Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện về đích huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao; 106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30 xã NTM kiểu mẫu. Về tiến độ thực hiện huyện NTM nâng cao năm 2024, các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ minh chứng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024.
Đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai. (Ảnh: baodongnai.com.vn)
Từ việc xây dựng nông thôn mới, các địa phương của tỉnh Đồng Nai đã chú trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đầu năm 2024 đến nay, nông dân trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu khác đạt lợi nhuận tốt nhờ thị trường xuất khẩu trái cây tiếp tục được đẩy mạnh. Uy tín về chất lượng trái cây tươi nói riêng, nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung ngày càng được khẳng định khi tham gia thị trường quốc tế.
Có được kết quả ấn tượng trên là nhờ thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh với tổng diện tích gần 40,7 nghìn ha, trong đó 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô gần 1,6 nghìn ha về sản phẩm lúa, xoài, bưởi, sầu riêng... Các vùng sản xuất đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao; áp dụng hệ thống tưới tự động, bán tự động; sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch...
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã được các nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng với quy mô gần 28 nghìn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand…
Toàn tỉnh cũng đã xây dựng 3 vùng chăn nuôi tại các huyện: Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP Biên Hòa) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 300 tấn/tháng.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đợt 1/2024 đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi lớn diện mạo vùng nông thôn. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn các xã NTM kiểu mẫu đạt cao.
Theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, các yêu cầu để đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đặt ra cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai giao chỉ tiêu cao; đặc biệt, phấn đấu 3 huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu về đích huyện NTM nâng cao năm 2024.
Để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, Đồng Nai đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách đặc thù về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng CNC; tuy nhiên, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được tỉnh ban hành kịp thời và đồng bộ, được triển khai lồng ghép thông qua các chính sách, chương trình, đề án, dự án được Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành như: chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 198/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ khuyến nông theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, các chính sách quy định rõ điều kiện, định mức, nội dung hỗ trợ và được các sở, ngành ban hành hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận. Trong đó, cụ thể các quy định hỗ trợ về ứng dụng CNC như: hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng CNC, mức hỗ trợ 40% tổng giá trị mô hình, không quá 1 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ một lần 100% kinh phí chứng nhận GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ 40% kinh phí áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (không quá 20 triệu đồng/hệ thống); hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng; hỗ trợ phí thực hiện truy xuất nguồn gốc và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...