Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, thành phố Hà Nội xác định có hơn 117 cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời khỏi nội đô. Quỹ đất sẽ được tái thiết để kiến tạo những giá trị mới, trong đó, thiết kế không gian sáng tạo phục vụ lợi ích cộng đồng trong khu vực là một giải pháp được thành phố hướng đến.
Không gian sáng tạo 60s Thổ Quan, quận Đống Đa (hình thành trên quỹ đất của Công ty Công trình bưu điện) - điểm thể nghiệm ưa thích của giới trẻ Thủ đô, là một mô hình tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở cải tạo các công trình công nghiệp.
Thêm không gian phục vụ cộng đồng
Nằm trên tuyến đường đông đúc thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (số 235, Nguyễn Trãi) là một trong 117 cơ sở thuộc danh sách phải di dời khỏi nội đô, do hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh. Đến nay, nhà máy cơ bản đã hoàn thành công tác này, chính thức sản xuất tại cơ sở mới. Phần diện tích của nhà máy để lại sẽ sớm được đưa vào khai thác để phục vụ cộng đồng. Việc làm sao để phát huy tối đa hiệu quả của khu đất, vì chất lượng đời sống nhân dân trong khu vực, là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bà Lê Thị Lý, phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) mong muốn, nơi đây sẽ trở thành một không gian xanh cho người dân đi bộ, rèn luyện sức khỏe hoặc được đầu tư những tiện ích phục vụ phát triển văn hóa, đời sống cộng đồng. Còn theo ông Nguyễn Văn Trác, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, địa điểm này nằm trên trục đường lớn, giao thông thuận tiện, phù hợp để phát triển các công trình văn hóa, nghệ thuật sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Cũng nằm trong diện phải di dời khỏi nội đô, Nhà máy Bia Hà Nội (số 183 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) thuộc Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội đang gấp rút di chuyển hoạt động sản xuất sang địa điểm mới. Giám đốc Nhà máy Bia Hà Nội Võ Long Bình cho hay, theo Quy hoạch chung của thành phố, nhà máy cần di chuyển, nhường diện tích để hình thành không gian tiện ích phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, bên cạnh nhiệm vụ đẩy nhanh công tác di dời, việc khai thác hiệu quả quỹ đất dôi dư cũng được đặt ra. Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho rằng, chủ trương hình thành thêm nhiều công trình tiện ích công cộng của thành phố là rất phù hợp trong thời điểm diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, bình quân mỗi người dân Thủ đô chỉ có 3m2. Tuy nhiên, do cách thức thực hiện chưa hợp lý, nên việc chuyển đổi quỹ đất bám sát mục tiêu chưa nhiều; hiệu quả sử dụng, khai thác chưa cao. Còn Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Trương Ngọc Lân bày tỏ lo lắng, nếu tính toán không kỹ lưỡng, một số cơ sở sản xuất chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc sẽ “biến mất” một cách lãng phí.
Khai thác giá trị mới từ giải pháp sáng tạo
Trước thực tế này, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, nhằm huy động các sáng kiến, giải pháp xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo, văn hóa trên địa bàn thành phố. Một trong những đề bài được đưa ra là tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở cải tạo các công trình công nghiệp (nhà máy, cơ sở sản xuất thủ công, nhà kho...) trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng.
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn, tùy vào hiện trạng kiến trúc, giá trị di sản, giá trị bất động sản, cuộc thi yêu cầu người dự thi đề xuất giải pháp, kịch bản chuyển đổi các cơ sở thành không gian sáng tạo, theo 3 mức độ can thiệp từ cộng sinh, hồi sinh đến tái sinh. Ban tổ chức cũng đưa ra danh sách gợi ý các cơ sở thực hiện chuyển đổi, như: Nhà máy Thuốc lá Thăng Long; Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... và cung cấp tài liệu cần thiết liên quan.
Nhận xét về cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn cho rằng, không gian sáng tạo có khả năng tái tạo đô thị, là giải pháp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa. Từ đây, những cơ sở sản xuất cũ sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị, đem lại nguồn lợi nhiều mặt, đáp ứng nhu cầu cộng đồng…
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, bên cạnh việc tạo một sân chơi bổ ích và thú vị, cuộc thi còn góp phần truyền cảm hứng, tìm ra những giá trị mới, khởi đầu mới cho phát triển không gian sáng tạo trong cộng đồng, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo nói riêng, thương hiệu Thành phố sáng tạo của Thủ đô nói chung. Cuộc thi sẽ kéo dài đến giữa năm 2021; những sáng kiến, giải pháp độc đáo, hiệu quả sẽ được thành phố cân nhắc, hiện thực hóa trong thời gian tới.