Tính đến thời điểm này, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước là một trong những khu xử lý rác hiện đại nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 150 triệu USD. Trong giai đoạn I, bãi chôn lấp hợp vệ sinh có diện tích khoảng 30,6 ha mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 3.000 tấn rác/10.000 tấn công suất thiết kế theo công nghệ tiên tiến nhất của Hoa Kỳ, do Công ty TNHH xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Khu xử lý được đầu tư với công nghệ tiên tiến, khép kín với trạm cân, Nhà máy tái chế, Nhà máy chế biến phân compost, Nhà máy xử lý nước thải và nước rỉ rác, Nhà máy cấp nước, hệ thống rửa xe, xử lý khí gas bãi chôn lấp, xưởng sửa chữa và bảo trì thiết bị...
Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau 7 năm hoạt động, dự án đã tiếp nhận và xử lý khoảng 7 triệu tấn rác cho TPHCM, kết hợp với sản xuất điện năng, chế biến phân compost và tái chế chất thải. Công nghệ xử lý được đánh giá là khép kín, không phát tán ra môi trường xung quanh và thu được các sản phẩm tái sinh, tái chế, chi phí thấp và không yêu cầu nhiều lao động trình độ cao. Điều đặc biệt, Khu liên hợp được tạo dựng, phủ kín bởi những dãy cây xanh, vườn hoa, cây cảnh... không khác gì những công viên.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham quan mô hình Khu liên hợp Đa Phước- Ảnh: VGP.
Hiện VWS cũng đang đầu tư khoảng 700 triệu USD để xây dựng khu xử lý chất thải tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có công suất tiếp nhận khoảng 40.000 tấn/ngày gồm các hạng mục như: Khu tái chế rác thải sinh hoạt, sản xuất điện khí, khu tái chế rác công nghiệp, khu sản xuất phân compost, khu chôn lấp hợp vệ sinh… Khi đi vào hoạt động, khu xử lý chất thải này sẽ tiếp nhận 2/3 lượng chất thải thu gom tại Long An và 1/3 lượng chất thải từ TPHCM.
Thăm và làm việc tại Khu liên hợp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách và bức xúc đối với các địa phương trong cả nước, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp khi hầu hết các nơi đều sử dụng biện pháp chôn lấp, trong đó có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác.
Hiện tổng lượng chất thải rắn phát sinh ở các đô thị ước tính 33.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom và xử lý mới đạt khoảng 85%. Ở nông thôn là 30.500 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom ước đạt 50-60% ở các thị trấn, thị tứ và 20-30% ở các khu vực khác.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, coi xử lý rác thải là một chương trình mục tiêu nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân, môi trường xã hội. Chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện khuyến khích với những cơ chế ưu đãi cao cho nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng những mô hình xử lý rác thải tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đánh giá cao VWS đã thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa việc xử lý chất thải với công nghệ cao, đảm bảo vấn đề môi trường, Phó Thủ tướng mong muốn VWS nỗ lực đầu tư hơn nữa để trong thời gian tới những dự án được đầu tư sẽ không chỉ là xử lý rác thải đơn thuần mà còn chế tạo ra nhiều sản phẩm khác, đồng thời góp phần giữ gìn môi trường ngày càng trong sạch hơn.
Để tạo điều kiện cho dự án vận hành hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị VWS làm việc với các cơ quan quản lý của Bộ Xây dựng, TPHCM để triển khai, áp dụng các cơ chế phù hợp. Việc chuyển hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn ở huyện Củ Chi, TPHCM đưa về Khu Đa Phước phải chú ý vấn đề giao thông, vận chuyển rác, xem xét khả năng vận chuyển theo đường thủy để giảm tải, tránh ảnh hưởng đường bộ như hiện nay. Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý rác thải độc hại, thực hiện dây chuyền công nghệ làm điện từ khí và đốt.
Đối với dự án mà VWS triển khai tại Long An, Phó Thủ tướng cho rằng việc đầu tư dự án xử lý rác quy mô cấp vùng là rất quan trọng, nên dự án phải hướng vào công nghệ xử lý phi chôn lấp, tái chế để đảm bảo môi trường tốt hơn nữa./.
Theo : chinhphu.vn