Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn bưởi chất lượng cao.
Tuy nhiên, tại địa bàn những xã, huyện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng NTM vẫn còn nhiều trở ngại. Đây cũng là thử thách đòi hỏi cần có những đột phá từ chính sách, sự nỗ lực vượt bậc của các địa phương cũng như người dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới.
Quyết tâm "về đích" NTM
Là một địa phương tiêu biểu trong xây dựng NTM, ngay từ năm 2021, xã Ngọc Vân (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã hoàn thành xây dựng NTM với 19 tiêu chí và tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19.
Nhưng với quyết tâm không để chương trình bị gián đoạn, ảnh hưởng tiến độ xây dựng NTM nâng cao, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã xác định thực hiện nhiệm vụ kép, động viên toàn thể người dân phát huy tinh thần vượt khó, vừa chống dịch, vừa duy trì thực hiện xây dựng NTM.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là lấy từng hộ gia đình làm chủ thể, xây dựng NTM chú trọng phát triển kinh tế tổng hợp tăng thu nhập cho các gia đình với mục tiêu tăng hộ giàu, hộ khá giả, giảm hộ nghèo, hộ khó khăn, để từ đó có nguồn lực đóng góp cho chương trình xây dựng NTM.
Ông Trần Văn Thẩm, Trưởng thôn Ngọc Khanh, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, năm nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn luôn tận tụy với công việc của thôn, xóm chia sẻ: "Cùng chung tay xây dựng NTM, tôi và nhiều bà con trong xã đã tiên phong hiến đất mở đường, làm đường bê-tông cho bà con đi lại. Gia đình tôi cũng đã hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường".
Nhiều năm nay, ông Thẩm cùng với các cấp chính quyền thôn, xã đi vận động nhân dân tạo nên phong trào hiến đất làm đường rộng khắp trong toàn xã. Đến nay, hàng chục nghìn mét vuông đất của các hộ gia đình trong xã đã được hiến để mở đường liên thôn, liên xã.
Đến nay, toàn xã Ngọc Vân có 71 km đường liên xã, liên thôn cứng hóa đạt 100%, trong đó 54 km đường thôn, ngõ xóm cơ bản do nhân dân đóng góp. Trong 4 năm, xã xây mới được 6 nhà văn hóa, sửa chữa 9 nhà văn hóa thôn với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Cùng với việc phát triển kinh tế, công tác bảo đảm cảnh quan môi trường được cán bộ và nhân dân xã Ngọc Vân quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng, cho biết, với mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về đích NTM nâng cao vào năm 2025, huyện Tân Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy người dân là chủ thể, không ngừng nỗ lực, phấn đấu cho "chặng đường nước rút" quan trọng. Đến nay, huyện Tân Yên đã có 10/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (đạt 50% số xã của huyện); 78 thôn NTM kiểu mẫu, 3 thôn NTM thông minh. Dự kiến thực hiện hết năm 2024, huyện Tân Yên cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, có thêm 4 xã NTM nâng cao, một xã NTM kiểu mẫu.
Chia sẻ về hành trình xây dựng huyện NTM, lãnh đạo UBND huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), cho biết, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều kết quả tiến bộ, an ninh nông thôn được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể nhân dân được phát huy hiệu quả. Ngay từ đầu năm, huyện đã tổ chức Chương trình phát động thi đua "Phú Lương quyết tâm, chung sức xây dựng huyện NTM năm 2024" nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã (100%) đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xã Tức Tranh đang triển khai thực hiện mô hình điểm của Trung ương về xã NTM thông minh; tổng số xóm NTM kiểu mẫu toàn huyện đạt 40 xóm. Tổng số sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao là 35 sản phẩm.
Cần có cơ chế đặc thù cho các xã miền núi, khó khăn
Với những thành tích đã đạt được trong chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương đang phấn đấu để đạt được các tiêu chí NTM nâng cao. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện ở một số nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đó là phần lớn các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện vẫn đang còn phải "chật vật" để củng cố và giữ vững tiêu chí NTM.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang gặp phải rất nhiều thách thức, khi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có sự thay đổi theo hướng nâng cao. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí mới, các chỉ tiêu đều được nâng cao hơn, khiến cho các xã chưa đạt hoặc đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao sẽ phải gặp nhiều khó khăn.
Tại xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), sau khi đạt chuẩn vào năm 2017, đến nay, kết quả xây dựng NTM nâng cao tiếp tục mang lại nhiều đổi thay.
Theo Chủ tịch UBND xã Nông Thượng Triệu Đình Đường, để thực hiện NTM, NTM nâng cao, xã Nông Thượng nói chung và nhiều xã thuộc thành phố Bắc Kạn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là trong phát triển sản xuất nông nghiệp, mặc dù xã đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, nhưng quy mô còn nhỏ, sức lan tỏa còn chậm. Việc thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân được hình thành nhưng kết quả chưa cao. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với các tiêu chí NTM nhưng vẫn hạn chế so với tổng mức vốn đầu tư theo quy hoạch của xã… Đây chính là một trong những nguyên nhân, trong năm 2024, xã Nông Thượng vẫn còn 6/19 tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025.
Một trong những khó khăn nữa mà nhiều địa phương đang gặp phải là một số xã thuộc huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nằm trong mục tiêu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024-2025 nhưng lại vướng vào quy hoạch khoáng sản, khiến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa, và đường sá bị đình trệ, dẫn đến chậm tiến độ. Một khó khăn khác, đó là tiêu chí xây dựng NTM yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 4%, đây là mức quá cao và chưa thật sự phù hợp với thực tế tại địa phương.
Thực tế cho thấy, khó khăn trong xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Bắc Kạn và huyện Phú Lương cũng là khó khăn chung của hầu hết các địa phương ở miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2024, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung nguồn lực cho các địa phương, nhất là hỗ trợ các huyện đăng ký lộ trình đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 ở miền núi; rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương vùng khó khăn nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình; tăng cường công tác đỡ đầu các xã khó khăn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện các tiêu chí, nội dung thành phần của chương trình... Các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thực hiện tiêu chí còn vướng mắc cho các xã đặc thù nói riêng và các địa phương cả nước nói chung. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về NTM, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương. Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.