Ngày 16/9/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tóm tắt Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực Đông Nam Á; đầu mối giao lưu quốc tế.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn thành phố cũng không ngừng gia tăng, ước tính hiện nay là khoảng 9.000 - 9.500 tấn/ngày, trong đó CTR sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày, CTR xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày. Tỷ lệ gia tăng lượng CTR sinh hoạt khoảng 5-6%/năm. Lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, ước tính hiện nay khoảng 150.000 tấn/năm (trung bình 350 - 400 tấn/ngày) trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn/năm (trung bình 17 tấn/ngày).
Tuy nhiên, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể xử lý CTR, trong đó xác định rõ quy mô, vị trí các cơ sở xử lý CTR trên địa bàn thành phố cũng như chưa xác định lộ trình đầu tư xây dựng, áp dụng công nghệ tiên tiến và thích hợp với từng giai đoạn, trong bối cảnh lượng CTR gia tăng và các tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, để đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững, vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn, sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có, việc xây dựng một chiến lược lâu dài để phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý CTR, việc xây dựng Quy hoạch xử lý CTR trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là đặc biệt cần thiết.
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp của quy hoạch theo ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với diện tích 2.095,6km2, được giới hạn như sau: phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai; phía Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Tiền Giang. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp của quy hoạch bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích khoảng 30.404 nghìn km2.
Đối tượng nghiên cứu quy hoạch bao gồm: CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp; CTR y tế; CTR xây dựng; bùn thải từ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, bùn thải từ nhà máy nước và phân bùn bể tự hoại (chất thải phóng xạ là loại đặc biệt nguy hại, cần được nghiên cứu riêng và không phải là đối tượng quy hoạch của Đồ án này).
Mục tiêu của quy hoạch nhằm đề xuất giải pháp giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; đề xuất mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo phục vụ địa bàn mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của thành phố theo từng giai đoạn; đề xuất các công nghệ tiên tiến xử lý CTR, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR của thành phố hiện nay; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp CTR, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững đô thị.
Theo Đồ án, đến năm 2025, các loại CTR sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng và bùn thải trên địa bàn thành phố sẽ được tổ chức thu gom riêng, có phân loại tại nguồn đối với các loại chất thải có khả năng phân loại. Về vận chuyển và trung chuyển CTR, tiến hành giảm thiểu số lượng điểm tập kết bằng cách tăng cường phương án thu gom dọc tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong bán kính đi bộ của các hộ dân, từng bước đơn giản hóa quy trình thu gom, bắt buộc áp dụng đối với các dự án nhà ở xây dựng mới và có lộ trình để thực hiện trong các khu dân cư hiện hữu. Bố trí trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn theo 2 cấp (quận, huyện và khu vực). Tổng số trạm trung chuyển cấp khu vực giai đoạn đến năm 2025 là 13 trạm, giai đoạn đến năm 2050 là 15 trạm.
Về tái chế và xử lý CTR, theo đồ án, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, lượng CTR sinh hoạt được tái chế hoặc áp dụng các biện pháp xử lý (chế biến phân compost, đốt thu hồi năng lượng) đạt tỷ lệ 80-90%, lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp không qua khâu xử lý khác là 20-10%; lượng CTR xây dựng được tái chế có thể đạt được 90% khối lượng thu gom (năm 2025) và 95% khối lượng thu gom vào năm 2050... Bên cạnh đó, Đồ án cũng quy định những nội dung về đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra giải pháp, kế hoạch và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất với lý do, sự cần thiết lập Đồ án quy hoạch, đồng thời đánh giá cao tâm huyết, công sức và sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo Hội đồng nhận xét, thuyết minh Đồ án có nội dung phong phú, đa dạng về thông tin và số liệu, đã nêu được bức tranh hiện trạng về công tác quản lý CTR của Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra được đánh giá và dự báo có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Chủ tịch Hội đồng kết luận hội nghị
Để nâng cao hơn nữa chất lượng thuyết minh Đồ án, Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể: nhóm nghiên cứu cần rà soát cơ sở pháp lý, loại bỏ những văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật các quy định pháp luật mới được ban hành; bổ sung các thông tin dự báo đến mốc thời gian năm 2040 và đảm bảo sự đồng bộ, cập nhật những nội dung có liên quan tại Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ và Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai lập Đồ án); đánh giá kỹ hơn hiện trạng, khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của các bãi chôn lấp, các điểm tập kết, trung chuyển CTR; bổ sung số liệu, tỷ lệ xử lý CTR theo các loại công nghệ phổ biến đang được áp dụng trên địa bàn thành phố; phân tích rõ hơn yêu cầu công tác quản lý CTR ở Thành phố Hồ Chí Minh; quan tâm xử lý CTR nông nghiệp; làm rõ hơn thứ tự các dự án ưu tiên triển khai và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Mai Thị Liên Hương tổng hợp các ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, bổ sung một số ý kiến chuyên môn và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện báo cáo thuyết minh Đồ án, dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.