Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt tại 765 đô thị (28 triệu dân) ước khoảng 31.000 tấn/ngày và lượng chất thải thu gom khoảng 25.750 tấn/ngày (đạt 83,5%).
Khu vực nông thôn, với khoảng 60 triệu dân, lượng rác thải phát sinh khoảng 30.500 tấn/ngày, lượng rác thu gom chỉ đạt 20-30% ở khu vực làng, xã và 50-60% khu vực thị trấn, thị tứ.
Công tác quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn thời gian qua đạt được một số kết quả, tỷ lệ thu gom đạt chỉ tiêu đề ra (83-83,5%) nhưng nhìn chung, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Rác thải tiếp tục là vấn đề “nóng”, cấp bách ở các đô thị cũng như nông thôn, phần lớn chất thải rắn được thu gom, xử lý bằng biện pháp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn.
Biện pháp xử lý chất thải rắn chủ yếu tập trung vào 3 loại hình công nghệ là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Trong đó, chôn lấp là phổ biến với 458 bãi chôn lấp quy mô trên 1 ha, tuy nhiên, chỉ có 121 bãi chôn lấp trong số này được đánh giá hợp vệ sinh.
Ngoài ra, có 22 nhà máy xử lý rác thải đã được đầu tư xây dựng, đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 4.000 tấn/ngày với sản phẩm chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và khoảng 25 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn đang chuẩn bị đầu tư, xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 8.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải thời gian qua chưa cao, một số nhà máy không hoạt động hết công suất. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy sử dụng công nghệ nước ngoài không phù hợp với đặc điểm rác thải của Việt Nam là chưa được phân loại tại nguồn. Một số nhà máy khác sử dụng công nghệ trong nước thì dây chuyền công nghệ chưa hoàn thiện, đồng bộ dẫn đến chi phí vận hành, bảo dưỡng cao, sản phẩm tái chế của các cơ sở xử lý chất thải rắn chất lượng thấp, gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Chủ trương thực hiện xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, dẫn tới việc đầu tư, tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Do đó, nhiều địa phương đang tiếp tục đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn hoặc bãi chôn lấp với tổng đầu tư dự kiến khoảng 21.000 tỷ đồng.
Lựa chọn dự án thí điểm được ưu đãi đầu tư
Trước tình hình ngày càng cấp thiết trong thu gom, xử lý hợp vệ sinh lượng chất thải rắn sinh hoạt của người dân cũng như nhưng khó khăn trong việc đầu tư các dự án phù hợp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm xây dựng, hoàn thiện danh sách một số dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn với những ưu đãi, cơ chế khuyến khích phù hợp để tạo bước đột phá trong triển khai Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn đến năm 2020.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Xây dựng lựa chọn các dự án thí điểm đảm bảo các tiêu chí cần thiết về quy mô, công nghệ, khả năng tái chế, tái sử dụng cao, tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định.
Dựa trên danh mục này, các bộ, ngành hữu quan sẽ xem xét các cơ chế ưu đãi về vay vốn tín dụng, mức lãi suất, hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất,…
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn. Hiện mới có 26/63 tỉnh, thành hoàn thành việc phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Các cơ quan chuyên môn cũng cần tiến hành đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam để xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ phù hợp. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung vào việc phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển rác thải,…
Theo : chinhphu.vn