Huyện Phong Thổ (Lai Châu) gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Nhiều giải pháp đồng bộ
Huyện Phong Thổ hiện có 9 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Toàn huyện có 16 xã đều nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn; trong đó, 12 xã vùng cao biên giới.
Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, huyện Phong Thổ gặp rất nhiều khó khăn như: một số chính quyền địa phương và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng nông thôn mới, còn lúng túng trong chỉ đạo; chưa xây dựng được kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chí, việc tuyên truyền, vận động nhân dân chưa rõ ràng, cụ thể và chưa sâu, rộng.
Cùng đó, đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thậm chí khi có mô hình kinh tế mới thì việc áp dụng, nhân rộng còn chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn ở các xã gần như chưa có... Vì vậy, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phong Thổ gặp nhiều hạn chế.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, do đó yêu cầu đặt ra phải có từng bước đi cụ thể, vững chắc, không chạy theo thành tích. Đứng trước những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền huyện Phong Thổ đã rà soát lại quy hoạch, nắm thực trạng về mọi tiêu chí trên địa bàn; từ đó, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới; theo đó, xác định các vùng sản xuất, các công trình hạ tầng cần đầu tư, sắp xếp lại dân cư và lĩnh vực môi trường…
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo ban hành kế hoạch Nghị quyết, chương trình hành động xây dựng nông thôn mới; thành lập ban chỉ đạo nông thôn mới từ huyện đến xã và ban phát triển nông thôn mới ở thôn, bản. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình triển khai, xác định mốc thời gian và quy mô phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện.
Mặt khác, huyện còn phân công, gắn trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã trực tiếp phụ trách các thôn, bản để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh tuyên truyền bà con nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, huyện Phong Thổ tập trung nguồn lực, rà soát tư liệu sản xuất, dư địa đất đai, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, thôn, bản, để xác định các cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao; phát huy tiềm năng lực lượng lao động tại chỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ đó, giúp người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện tham gia xây dựng nông thôn mới.
Quả ngọt từ gian khó
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao biên giới Phong Thổ ngày được khởi sắc. Đời sống người dân nơi đây từng bước cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông nông thôn bê tông hóa.
Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 11 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 1 xã đạt 9 tiêu chí, không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Tiêu chí bình quân toàn huyện tăng từ 2,588 tiêu chí/xã năm 2011 lên 11,76 tiêu chí/xã năm 2019. Thu nhập của người dân tăng từ 12 triệu đồng/người năm 2015 lên 28 triệu đồng năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 40% năm 2015 xuống còn hơn 24% năm 2020.
Từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã hiến hơn 70 ha đất, đóng góp gần 237.000 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa bản và các công trình khác. Trong năm 2020, huyện Phong Thổ đã bê tông hóa được hơn 25 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, sửa chữa 16 công trình thủy lợi; 97% tỷ lệ người dân có lưới điện quốc gia... Tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn và an ninh biên giới, tôn giáo được đảm bảo, không còn những điểm nóng, tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn huyện.
Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, sự đồng lòng, cố gắng, nỗ lực không ngừng khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Thổ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Điển hình xã Huổi Luông – xã đang trên đà về đích nông thôn mới của huyện.
Cách trung tâm thị trấn Phong Thổ khoảng 30 km, Huổi Luông là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, với đường biên giới dài gần 14 km với 15 cột mốc. Toàn xã có 21 bản với 1.411 hộ gia đình, 7.497 nhân khẩu; gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông chiếm đa số.
Với đặc thù là xã biên giới khó khăn, cùng với đồng bào dân tộc thiểu số đông nên việc xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều vướng mắc. Bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã Huổi Luông đạt 1/19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc huy động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huổi Luông phấn khởi cho biết, được sự hỗ trợ vốn từ Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ và sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Huổi Luông, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của xã biên giới đã thay da đổi thịt. Đến nay, xã đạt được 15/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại xã đang tập trung hoàn thiện, phấn đấu 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đời sống của người dân hiện nay được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Lao động có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 90%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 95%, 100% các bản được sử dung điện lưới quốc gia…
Trong phát triển kinh tế, hiện xã có một hợp tác xã Hùng Mé thu gom sản phẩm nông nghiệp và có 1 mô hình cây xoài liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối, sắn, nghệ đen, gừng, kết hợp với chăn nuôi. Từ đó, tạo thu nhập ổn định cho người dân, cải thiện đời sống, hiện xã Huổi Luông được đánh giá là xã có mức thu nhập cao của huyện Phong Thổ.
Gia đình anh Chu A Tế (dân tộc Hà Nhì), bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Luông đã chuyển đổi sang trồng cây chuối, đến nay gia đình anh có 2 ha chuối; mỗi năm cho sản lượng 10 tấn quả, thu nhập của gia đình được từ 90 - 100 triệu đồng. Trước đây trồng lúa, ngô chỉ đủ ăn, không có dư giả, từ khi chuyển đổi cây trồng gia đình anh Tế có thêm thu nhập, xây nhà cửa, mua xe và sắm nội thất.
Anh Tế chia sẻ, hiện nay, cùng với việc trồng chuối anh còn kết hợp trồng sắn, chăn nuôi gà, vịt, ngan. Tận dụng thời gian rảnh, anh còn đi làm thêm cho các đơn vị thi công công trình trên địa bàn tạo thêm thu nhập. Nhờ vậy, đời sống của gia đình anh Tế ngày được cải thiện, con cái ăn học đầy đủ; đặc biệt gia đình anh đã thoát nghèo, đến nay trở thành gia đình khá giả trong bản.
Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng huyện Phong Thổ đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Phong Thổ sẽ có 4 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 15 - 16 tiêu chí.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn cho hay, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục đánh giá lại quá trình xây dựng nông thôn mới, để rút ra bài học, kinh nghiệm và xây dựng lộ trình đạt chuẩn cho các xã.
Theo đó, đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho những xã gần đạt chuẩn; đồng thời, tập trung chỉ đạo, phát triển kinh tế, thông qua lợi thế của từng địa phương, để huy động sức dân; nâng cao trình độ đào tạo cho lực lượng làm công tác nông thôn mới, giám sát cộng đồng; chú trọng công tác giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chỉnh trang bộ mặt nông thôn...