Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ), Văn phòng nông thôn mới Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh việc cập nhật cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin... trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Thành phố Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thái Nguyên; có vị trí khá thuận lợi. Trong thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn thị xã đồng tình ủng hộ, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn. Đến tháng 8/2023, cả 3 xã trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành 14-16 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, công nhận 9 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, các nền tảng thương mại điện tử trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, BCĐ, Văn phòng nông thôn mới Thành phố đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới như cập nhật cơ sở dữ liệu nông thôn mới; số hoá sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP…
Tuy nhiên, đối với BCĐ các xã, Ban phát triển nông thôn mới các xóm, trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số còn nhiều bất cập do trình độ công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận thông tin của một số cơ quan quản lý, cán bộ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại cấp xã còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Trang thiết bị cho các cán bộ, công chức xã còn hạn chế, cấu hình kỹ thuật thấp, lạc hậu, thời gian sử dụng quá lâu. Bên cạnh đó, các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, … đầu tư vào khu vực nông thôn chưa được nhiều.
Đời sống của một số người dân nông thôn còn khó khăn; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên khả năng tiếp cận và áp dụng các dịch vụ số vào cuộc sống còn chưa cao. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, truyền thống nên việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa được nhiều.
Vì vậy, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới, theo lãnh đạo thành phố Sông Công, cần phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên về thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 đến các thành viên BCĐ nông thôn mới của Thành phố cũng như đến BCĐ các xã, Ban phát triển nông thôn mới các xóm, tạo sự đồng thuận, thống nhất từ Thành phố đến cơ sở trong nhận thực và hành động.
Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số thông qua các lớp tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin; các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp và người dân ở nông thôn. Đầu tư trang thiết bị (mạng Wifi, máy tính, máy Scan…), để phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
Đồng thời thực hiện xây dựng chính quyền số thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ các cấp, hướng tới mức độ 3 - 4 ở cấp xã: Hệ thống phải tương thích với các trình duyệt web thông dụng; dễ dàng tìm thấy dịch vụ; có cơ chế hướng dẫn, tự động khai báo thông tin; có chức năng để người sử dụng đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ sau khi sử dụng;… Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thiết bị công nghệ thông tin (mạng Wifi miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, điểm du lịch nông thôn…)
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế toàn cầu; thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu và quảng bá sản phẩm tiềm năm, lợi thế của địa phương…
Đẩy mạnh quá trình số hoá, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về xây dựng nông thôn mới thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, đánh giá cũng như điều hành trực tuyến trong quá trình thực hiện. Xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn…
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn. Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới thông minh và xã thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của cộng đồng nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo nhân lực. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ và sự hợp tác từ các đơn vị chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo ra môi trường thịnh vượng cho cả nông thôn và nông dân.
Tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như: Dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản. Khuyến khích sự hợp tác công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và các đơn vị chính phủ, nông dân và cộng đồng nông thôn.