Theo các chuyên gia, từ trước đến nay, hầu hết việc thi công các công trình ngầm, nhất là các công trình trong lĩnh vực cấp thoát nước đều được thực hiện bằng kỹ thuật đào hở. Phương pháp này ảnh hưởng nhiều đến các công trình ngầm khác trong quá trình thi công, dễ gây ra lún sụp mặt đường trong và sau khi thi công, chiếm dụng mặt đường lớn gây ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực, gây kẹt xe, phát sinh nhiều tiếng ồn, khói và bụi, thời gian kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến khiến nguồn vốn bị kích lên gấp hai, ba lần…
Với công nghệ khoan kích ống ngầm, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM cho rằng việc thi công khoan ngầm trong lòng đất, những công trình chống ngập, cấp thoát nước sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng. Ưu điểm của công nghệ này là kích đẩy bằng định vị điều khiển tự động, loại bỏ công đoạn đào đất và tái lập tốn thời gian và chi phí, không cần phải chặn đường hoặc thay đổi hướng giao thông quanh khu vực thi công…
Ngoài ra, công nghệ này còn áp dụng hiệu quả đối với nhiều loại công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như: đường ống cấp nước, đường cống thoát nước, đường ống cấp gas, đường ống điện, cáp quang…
Ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thế giới vào sản xuất và thi công xây dựng ở nước ta đang là một trong những ưu tiên hàng đầu. Công nghệ khoan kích ống ngầm là một công nghệ hiện đại, được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng bởi nhiều ưu điểm.
Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM đã tổ chức thi công thành công bằng công nghệ khoan kích ống ngầm nhiều tuyến cấp, thoát nước như tuyến thoát nước dọc sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến cấp nước qua sông Sài Gòn, thi công tuyến cống D3000 qua sông Sài Gòn… Hiện Bộ Xây dựng đang tiến hành so sánh, đánh giá hoàn thành các tiêu chuẩn cần thiết để đưa công nghệ khoan kích ống ngầm vào ứng dụng trong công trình ngầm tại các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Theo : Báo Người Lao Động