Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục đích: Tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động sự tham gia trực tiếp của người dân nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình... Để thực hiện tốt điều này, công tác tuyên truyền đã và đang đóng góp tích cực vào xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn mới huyện Bình Liêu. Ảnh: Hùng Sơn
Để góp sức mình trong phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục xây dựng NTM phát triển, những ngày này, người dân các xã NTM ở huyện Hải Hà luôn động viên nhau không đi ra các tỉnh ngoài, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế; đồng thời duy trì tốt phong trào dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm... Cán bộ của xã đến từng hộ dân để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, ý kiến của người dân trong xây dựng NTM...
Hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hiện được thực hiện với nhiều hình thức. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về chương trình xây dựng NTM; giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình, những kết quả đạt được trong công tác này.
Một tuyến đường nông thôn ở Quảng Chính - xã đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện Hải Hà.
Truyền hình, phát thanh Quảng Ninh phủ sóng khắp toàn tỉnh, báo Quảng Ninh được cấp phát đến tận nhà văn hóa thôn, bản để người dân có điều kiện nghe, tìm đọc những mô hình hay trong xây dựng NTM, từ đó áp dụng vào tình hình thực tế của cá nhân, của địa phương. Hệ thống truyền hình của huyện, hệ thống loa, đài ở các thôn, bản được huy động tối đa trong thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM.
Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, các địa phương, đoàn thể tuyên truyền, vận động thông qua những mô hình cụ thể; lồng ghép nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, "Vận động xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu", phổ biến giáo dục pháp luật...
Mô hình trồng chanh của nông dân xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đóng vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy sự đóng góp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, gắn với xây dựng vườn mẫu, gia đình văn hóa... Mỗi đoàn thể khác có những phong trào, mô hình riêng, như: "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Ngày chủ nhật xanh" của Hội LHPN; "Thắp sáng đường quê" của Hội Cựu chiến binh; "Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới" của Đoàn Thanh niên; "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Nông dân dạy nông dân" của Hội Nông dân.
Lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, khu vực thành thị cũng đóng vai trò hết sức quan trọng chung tay xây dựng NTM, thông qua các phong trào thi đua: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”, “Thành thị giúp đỡ nông thôn”...
Các lực lượng xã Hải Sơn (TP Móng Cái) giúp hộ ông Lò A Sằn (thôn Thán Phún Xã) xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn NTM. Ảnh: Trung Thành
Nhờ đa dạng hình thức vận động, tuyên truyền, người dân ngày càng tích cực vào cuộc, thể hiện được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM; các doanh nghiệp, tổ chức cũng tích cực với công tác này. Năm 2020, toàn tỉnh đã huy động ngoài ngân sách gần 17.000 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM; trong đó từ doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 1.506 tỷ đồng, người dân trên 413 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng (tổ chức, người dân vay từ ngân hàng để đầu tư các mô hình kinh tế phát triển sản xuất khu vực nông thôn). Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh huy động khoảng 1.500 tỷ đồng từ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã; khoảng 400 tỷ đồng từ người dân (đóng góp công lao động, cơ sở, vật chất, hiện vật, tiền mặt...) để thực hiện xây dựng NTM.
Các địa phương chỉ đạo sát sao công tác xây dựng NTM với phương châm: Làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh, người dân được bàn, tự tổ chức và trực tiếp tham gia thay vì áp đặt từ trên xuống.
Nhờ đó, đến nay 92/98 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM; trong đó 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến hết năm 2021, 100% các xã đạt chuẩn NTM, thêm 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền không chỉ cung cấp đến người dân các thông tin về cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh và cấp huyện về chương trình xây dựng NTM, mà còn giúp người dân thấy được hiệu quả của chương trình, từ đó tích cực tham gia. Công tác tuyên truyền cũng phản ánh được những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai ở các địa phương, từ đó giúp tỉnh, địa phương và người dân có những giải pháp khắc phục kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM.