Phát huy tinh thần nêu gương trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Bình

Thứ sáu, 26/01/2024 13:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

“Chìa khóa” thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình (Yên Bái) một trong các yếu tố quan trọng mang tính quyết định chính là tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu “dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm, làm cho ra sản phẩm, làm có kết quả vì sự phát triển địa phương” của người đứng đầu các cấp cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị...


“Chìa khóa” thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình (Yên Bái) một trong các yếu tố quan trọng mang tính quyết định chính là tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.

Là huyện cửa ngõ phía Đông - Nam của tỉnh Yên Bái, năm 2011 bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Bình phải đối mặt với không ít khó khăn như: địa hình chia cắt mạnh bởi Hồ Thác Bà, toàn huyện có 16/22 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%.

Cạnh đó, xuất phát điểm các tiêu chí NTM bình quân đạt 4,8 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiềm trên 26%; một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là tại các xã vùng đặc biệt  khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nên chưa chủ động, tích cực tham gia thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ, vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả đồng bộ. Tính liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa cao, việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Xác định xây dựng NTM là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân, là cơ hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho nhân dân, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Đồng thời, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Bình đã thống nhất xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM với quan điểm, mục tiêu nhất quán là: “Huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn, thách thức, tận dụng, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, quyết tâm xây dựng huyện Yên Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc, đến năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới thực chất, đáng sống, có nông nghiệp tiến bộ, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và cách làm chặt chẽ, bài bản, phù hợp.


Lãnh đạo Huyện ủy Yên Bình sâu sát cơ sở trong xây dựng nông thôn mới trên tinh thần gương mẫu, đi đầu.

Với phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, “cá thể hóa trách nhiệm cá nhân”, “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, địa phương đã hạ quyết tâm xây dựng NTM, đô thị văn minh thực sự trở thành mong muốn, khát vọng và mục tiêu hướng tới của người dân và toàn xã hội địa phương.

Quá trình triển khai các nhiệm vụ, địa phương đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu đi trước, làm trước, “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên theo quan điểm “không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”. Bám sát, kịp thời cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mới trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái và linh hoạt trong thực hiện các giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy việc xây dựng NTM một cách thực chất, chất lượng, hiệu quả và bền vững hơn. Đồng thời triển khai bài bản, nề nếp chương trình “ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” để cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cùng đồng hành, gắn bó, chia sẻ, cùng bàn, cùng làm với nhân dân, đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tạo thành phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trên dưới đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương Yên Bình đổi mới.

Với tổng nguồn vốn huy động đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp trên 235 tỷ đồng, đến nay toàn huyện Yên Bình có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã NTM nâng cao, 01 xã NTM kiểu mẫu, 17 thôn kiểu mẫu. Yên Bình hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM (sớm hơn 2 năm so với nghị quyết Đại hội). Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,2 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so với năm 2020 và tăng 35,5 triệu đồng so với năm 2011); chỉ số hạnh phúc của người dân đạt trên 69,72 % (tăng 16% so với năm 2021); trên 70% khu dân cư hạnh phúc, 73,4 % gia đình hạnh phúc, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,5%

Địa phương đã triển khai thực hiện 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế vùng nguyên liệu như: Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại xã Bạch Hà, Bảo Ái gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; vùng cây ăn quả 2.000 ha, trong đó có 1 nghìn ha bưởi đặc sản Đại Minh; vùng chè tập trung gần 500 ha; vùng trồng rừng sản xuất trên 36 nghìn ha (trong đó gần 12.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC); vùng quế gần 3.000 ha; gần 300 ha cây dược liệu; vùng nguyên liệu tre măng bát độ trên 300 ha; vùng nuôi trồng thủy sản với trên 2.000 lồng cá.

Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện kiên cố hóa được trên 400 km đường giao thông nông thôn, (vượt 18 % so với cả nhiệm kỳ 2015-2020), mở rộng, mở mới mặt đường bê tông trên 5m được 46 km, nền đường 6,5 m 7,5m là 52,5 km, góp phần nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa của huyện hiện đạt 93% (tăng 307 km, tương đương 383% so với năm 2011), trồng trên 40 km đường hoa; thắp sáng gần 100 km đường điện nông thôn, 100% các tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện với tổng chiều dài trên 265 km đã được rải nhựa (tăng 105 km so với năm 2011), đưa Yên Bình liên tục nhiều năm là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Yên Bái trong thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn.


Khánh thành một công trình đường nông thôn mới tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình vào tháng 9/2023.

Những công trình giải phóng mặt bằng “0 đồng” được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 170 Vĩnh Kiên - Yên Thế và tuyến đường Vũ Linh - Yên Bình - Bạch Hà dài 52,6 km, chỉ trong gần 2 tháng ra quân, 570 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng mà không đòi hỏi sự đền bù, hoặc với mức hỗ trợ từ 7-10 tấn xi măng mà 439 hộ nghèo, cận nghèo của huyện đã tự lực cánh sinh làm được nhà mới (tăng 339 nhà so với cả nhiệm kỳ 2015-2020), hỗ trợ từ 10-20 tấn xi măng mà các thôn, tổ dân phố đã sửa chữa, xây mới được 54 nhà văn hóa khang trang và bằng nguồn lực trong dân 100% nhà văn hóa thôn được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao,100% các thôn được phủ sóng mạng internet 3G, 4G.

Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, bảo đảm nước tưới cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp (2 vụ); 100% các thôn trong toàn huyện được dùng điện lưới quốc gia; 98% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh (trong đó 21% được dùng nước sạch tập trung); 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; 24/24 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đạt tiêu chí quốc gia về y tế, Trung tâm y tế huyện đạt tiêu chuẩn đơn vị hạng II, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hoạt động văn hóa, văn nghệ  - thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn các xã, thị trấn, giá trị lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2023, Yên Bình đứng thứ nhất về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng NTM ở địa phương, đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Yên Bình cho biết: Một trong các yếu tố quan trọng mang tính “chìa khóa” quyết định đến sự thành công trong xây dựng NTM ở Yên Bình chính là tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu “dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm, làm cho ra sản phẩm, làm có kết quả vì sự phát triển địa phương” của người đứng đầu các cấp cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị...Đồng thời qua đó, là minh chứng thuyết phục nhất để khẳng định uy tín, năng lực của cán bộ, tạo niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ, chung sức, chung lòng của đảng viên và nhân dân.

“Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp trên, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ngành, địa phương và phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình nguyện đoàn kết, chung sức, đồng  lòng, thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra; xây dựng Yên Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; con người yên Bình “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, trở thành huyện NTM thực chất, đáng sống, có “nông nghiệp tiến bộ, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc” – Bí thư An Hoàng Linh khẳng định quyết tâm.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)