Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải ở nước ta chủ yếu là chôn lấp với khoảng 450 bãi chôn lấp. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn được chôn lấp không hợp vệ sinh chiếm số lượng lớn, khoảng 85%. Cả nước hiện có 16 khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã đi vào hoạt động, mỗi khu liên hợp đều áp dụng nhiều công nghệ xử lý rác thải khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ xử lý hiện đại đã tạo ra không ít khó khăn trong việc duy trì chi phí bảo dưỡng cũng như đội ngũ quản lý, vận hành.
Xuất phát từ nhận định nếu sử dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải thì chi phí vận hành là rất đắt, trong khi Việt Nam chỉ mới gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, Thứ trưởng Cao Lai Quang cho rằng: “Chúng ta cũng cần áp dụng công nghệ có giá trị tốt, song có giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo nêu ý kiến một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn… vẫn có những chồng chéo, chưa phân định rạch ròi giữa các bộ, ngành. Chẳng hạn, trong việc quản lý chất thải rắn ở các khu công nghiệp, chúng ta chưa phân công rõ ràng chức năng quản lý giữa Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương và Ban quản lý khu công nghiệp; hoặc đối với các làng nghề, chưa có sự phân công rõ ràng chức năng quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công thương…
Ông Joseph Gadek - chuyên gia cao cấp về vệ sinh của Ngân hàng Thế giới: “Tôi tin Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi Chiến lược thống nhất về vệ sinh môi trường đi vào thực tế”
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên xây dựng những chỉ tiêu quá cao về môi trường, vì như thế sẽ rất khó khăn trong thực hiện. Thay vào đó, chúng ta yêu cầu các tỉnh xây dựng và thực hiện những chỉ tiêu đó một cách tốt nhất có thể để có lộ trình tiến tới thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn. Nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án về môi trường sẽ do Ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, nguồn chi phí duy tu, bảo dưỡng về lâu dài sẽ do người dân đóng phí.
Dự thảo Chiến lược đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về vệ sinh môi trường do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan. Văn phòng Ban chỉ đạo đặt tại Bộ Xây dựng với một số cán bộ chuyên trách.
Ông Joseph Gadek, chuyên gia cao cấp về vệ sinh của Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ rằng: “Chúng tôi cũng như các nhà tài trợ khác như ADB, JAICA đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều dự án về môi trường vì đây là lĩnh vực chúng tôi đặc biệt quan tâm. Tôi tin rằng, Chiến lược này sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không chỉ riêng lĩnh vực môi trường mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa”.
Theo : Báo Xây dựng điện tử