Sau khi kiểm tra thực tế tại Nhà máy xử lý và tái chế rác thải công suất 50 tấn/ngày tại xã Tân Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, các bên đã thống nhất một số nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy dừng hoạt động gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Nguyên nhân nhà máy chưa được bàn giao tài sản cho một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác là do từ tháng 4/2011, Nhà máy được bàn giao Ban quản lý Môi trường đô thị Sông Công thuộc thị xã Sông Công trực tiếp quản lý, vận hành khai thác. Tuy nhiên, khi Ban quản lý được tách ra và UBND Tỉnh thành lập Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thị Sông Công đã không được bàn giao về tài sản nên việc chịu trách nhiệm vận hành Nhà máy chưa rõ ràng. Tháng 2/2014 Công ty đã có văn bản xin trả lại Nhà máy cho UBND thị xã Sông Công. Tuy nhiên đến nay, việc bàn giao tài sản cho một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý vận hành Nhà máy chưa được thực hiện. Nhà máy đã dừng hoạt động từ năm 2012 đến nay.
Nguyên nhân của việc chưa đưa vào vận hành nhà máy là do tỉnh Thái Nguyên chưa ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn. Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên là cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng chưa tham mưu, trình UBND Tỉnh ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Vì vậy chất thải rắn đưa vào Nhà máy xử lý chưa có đơn giá để Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thị Sông Công có kinh phí vận hành Nhà máy.
Ngoài ra, dây chuyền công nghệ không đảm bảo công suất, sản phẩm không phù hợp nhu cầu thị trường tại địa bàn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy dừng hoạt động. Vì trong thực tế, khi đưa vào vận hành, một số thiết bị, phụ tùng của dây chuyền xử lý bị hỏng phải thay thế, sản phẩm của Nhà máy là gạch không nung, viên đốt không tiêu thụ được trên thị trường, không đảm bảo yêu cầu của dự án dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động của Nhà máy.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã chính thức có công văn yêu cầu UBND thị xã Sông Công báo cáo UBND Tỉnh về lý do, quá trình hoạt động, quản lý, vận hành Nhà máy dẫn tới việc Nhà máy phải dừng hoạt động từ năm 2012 đến nay, đề xuất phương án bàn giao tài sản Nhà máy cho Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thị Sông Công trình UBND Tỉnh; Chịu trách nhiệm chỉ đạo thu gom, cam kết sẽ đưa chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã vào Nhà máy để xử lý; Yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên tham mưu trình UBND Tỉnh ban hành đơn giá xử lý 01 tấn chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm hỗ trợ UBND thị xã Sông Công trong bàn giao Nhà máy cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác; Yêu cầu Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thi Sông Công phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất đơn giá xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trình UBND Tỉnh; Phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ lực máy sửa chữa, thay thế những phụ tùng thiết bị của dây chuyền bị hỏng để sẵn sàng đưa Nhà máy vào hoạt động trở lại; Yêu cầu Công ty TNHH Thuỷ lực máy kiểm tra, thay thế các thiết bị hư hỏng để dây truyền công nghệ hoạt động theo đúng công suất thiết kế. Khi Nhà máy hoạt động thực hiện cam kết có biện pháp sửa chữa, thay thế phụ tùng, thiết bị kịp thời khi có sự cố để đảm bảo thời gian hoạt động và công suất của dây chuyền; bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nhà máy.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu để Quyết định bàn giao ngay tài sản cho Công ty TNHH NN MTV Môi trường đô thị Sông Công chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý vận hành Nhà máy. Trường hợp Công ty không tiếp nhận bàn giao thì xem xét xử lý trách nhiệm đối với Lãnh đạo nhà máy theo pháp luật, đồng thời chỉ đạo tổ chức đấu thầu Nhà máy cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu và đủ năng lực theo quy định để quản lý, vận hành Nhà máy; Yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu và ban hành đơn giá xử lý 01 tấn chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho các doanh nghiệp tham gia vào việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn nói chung và cơ sở xử lý, tái chế rác Sông Công nói riêng.
Quá thời hạn ngày 30/5/2014 nếu Nhà máy không hoạt động Thanh tra Bộ sẽ thanh tra để quy kết trách nhiệm.
Theo : Báo Xây dựng điện tử