Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shinoda Takanobu; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; đại diện doanh nghiệp và chuyên gia các tổ chức trong nước, quốc tế.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới nhiều điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản, nhằm thu thập các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương để phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, với sự phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh, các đô thị đã khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội, cơ cấu lao động. Trong đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển đô thị. Sử dụng, khai thác không gian ngầm một cách hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý các công trình ngầm sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, phục vụ phát triển kinh tế của các đô thị.
Quang cảnh hội thảo
Ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra mục tiêu “Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”.
Căn cứ theo các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý cho quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị, làm nền tảng cho công tác quản lý phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Đến nay, qua quá trình nghiên cứu thực tiễn, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị, Bộ Xây dựng đang tiến hành nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong dự thảo Luật có 2 nội dung quan trọng - quy định chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và quy định chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ Xây dựng rất mong muốn nhận được các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như kinh nghiệm quốc tế về 2 nội dung này, làm cơ sở để Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách trong dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị.
Ông Shinoda Takanobu - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shinoda Takanobu đánh giá, phát triển đô thị ở Việt Nam góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, tạo việc làm mới và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, sự tập trung quá mức ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khiến dễ nảy sinh các vấn đề xã hội như môi trường sống suy giảm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, rủi ro thiên tai. Một trong những giải pháp cho các vấn đề này là sử dụng không gian ngầm an toàn và hiệu quả.
Ông Shinoda Takanobu cho biết, tại Nhật Bản, việc sử dụng không gian ngầm được ban hành riêng lẻ trong từng luật như Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Đường bộ, đồng thời có nhiều hệ thống khác nhau tham gia vào việc đảm bảo an toàn cho không gian ngầm. Nhận định hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý liên quan đến sử dụng và quản lý không gian ngầm, ông Shinoda Takanobu cho rằng ngoài chính sách sử dụng không gian ngầm, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng các luật liên quan đến quản lý và vận hành công trình ngầm, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển có hệ thống, tích hợp không gian trên mặt đất và dưới lòng đất.
Tham dự hội thảo, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nêu ý kiến: trước hết, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch; ban hành các văn bản về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, thi công, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng các quy định về cơ chế tài chính để tạo kinh phí duy trì, duy tu vận hành, đặc biệt với các khu vực không gian ngầm công cộng. Mặt khác, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm; cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm.
Các chuyên gia góp ý tại hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho Bộ Xây dựng: cần thiết nghiên cứu đánh giá trữ lượng không gian ngầm của đô thị; chú trọng công tác quy hoạch, khảo sát, thăm dò, thiết kế, thẩm định công trình ngầm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng công trình ngầm; quan tâm hơn đến ứng phó biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị.
Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cảm ơn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã luôn quan tâm, đồng hành cùng Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng chính sách về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói riêng và lĩnh vực xây dựng nói chung, đồng thời cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo này để nghiên cứu và sớm hoàn thiện dự thảo Luật theo kế hoạch đã đề ra.