phố sinh thái. Trong đó, tỉnh dự kiến xây dựng đô thị Vĩnh Phúc là khu vực Nam Vĩnh Yên (2.900 ha thuộc thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên và Yên Lạc) và khu vực Namhồ Đại Lải (3.200 ha thuộc thị xã Phúc Yên và huyện Bình Xuyên). Đây là những địa điểm có nhiều thuận lợi, nhiều dự án đô thị đang được triển khai, giao thông thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm,… Tỉnh khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các đô thị sinh thái theo mô hình Eco2City, đô thị xanh, đô thị môi trường; ưu đãi cho các công ty giảm thiểu phát, thải cacbon theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đầu tư của Việt Nam,…
Kết thúc buổi hội thảo, đoàn công tác của Bộ đất đai, hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản đi thăm địa điểm xây dựng đô thị sinh thái tỉnh Vĩnh Phúc ở Nam Vĩnh Yên và Nam Đại Lải.
Theo : Báo Xây dựng điện tử