Vật liệu mới nào cho xây dựng hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long? Bài 1: Những đề xuất, kiến nghị sử dụng vật liệu mới

Thứ hai, 15/07/2024 10:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại buổi làm việc này, các Bộ, ngành, địa phương các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng hiện nay vật liệu truyền thống cát sông ngày càng khan hiếm, do đó cần sử dụng những vật liệu mới thay thế để xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chủ trì cuộc họp.

Nguồn vật liệu truyền thống cát sông ngày càng khan hiếm nhưng vẫn đảm bảo cung ứng đủ cho các công trình trọng điểm

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) thông tin cho biết, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Các dự án này gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 02 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản).

Đến nay, đã xác định nguồn cung cát đắp nền đường với tổng trữ lượng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu/m3 cho 05 dự án (tỉnh An Giang 22 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 9,3 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 5 triệu m3; tỉnh Bến Tre 5,4 triệu m3; Tiền Giang 9,3 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng 12,1 triệu m3, bao gồm 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó, đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, được hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.

Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã xác định được nguồn 28,3 triệu m3/tổng nhu cầu 18,5 triệu m3; đã cấp bán xác nhận, đủ điều kiện khai thác 22,3 triệu m3; đang hoàn tất thủ tục khai thác 6 triệu m3 còn lại; trong đó, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang triển khai các thủ tục cấp phép khai thác để cấp 4 triệum3 cho dự án (mỗi tỉnh 02 triệu m3) dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8/2024; tỉnh Vĩnh Long đang rà soát thủ tục gia hạn và tăng 50% công suất các mỏ để cung ứng 2 triệu m3 còn lại theo chỉ tiêu được giao trong tháng 7/2024; tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các thủ tục để nâng công suất 02 mỏ (cấp theo cơ chế đặc thù) dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024; tỉnh An Giang đang hoàn thiện thủ tục để điều chuyển 1,4 triệu m3 từ dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án và sẽ hoàn thành trong tháng 7/2024.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu về việc sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Dự án thành phần 1 (An Giang) đã xác định đủ nguồn cát 9,3 triệu m3; Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) đã xác định nguồn 7,8 triệu m3/tổng nhu cầu 7 triệu m3; Dự án thành phần 3 (Hậu Giang) đã xác định đủ nguồn 6 triệu m3; Dự án thành phần 4 (Sóc Trăng) đã xác định đủ nguồn 6,6 triệu m3.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu: Dự án thành phần 1 (Đồng Tháp) đã xác định đủ nguồn 2,3 triệu m3; Dự án thành phần 2 (Tiền Giang) đã xác định đủ nguồn 0,95 triệu m3.

Dự án đường Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đã xác định đủ nguồn 1,85 triệu m3. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết bố trí đủ 3,1 triệu m3 cho dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo số liệu tổng hợp đến thời điểm tháng 7/2024, có 42 Giấy phép khai thác cát sông san lấp được cấp đang còn hiệu lực với tổng trữ lượng cấp phép là 43,9 triệu m3, công suất khai thác 33,2 triệu m3/năm (trong đó có 01 Giấy phép khai thác đã được nâng tổng công suất).

Bộ GTVT cho biết, như vậy, đến nay có 05 dự án đã xác định đủ nguồn cung ứng cát, vần đề còn lại cần thực hiện đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp mỏ cát, nâng công suất các mỏ đá mới đáp ứng được tiến độ đề ra. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương vẫn còn vướng mắc thủ tục cấp phép kéo dài thời gian. Tỉnh Hậu Giang hiện chỉ được cấp một mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3. Tỉnh Hậu Giang được tỉnh Bến Tre hỗ trợ nhưng do cấp phép khai thác mỏ mới mất khoảng 60 ngày. Trong thời gian này, dự án vẫn đang thiếu nguồn cung cấp cát.

Bộ, ngành, địa phương kiến nghị sử dụng vật liệu mới xây dựng hạ tầng giao thông và khu công nghiệp

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, tại Cần Thơ vào chiều 13/7/2024, Bộ, ngành và địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng cát biển, tro, xỉ nhà máy nhiệt điện để san lắp thay thế cho cát sông hiện nay đang khan hiếm.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề xuất sử dụng cát biển làm đường giao thông.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng: ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn trong thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, điển hình như: Một số tuyến đường huyết mạch nhỏ, hẹp cần sớm nâng cấp để phát huy vai trò kết nối; khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng ngày càng khó khăn.

“Tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi hiện nay mặt đường nhỏ hẹp, lưu lượng giao thông cao. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm thực hiện. Tuyến tránh Quốc lộ 63 qua địa bàn tỉnh trùng với quy hoạch đường Hồ Chí Minh, tuyến kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút IC10, Bộ GTVT đang triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, còn lại đoạn Vĩnh Thuận - Cà Mau hiện nay chỉ đảm bảo 01 làn xe, cần sớm nâng cấp để tăng cường kết nối với cao tốc. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cân đối nguồn vốn để sớm thực hiện.

Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau có phạm vi giải phóng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và tổ chức, cá nhân, công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo thời gian thực hiện quy trình, thủ tục các bước theo quy định. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Qua việc thí điểm sử dụng cát biển cho các dự án cao tốc cho thấy, đây là nguồn vật liệu rất khả quan. Nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương xem xét, sớm đưa cát biển vào khai thác thương mại. Các Bộ, ngành ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng cát biển cho xây dựng công trình. Các địa phương có mỏ cát sông, mỏ đá rà soát quy hoạch mỏ, có kế hoạch khai thác phù hợp nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cấp các loại vật liệu này trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng vật liệu tro, xỉ nhà máy nhiệt điện để sử dụng làm đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp.

Ngoài cát biển, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng vật liệu tro, xỉ nhà máy nhiệt điện để san lấp đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Cần Thơ không chỉ có dự án đường cao tốc, hiện nay, thành phố Cần Thơ còn đang triển khai làm Quốc lộ 91, các tuyến đường tỉnh và rất nhiều công trình giao thông kết nối đường cao tốc với các tuyến đường khác. Và tất cả các dự án này đều cần cát san lấp với khối lượng rất lớn.

Theo thống kê, từ nay đến giai đoạn 2026-2027, thành phố Cần Thơ phải có 20 triệu m3 cát để làm các công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, ở thành phố Cần Thơ không có mỏ cát lớn, không thể khai thác cho san lấp. Đồng thời, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông luôn diễn ra, không chỉ có ở mùa khô mà còn diễn ra ở mùa mưa.

Bí thư Nguyễn Văn Hiếu đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thành phố Cần Thơ thí điểm cát biển, tro xỉ để giải quyết về nhu cầu cát san lấp trong thời gian tới. “Việc thí điểm này sẽ chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện nếu được phép” - Bí thư Nguyễn Văn Hiếu đề xuất.

Tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 25/3/2024, Bộ đã có Báo cáo số 55/BC-BXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Tại Hội nghị tại Cần Thơ, ngày 13/7/2024, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ sở phát thải đẩy mạnh thực hiện: Bộ GTVT nghiên cứu, đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong thi công các công trình giao thông (đường cấp III trở xuống); hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông. Vì theo TCVN 12660:2019 thì tro, xỉ nhiệt điện chỉ được đắp nền đường ở chiều sâu 80-100cm kể từ đáy kết cấu áo đường trở xuống, những khu vực nước ngầm bên dưới thì không được sử dụng tro, xỉ để đắp nền đường.

Khai thác cát biển cung ứng san lấp đường cao tốc.

Bộ Tài chính quy định hạch toán đối với hàng hóa là tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón để phù hợp với các quy định hiện hành, phối hợ với UBND các địa phương nghiên cứu ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ về cước vận chuyển đối với các công trình xây dựng nằm ở xa nguồn cung cấp để khuyến khích tăng cường sử dụng tro, xỉ.

Các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích và đầu tư nghiên cứu xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao tiếp cận nguồn phát thải; tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để tăng tốc độ tiêu thụ, giảm lượng tồn đọng tro bay tối đa và đảm bảo lượng tồn trữ tại các bãi chứa của mỗi nhà máy không vượt quá tổng lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý, chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho các địa phương thực hiện thí điểm.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)