Xin ông cho biết điểm nhấn đáng chú ý trong công tác quy hoạch (QH) xi măng năm 2014 cũng như nhận định về thị trường xi măng năm 2015?
- Điểm nhấn đáng chú ý trong công tác QH xi măng chính là việc điều chỉnh Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đưa 5 dự án xi măng có công suất 0,91 triệu tấn/năm (tương đương công suất lò nung 2.500 tấn clinker/ngày) với tổng công suất thiết kế là 4,55 triệu tấn ra khỏi Quy hoạch do các dự án này có quy mô công suất nhỏ, hiệu quả thấp, chủ đầu tư không đủ năng lực cả về tài chính và kinh nghiệm quản lý; hoãn triển khai 9 dự án xi măng và bổ sung dự án xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm vào QH.
Như vậy, tính đến hết năm 2014, cả nước có 75 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay vận hành với tổng công suất thiết kế là 80,96 triệu tấn. Công suất huy động khoảng 73 - 74 triệu tấn. Đến năm 2015, khả năng sẽ có 1 dự án xi măng dầu khí 12/9 công suất 0,6 triệu tấn/năm đi vào vận hành, cả nước sẽ có 76 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 81,56 triệu tấn, công suất huy động sẽ đạt 79 - 80 triệu tấn, năm 2016 không có dự án xi măng nào đi vào vận hành. Như vậy, nguồn cung xi măng cả nước tính đến cuối năm 2015 dự kiến vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, có một lượng nhất định cho xuất khẩu và một lượng dự trữ khoảng 10% công suất thiết kế cho bình ổn thị trường xi măng của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trong năm vừa qua?
- Có thể nói, đến thời điểm này, các chính sách về phát triển VLXKN đã khá đầy đủ. Sản lượng VLXKN đã vượt mục tiêu của Chương trình đề ra. Đến thời điểm hiện tại đã có 22 DN lập dự án đầu tư gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu m3/năm. Đa số cán bộ các cấp chính quyền, các DN tư vấn thiết kế, thi công bước đầu đã làm quen với VLXKN, có thêm hiểu biết về vật liệu sạch, từ đó ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ quản lý, chủ DN và cơ quan thiết kế ở một số địa phương nhận thức về Chương trình còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả của việc xóa bỏ lò gạch thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn chậm, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Chương trình còn hạn chế. Một số DN đã chủ động nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu chế tạo thiết bị để chế tạo ra dây chuyền đồng bộ sản xuất gạch xi măng cốt liệu từng bước thay thế thiết bị nhập khẩu, chủ động cho việc sản xuất thiết bị và phụ tùng ở trong nước. Song do các DN này chưa được hưởng ưu đãi của Chính phủ, trong điều kiện DN có nhiều khó khăn, thiếu vốn, nên việc triển khai các dự án chế tạo thiết bị cho dây chuyền sản xuất VLXKN còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2015, công tác quản lý nhà nước về VLXD sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đang thiếu hoặc bổ sung sửa đổi thuộc lĩnh vực quản lý VLXD là việc quan trọng. Trong đó có Nghị định của Chính phủ về Quản lý vật liệu xây dựng (thay thế Nghị định 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007), một số quy hoạch phát triển các loại VLXD cụ thể đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 như vật liệu ốp lát, kính xây dựng...
Công tác quản lý và thực hiện QH trong lĩnh vực xi măng và chương trình phát triển VLXKN vẫn sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về VLXD năm 2015. Cùng với việc kiểm tra các dự án xi măng dự kiến vận hành năm 2014, 2015 và các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có dự báo kịp thời đối với cung cầu xi măng của cả nước. Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát việc thực hiện các dự án xi măng trong kế hoạch 2012-2015 thuộc Quy hoạch 1488; đôn đốc các Nhà máy xi măng triển khai nghiên cứu, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí của khí thải lò nung trong các nhà máy xi măng để phát điện...
Xin cảm ơn ông!
Theo : Báo Xây dựng điện tử