Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, Hà Nội chủ trương xã hội hóa, kêu gọi 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án (11 dự án phát triển nguồn cấp nước, 29 dự án phát triển mạng cấp nước). Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch đạt 78% (tăng 40,8% so với tháng 6-2016). Đây là nỗ lực lớn của UBND thành phố, các sở, ngành, nhà đầu tư. Song, tiến độ phủ mạng nước sạch nông thôn chưa đạt yêu cầu, cần đẩy nhanh để người dân được sử dụng nước sạch.
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh thi công đường ống nước sạch trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Thanh Mai
Vẫn “khát” nước sạch
Là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố 20km, đến nay, toàn huyện Chương Mỹ mới có 32% hộ dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, nguồn nước sạch cấp cho các hộ đến từ 15 trạm cấp nước tập trung, được xây dựng trong giai đoạn 1998-2015. Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận, thời gian hoàn thành trong năm 2017, song đã quá 3 năm, dự án vẫn dở dang.
Không chỉ tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch thấp, chất lượng nước sạch ở một số nơi cũng chưa bảo đảm. Là hộ dân đang sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước cục bộ, ông Trịnh Hữu Hạ, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho hay, trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng 10-25m3 nước, song chất lượng nước không bảo đảm… Để dùng nước ăn, uống, các hộ phải đầu tư thêm hệ thống lọc.
Tại huyện Ba Vì, Trưởng phòng Quản lý đô thị Nguyễn Văn Tùng thông tin, mặc dù đã có tới 89,95% dân số được sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước: Ba Vì, Phong Vân, Sơn Tây và một số trạm cấp nước nông thôn nhỏ lẻ, nhưng đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn 3 xã miền núi (Minh Quang, Ba Vì, Khánh Thượng) và xã Minh Châu nằm giữa bãi sông Hồng, người dân chưa được sử dụng nước sạch. Tương tự, tại huyện Hoài Đức, nhiều hộ dân vùng bãi sông Đáy thuộc các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế cũng đang mòn mỏi chờ đợi đường ống cấp nước sạch.
Đánh giá về công tác phủ mạng cấp nước sạch về nông thôn, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, thời điểm tháng 6-2016 chỉ có 37,2% số hộ dân nông thôn có nước sạch, đến nay tăng lên 78%. Trong đó, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh… có tỷ lệ phủ mạng cao. Ngược lại, một số huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp, như: Chương Mỹ (32%), Ứng Hòa (38%), Mỹ Đức (40%), Thường Tín (45%)…
Sớm tháo gỡ khó khăn
Theo ông Lê Văn Du, nguyên nhân khiến người dân ở một số địa phương trên địa bàn Thủ đô chưa được dùng nước sạch là do có 4/11 dự án phát triển nguồn nước chậm tiến độ. Đáng nói, các dự án phát triển nguồn nước chậm triển khai kéo theo 10/29 dự án phát triển mạng cấp nước cũng không thể đưa vào vận hành. Chưa kể, với các dự án đã đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước thấp, tiền nước thu được không đủ bù đắp chi phí đầu tư, quản lý vận hành, khấu hao... cho nhà đầu tư.
Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam (đơn vị thực hiện Dự án xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 16 xã của huyện Quốc Oai, 10 xã của huyện Thạch Thất) Vũ Kim Hà cho biết: “Công ty đầu tư gần 40 tỷ đồng làm 40km đường ống mạng cấp nước cho xã Phú Cát (huyện Quốc Oai), song sau 5 tháng cấp nước ổn định, mới có 101 hộ đăng ký lắp đồng hồ”.
Về giải pháp cấp nước cho 4 xã miền núi và ngoài bãi sông Hồng, huyện Ba Vì đề xuất UBND thành phố xem xét, cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt đường ống chính cấp nước để bảo đảm hết năm 2021, toàn huyện có 100% hộ dân được cấp nước sạch. Còn tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Hiến cho biết, huyện đã đề xuất UBND thành phố đôn đốc nhà đầu tư - Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai - đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cấp nước sạch cho 8 xã nhằm cấp nước cho gần 50% hộ dân trên địa bàn huyện.
Để mở rộng phủ mạng nước sạch nông thôn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin, Sở Xây dựng đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố yêu cầu UBND các huyện, thị xã tiếp tục vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch, bảo đảm sức khỏe cộng đồng; tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư về mặt bằng; kiểm tra chất lượng và tuyên truyền người dân ngừng sử dụng giếng khoan.
“Cùng với việc yêu cầu các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các sở, ngành đã báo cáo UBND thành phố điều chỉnh giá nước, đề xuất cơ chế trợ giá phù hợp cho khu vực nông thôn... Đối với những dự án triển khai chậm hoặc không thực hiện, liên ngành đề xuất thu hồi, chuyển đổi nhà đầu tư”, ông Hoàng Cao Thắng cho biết.