Huyện Đan Phượng với nhiều cung đường bích họa sáng- xanh- sạch- đẹp. Ảnh: Thiện Tâm.
Nhiều điểm sáng
Chia sẻ với phóng viên, bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng cho biết, Đan Phượng là địa phương có nhiều điểm sáng của Thành phố; là nơi có truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào “Ba đảm đang”; huyện duy nhất của Thành phố có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một trong những huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực nhất, đến nay, nông nghiệp còn 5,5%, trong khi dịch vụ rất phát triển...
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với phương châm Dân biết-Dân bàn-Dân làm-
Dân kiểm tra, lấy nhân dân làm nòng cốt và là người được thụ hưởng lợi ích từ chương trình, thời gian qua, huyện Đan Phượng và nhân dân đã cùng chung sức, đồng lòng huy động mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành mục tiêu. Đến hết năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp đó đến hết năm 2019 huyện đã có 9/15 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với kết quả này, Huyện phấn đấu hết năm 2020 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là 3 xã: Song Phượng, Liên Trung, Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng xã Đan Phượng nông thôn mới Tràng An.
Đặc biệt, Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng tiếp cận đô thị với các nhiệm vụ trọng tâm “sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Chính vì vậy, để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, Huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông trọng điểm như các đường nhánh N1, N4, N10, cải tạo đường tỉnh lộ 417, trải nhựa các tuyến đường giao thông trục xã, thôn. Đồng thời xây dựng thêm 9 trường học đạt chuẩn quốc gia, đưa vào sử dụng 43 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư. Huyện cũng quan tâm phát triển giáo dục, y tế, dẫn đầu Thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; là địa phương tiên phong trong phát triển y tế xã và triển khai mô hình bác sỹ gia đình.
Với mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy huyện đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã có 8 mô hình sản xuất rau, nấm, hoa lan Hồ Điệp tiêu biểu diện tích khoảng 40 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời xây dựng các nhãn hiệu tập thể cho nông sản như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Nông sản quê hương người gái đảm… Bên cạnh đó còn đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm an toàn với 8 chuỗi sản phẩm nông sản được liên kết tiêu thụ đến các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch và các trường học. Giá trị nông nghiệp- thủy sản trên 1 ha canh tác dự kiến năm 2020 đạt 371 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,25 lần so với năm 2015. Ngoài ra, Huyện cũng quan tâm phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề Liên Hà, Liên Trung với diện tích 17ha. Tích cực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2), đáp ứng nhu cầu mặt bằng mở rộng sản xuất cho người dân… Nhờ vậy kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,63%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2015.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, theo bà Đào Thị Hồng, huyện Đan Phượng còn đẩy mạnh xây dựng làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ. Hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển chỉ dẫn công cộng và biển số nhà trên địa bàn huyện, mỗi xã có từ 1-2 tuyến đường được trồng hoa, cây xanh. Đặc biệt tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” hàng tháng trên địa bàn huyện, được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
Không ngừng phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn
Để đạt được kết quả này là cả một quá trình không ngừng phấn đấu, học hỏi, vừa song song triển khai thực hiện vừa đúc kết kinh nghiệm để hoàn thiện mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Muốn làm được thành công, bà Hồng cho biết, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước, việc tuyên truyền được đặt lên hàng đầu và nêu gương có sức thuyết phục cao nhất. Tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phát huy dân chủ là chìa khóa, động lực cho phát triển, muốn vậy phải công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ nhân dân, tăng cường phân cấp cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện công trình, dự án của chương trình theo quy định. Phát huy vai trò làm chủ của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Cùng với đó là quan tâm đầu tư cho phát triển theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân nhất là trong vấn đề giải quyết lao động việc làm sau thu hồi đất, ô nhiễm môi trường… Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị hưởng thụ cho người dân như chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp.
Với định hướng rõ ràng và những kết quả đã đạt được, huyện Đan Phượng phấn đấu xây dựng huyện trở thành quận vào năm 2025. Trong đó đối với thị trấn Phùng và các khu đô thị mới hình thành ở các xã, huyện phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thực hiện quản lý đô thị, xây dựng các tuyến phố đô thị văn minh theo quy định. Kiến nghị thành phố sớm đầu tư kết cấu hạ tầng khung như Dự án Đường vành đai 4, đường trục Tây Thăng Long… và tạo điều kiện cho các khu đô thị hình thành.
Đối với 15 xã xây dựng nông thôn mới ở các thôn, cụm dân cư đã có, tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giữ vững bản sắc văn hóa thôn, làng. Tập trung vào các nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển kinh tế, đào tạo nghề, phấn đấu giải quyết 4 nghìn việc làm mới/năm, ưu tiên những lao động bị thu hồi đất canh tác.
Trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đáy với diện tích hơn 1 nghìn ha phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh như hệ thống máy bán hàng tự động. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, quảng bá các sản phẩm địa phương và xây dựng các điểm đến như: Xây dựng các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh cụm di tích lịch sử văn hóa xã Hạ Mỗ; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa vật thể, phi vật thể chèo tàu Tân Hội, ca trù Thượng Mỗ, diều Bá Giang…
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Khuyến khích phát triển phong trào luyện tập thể dục, thể thao, xây dựng làng văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở. Chăm lo sức khỏe và tinh thần cho trẻ em được học hành, vui chơi, lành mạnh…
Hy vọng với cách làm bài bản, bước đi chắc chắn cộng với quyết tâm, nỗ lực cao độ cùng sự vào cuộc, đồng lòng của nhân dân toàn huyện, Đan Phượng sẽ sớm đạt được mục tiêu như kỳ vọng đưa ra và luôn là điểm sáng của Thủ đô trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn.