Với 33 khu công nghiệp, Đồng Nai đang là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Tỉnh đang thu hút nhà đầu tư đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ và tiếp tục giữ vị trí trung tâm công nghiệp hàng đầu đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác 2 năm tới, Đồng Nai đang được ví như thỏi nam châm thu hút các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Một khu công nghiệp do Tổng Công ty Sonadezi đầu tư ở Đồng Nai.
Chiều 24/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp Viện Kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học đánh giá mô hình chất lượng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tỉnh nằm trong tứ giác phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ, gồm Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước.
Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 55 nghìn doanh nghiệp hoạt động với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Đồng Nai cũng là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.
Đồng Nai dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp với 48 khu công nghiệp theo quy hoạch, trong đó có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.500ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 86% diện tích đất cho thuê.
Tỉnh thu hút được 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn hơn 30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 600 nghìn lao động. Các dự án thu hút đầu tư mới bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai đã dần phục hồi và có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt khoảng 140 triệu đồng/người, xếp thứ 7 cả nước.
Đồng Nai tiếp tục giữ vị trí là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, thuộc nhóm các địa phương tiên phong, là địa điểm hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư trong nước và quốc tế.
Tỉnh đã xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư mới, tổ chức xúc tiến, chuyển hướng thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc hơn với các dự án chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh: “Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt, việc hoàn thành và đi vào hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian tới sẽ tạo “cú huých” lớn, tạo cơ hội, điều kiện khai thác các động lực mới, tạo bước đột phá trong mô hình kinh tế của tỉnh”, bà Nguyễn Thị Hoàng nói.
Quang cảnh hội thảo.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thì tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 8,5% hàng năm đề ra rất khó đạt. Công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước sự biến động và suy giảm của thị trường thế giới, chậm phục hồi.
Các ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ logistics có phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của một tỉnh công nghiệp, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, được đánh giá là đắc địa mà ít địa phương có được.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, sở, ngành đã tập trung trao đổi, phân tích về các kết quả đạt được trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua; xác định những nút thắt, tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra đối với đổi mới mô hình kinh tế phát triển bền vững của Đồng Nai; cơ hội và thách thức trong phát triển của tỉnh Đồng Nai thời gian tới.