Sau lệnh cấm của Bình Dương, đến nay còn 74% cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman vẫn hoạt động, chỉ có 26% là ngưng và tạm ngưng chuyển đổi sang ngành nghề khác. Thực hư câu chuyện xử lý lò gạch Hoffman tại Bình Dương đã được mổ xẻ tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam với UBND tỉnh Bình Dương ngày 19/12/2014. Hai bên đã phân tích nguyên nhân và bước đầu kết luận, Bình Dương đã kiểm tra xử lý đúng theo quy định, việc làm của tỉnh là có cơ sở pháp luật, phù hợp với quy định của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Chỉ chủ lò là người có lợi
Theo ông Trần Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Lò gạch Hoffman nằm trên địa bàn tỉnh, người được lợi duy nhất là ông chủ lò gạch còn tất cả là thiệt hại. Toàn bộ hệ thống đường giao thông đô thị bị hư hại do xe quá tải vận chuyển đất làm bụi bặm gây ô nhiễm môi trường. Khi các lò nung thì khói bụi do đốt bằng vỏ hạt điều, dăm gỗ, vỏ xe… Ngoài ra, điều kiện làm việc không an toàn mà bức xúc nhất là điều kiện làm việc của người lao động, nhất là những người làm việc trong môi trường nhiệt độ rất cao 48 - 490C. Toàn bộ số lao động đó là những người lớn tuổi và trẻ em. Nơi làm việc và nơi ở không phân biệt rõ ràng, ăn chung ở chung, mỗi lò có 3 - 4 phòng trọ với khoảng 15 - 16 người làm tất cả các khâu từ tạo hình viên gạch tới khi vô lò cũng chừng ấy con người.
Ông Trần Thanh Liêm phân tích thêm vì sao lò gạch phát triển được là do công tác quản lý về tài nguyên chưa làm chặt, khi kiểm tra thực tế thì các lò đều hợp thức hóa được hóa đơn chứng từ, nhưng tất cả các địa phương đều biết và còn nể nang làm chưa nghiêm. “Nếu xe chở đất đi vào địa bàn tỉnh Bình Dương thì bắt tịch thu xe luôn không giam giữ, vì đây là xe chở đất lậu không có giấy phép. Trước hết các địa phương làm nghiêm việc này. Bổ sung ý kiến của ông Liêm, ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Nhiều lần lãnh đạo UBND tỉnh phối hợp với cơ quan ban ngành đi kiểm tra các lò Hoffman và chỉ đạo nếu cơ sở nào cần chuyển đổi ngành nghề, đào tạo lao động thì tới phòng lao động thương binh xã hội các huyện thị. Khó nhất là giải quyết lao động, nhưng tới nay cũng không có ai tới xin việc làm hoặc đăng ký học nghề. Ở Bình Dương được học nghề miễn phí ở tất cả các ngành, nhưng vẫn không có học viên tới học tại các cơ sở đào tạo nghề.
Nghiêm túc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động
Tại Thông báo số 04/TB-BXD ngày 09/01/2015 của Bộ Xây dựng về kết luận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm về việc chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết: Hầu hết các cơ sở sản xuất gạch Hoffman đều có những sai phạm xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch; Khói thải gây ô nhiễm môi trường; Sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, không đóng BHXH không trang bị bảo hộ lao động; Công nhân vận chuyển gạch ra vào lò với nhiệt độ rất cao, không đảm bảo các điều kiện lao động; Trẻ em sinh hoạt vui chơi sinh hoạt ngay bên cạnh lò gây mất an toàn, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên thế giới đã cấm hoàn toàn lò Hoffman từ lâu.
Ý thức được việc không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như mất an toàn lao động tại các lò gạch Hoffman nên ngay từ năm 2010 khi có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman. Bình Dương đã 3 lần gia hạn, kéo dài thời hạn 4 năm nhưng đến nay các chủ lò vẫn tìm mọi cách kéo dài thời gian hoạt động.
Chính vì vậy, Văn bản số 04/TB-BXD yêu cầu UBND các huyện, thị xã phối hợp Sở Tư pháp và các sở ngành liên quan thống kê mức độ và lĩnh vực vi phạm của các cơ sở, DN, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định pháp luật; Chuẩn bị các bước thực hiện quy trình thủ tục cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không chấp hành; phối hợp Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tham mưu các chính sách hỗ trợ người lao động ngưng làm việc tại các lò gạch Hoffman. Đồng thời cũng yêu cầu các chủ cơ sở có lò gạch Hoffman chấp hành nghiêm túc, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xây dựng, đất đai… để sớm chuyển đổi công nghệ, ngành nghề sản xuất kinh doanh, ổn định và tiếp tục hoạt động trong môi trường mới. Riêng trường hợp chuyển đổi sản xuất gạch từ công nghệ Hoffman sang công nghệ Tuynel: các huyện, thị xã tổng hợp đề xuất với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT để tham mưu UBND tỉnh cho phép, nhưng phải có kế hoạch đến 2020 thì chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch xây không nung, đảm bảo theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 và quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh Bình Dương.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.